Đáng chú ý, từ ngày 15/12/2024 đến 14/6/2025, toàn ngành hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 8.561 vụ vi phạm pháp luật hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính khoảng 13.614 tỷ đồng. Qua đó, nộp ngân sách Nhà nước gần 461,36 tỷ đồng; khởi tố 8 vụ án và chuyển cơ quan chức năng kiến nghị khởi tố 54 vụ việc.
Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là trên tuyến đường biển chiếm tới 53,2% tổng số vụ vi phạm, tập trung tại các cảng biển lớn với các hành vi khai sai tên hàng, mã số, chủng loại, trị giá hải quan và gian lận xuất xứ.
Tuyến đường bộ ghi nhận nhiều hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các mặt hàng như pháo nổ, đường kính trắng, thực phẩm đông lạnh, thuốc lá… với vi phạm chủ yếu về hóa đơn, chứng từ. Các địa bàn trọng điểm gồm các tỉnh miền trung và tuyến biên giới Việt-Lào, Việt-Trung, Việt-Campuchia.
Trên tuyến hàng không, hoạt động vận chuyển trái phép chất ma túy, tiền tệ, vàng có dấu hiệu gia tăng, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Đối tượng vi phạm lợi dụng chính sách tạo thuận lợi thương mại, thương mại điện tử, chuyển phát nhanh để thực hiện hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Trước tình hình trên, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó có Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ, mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái. Bám sát chỉ đạo này, Cục Hải quan đã ban hành nhiều kế hoạch và công văn triển khai, đáng chú ý là Kế hoạch số 01/KH-BTC ngày 15/5/2025 và Công văn số 5214/CHQ-ĐTCBL ngày 18/5/2025.
Kết quả, chỉ trong một tháng triển khai (15/5–15/6/2025), cơ quan hải quan đã phát hiện, xử lý 93 vụ vi phạm với tổng trị giá hơn 1.621 tỷ đồng, trong đó có 12 vụ liên quan đến hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (trị giá khoảng 1.600 tỷ đồng) và 81 vụ khác liên quan đến các mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng như thực phẩm đông lạnh, mỹ phẩm…
Đặc biệt, trong lĩnh vực phòng chống ma túy, từ 15/12/2024 đến 14/6/2025, ngành Hải quan đã chủ trì và phối hợp phát hiện, bắt giữ 103 vụ/110 đối tượng, trong đó cơ quan Hải quan trực tiếp chủ trì 43 vụ. Tang vật thu giữ gồm gần 2 tấn ma túy các loại, tăng gần 95% so với cùng kỳ năm trước. Các chất ma túy bị thu giữ bao gồm: 401,7g thuốc phiện; 122,39kg cần sa; 32,6kg heroin; 1,86kg cocain; 1.471kg ketamine; 273,53kg và 1.899 viên ma túy tổng hợp (MTTH); 106kg và 60.000 viên ma túy khác.
Để chủ động kiểm soát, Cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 58/QĐ-CHQ ngày 15/4/2025 về quy trình kiểm soát ma túy của lực lượng hải quan, thay thế quy trình cũ ban hành từ năm 2021. Đồng thời, Cục xây dựng và triển khai Kế hoạch số 2618/KH-CHQ ngày 21/4/2025 về tăng cường kiểm soát ma túy, tiền chất năm 2025; tích cực hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy 2025 theo chỉ đạo của Chính phủ với chủ đề “Chung một quyết tâm–Vì cộng đồng không ma túy”.
Cùng với các biện pháp chuyên môn, lãnh đạo Cục Hải quan đã chỉ đạo toàn ngành huy động tối đa lực lượng, phương tiện, áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp nghiệp vụ nhằm siết chặt kiểm tra, giám sát, đặc biệt với các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để trốn tránh thuế chống bán phá giá và các biện pháp phòng vệ thương mại.
Thời gian tới, lực lượng hải quan sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đẩy mạnh phối hợp liên ngành, tập trung xử lý các tuyến, địa bàn trọng điểm và nhóm hàng hóa rủi ro cao như ma túy, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, hàng điện tử, hàng giả mạo xuất xứ… nhằm góp phần giữ vững an ninh kinh tế và bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng Việt Nam.