Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện công tác chuyển đổi số được triển khai mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, 100% cơ sở khám chữa bệnh triển khai hệ thống thông tin bệnh viện; nhiều cơ sở y tế triển khai sổ khám sức khỏe điện tử trên VNeID, khám chữa bệnh từ xa, đơn thuốc điện tử, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chẩn đoán điều trị bệnh, sử dụng robot…
Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức như: Tỷ lệ già hóa dân số gia tăng; tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm ngày càng cao; gánh nặng bệnh tật và sự chênh lệch trong tiếp cận y tế giữa các khu vực không chỉ làm suy giảm chất lượng sống, mà còn tạo gánh nặng lên hệ thống y tế và ngân sách nhà nước… Do đó vấn đề cấp bách hiện nay là Việt Nam cần kiến tạo một hệ sinh thái y tế-dược phẩm hiện đại, hiệu quả, công bằng và bền vững.
Chúng ta đang tích cực triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW (ngày 22/12/2024) của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cùng các mục tiêu quốc gia, hướng tới trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, trong đó ngành y tế trở thành một trong những trụ cột quan trọng để nâng cao chất lượng sống, bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Đây là “thời điểm vàng” khi đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số được xác định là động lực cốt lõi, đặt con người làm trung tâm và sức khỏe nhân dân là nền tảng quốc gia.
Mới đây, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn “Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thúc đẩy chăm sóc sức khỏe toàn diện, bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên mới” thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý, chuyên gia trong nước và nước ngoài, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y, dược, công nghệ…
Tại diễn đàn, các đại biểu tập trung thảo luận các giải pháp đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực ưu tiên của ngành y tế; tăng cường ứng dụng AI; đẩy nhanh chuyển đổi số trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân...
Đặc biệt, hai chủ đề đột phá được tập trung nhấn mạnh là đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển, tạo đột phá trong chăm sóc sức khỏe; hướng tới hệ thống y tế công bằng, bền vững.
Đây là hai chủ đề gắn chặt với định hướng chính sách của Việt Nam, nhất là Nghị quyết số 57-NQ/TW. Đáng chú ý, AI được xác định là công cụ, là chìa khóa then chốt mang tính đột phá, gắn liền sâu sắc với định hướng chính sách, giúp tăng tốc triển khai các giải pháp y tế tiên tiến, đưa Việt Nam tiến nhanh trên hành trình hiện thực hóa tầm nhìn 2045.
Cần thúc đẩy mạnh mẽ, toàn diện chuyển đổi số y tế; triển khai hiệu quả sổ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử, đơn thuốc điện tử; liên thông dữ liệu giữa các lĩnh vực y tế và bảo hiểm y tế; đồng thời, cần tăng cường nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là AI, blockchain, dữ liệu lớn, internet vạn vật trong cung cấp dịch vụ y tế.
(Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long)
Nhiều nội dung khác được tập trung thảo luận như: Tăng đầu tư công cho y tế lên 5% GDP; bảo đảm mọi người dân được khám sức khỏe định kỳ và có hồ sơ sức khỏe số hóa vào năm 2030; phát triển các thành phố thông minh về y tế; giải pháp để đạt mục tiêu đưa Việt Nam vào Top 3 trung tâm nghiên cứu AI trong lĩnh vực y tế tại ASEAN. AI sẽ được ứng dụng trong phát triển thuốc, y học chính xác và dự báo dịch bệnh.
Mặt khác việc tiếp cận y tế công bằng và chất lượng cao cho nhân dân cũng cần được thực thi. Điều này bao gồm mở rộng phạm vi bảo hiểm y tế; thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị thông qua giải pháp y tế từ xa (telehealth); tăng cường dịch vụ công số, hướng đến bình đẳng trong tiếp cận chăm sóc sức khỏe...
Hiện đã có tới 80% chuyên gia dược phẩm và khoa học đời sống hiện đang sử dụng AI để khám phá thuốc; 95% các công ty dược phẩm đang đầu tư vào năng lực AI… Công nghệ AI đang giúp các công ty dược phẩm rút ngắn quá trình khám phá thuốc từ năm đến sáu năm xuống chỉ còn một năm. Các ứng dụng AI có khả năng tạo ra giá trị hằng năm từ 350 tỷ đến 410 tỷ USD cho các công ty dược phẩm vào năm 2025. Việc sử dụng AI trong các thử nghiệm lâm sàng có thể giúp tiết kiệm 70% chi phí và rút ngắn 80% thời gian thực hiện.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nhấn mạnh, thời gian tới cần thúc đẩy mạnh mẽ, toàn diện chuyển đổi số y tế; triển khai hiệu quả sổ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử, đơn thuốc điện tử; liên thông dữ liệu giữa các lĩnh vực y tế và bảo hiểm y tế; đồng thời, cần tăng cường nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là AI, blockchain, dữ liệu lớn, internet vạn vật trong cung cấp dịch vụ y tế.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực các trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm và cơ sở kỹ thuật cao, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ sinh học, giám sát và cảnh báo sớm dịch bệnh, dược phẩm, thiết bị y tế.
Với thị trường dược phẩm phục vụ hơn 100 triệu dân, việc phát triển công nghiệp dược trong nước có ý nghĩa chiến lược, nhằm nâng cao năng lực tự chủ về thuốc, vắc-xin, sinh phẩm, nguyên liệu và thiết bị y tế, đặc biệt là nghiên cứu sản xuất thuốc mới, thuốc phát minh và thuốc ứng dụng công nghệ cao.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chức năng tăng cường hợp tác công tư, liên doanh, liên kết, bảo đảm hiệu quả, minh bạch; tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân đầu tư cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc, vắc-xin, thiết bị y tế; đồng thời tăng cường hợp tác với các quốc gia có trình độ khoa học, công nghệ, y tế phát triển trên thế giới; ưu tiên trao đổi học thuật, liên kết đào tạo nhân lực y tế và y tế số chất lượng cao; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ mới, hiện đại.