Du khách tham quan Côn Đảo. (Ảnh THÙY TRANG)
Du khách tham quan Côn Đảo. (Ảnh THÙY TRANG)

Quan tâm phát triển y tế Côn Đảo

Thành phố Hồ Chí Minh đang bước vào giai đoạn phát triển mới, mạnh mẽ và rộng lớn hơn sau khi hợp nhất địa giới hành chính với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong bức tranh phát triển đó, y tế là một trong những lĩnh vực được thành phố đặc biệt quan tâm nhằm bảo đảm chất lượng sống cho người dân.

Nhưng cũng chính trong tiến trình này, một câu hỏi đặt ra cần câu trả lời nghiêm túc: Hệ thống y tế của đại đô thị có đủ bao quát tới từng ngóc ngách xa xôi, nhất là ở nơi “đầu sóng ngọn gió” như Côn Đảo?

Nằm cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh hàng trăm cây số đường biển, Côn Đảo là địa bàn đặc biệt về địa lý, dân cư và cả chức năng. Không chỉ là vùng đất thiêng gắn với lịch sử dân tộc, nơi đây còn là điểm đến du lịch nổi tiếng, thu hút gần 400.000 lượt khách chỉ trong sáu tháng đầu năm 2025.

Con số nêu trên là niềm vui, nhưng cũng là áp lực không nhỏ đối với hệ thống y tế địa phương, một hệ thống vốn đã và đang phải xoay xở trong điều kiện thiếu hụt nhân lực, nhất là bác sĩ chuyên khoa.

Việc Trung tâm Y tế Quân dân y Côn Đảo chính thức được sáp nhập về Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh là tín hiệu tích cực. Điều này không chỉ khẳng định sự quan tâm mang tính chiến lược của Thành phố Hồ Chí Minh đối với đảo xa, mà còn tạo điều kiện để huy động các nguồn lực hỗ trợ kịp thời hơn.

Tuy nhiên, chỉ quyết tâm thôi là chưa đủ, điều cần thiết hiện nay là một kế hoạch hành động cụ thể, có tầm nhìn dài hạn để nâng cao năng lực y tế Côn Đảo, cả về cơ sở vật chất lẫn con người.

Thực tế cho thấy, những năm qua, trung tâm y tế tại Côn Đảo đã được đầu tư xây dựng mới, trang bị hiện đại hơn. Nhưng hạ tầng y tế, dù có tối tân đến mấy, cũng sẽ không phát huy hiệu quả nếu thiếu bàn tay chuyên môn vững vàng.

Những ca cấp cứu ban đêm, những ca sinh khó, lọc thận định kỳ hay tai nạn trên biển vốn thường xuyên xảy ra ở địa bàn hải đảo, đều là những tình huống đòi hỏi bác sĩ không chỉ có chuyên môn cao mà còn phải có kinh nghiệm xử trí trong điều kiện đặc thù.

Đó là chưa kể đến yếu tố con người trong việc phục vụ một lượng khách du lịch lớn, ngày càng gia tăng theo từng mùa. Khác với người dân địa phương có thể quen với những hạn chế y tế tại đảo, du khách, nhất là khách quốc tế đòi hỏi dịch vụ y tế đạt chuẩn.

Một sự cố y tế không được xử lý kịp thời không chỉ ảnh hưởng đến tính mạng con người, mà còn ảnh hưởng tới hình ảnh du lịch của cả vùng.

Do đó, không thể xem nhẹ vấn đề nhân lực y tế cho Côn Đảo, đây là bài toán đã được nhận diện từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Đưa bác sĩ giỏi ra đảo là một chủ trương đúng đắn nhưng cần thêm cơ chế hỗ trợ để bác sĩ yên tâm công tác lâu dài. Nhà ở công vụ, chế độ thu nhập, chính sách ưu đãi nghề nghiệp và môi trường làm việc, tất cả đều cần được tính toán một cách căn cơ, thực chất, thay vì chỉ trông chờ vào sự “tình nguyện”.

Côn Đảo là phần máu thịt không thể tách rời của đại đô thị mới Thành phố Hồ Chí Minh. Bảo đảm an sinh, trong đó có chăm sóc sức khỏe người dân và du khách tại đảo, là thước đo của tầm nhìn phát triển bao trùm. Không thể để nơi xa nhất trở thành nơi thiệt thòi nhất.

Trước mắt, ngành y tế thành phố cần nhanh chóng xây dựng một chiến lược tổng thể về nhân lực cho các vùng đặc thù như Côn Đảo, vừa bảo đảm chất lượng chuyên môn, vừa duy trì được sự ổn định trong cung ứng dịch vụ y tế. Không ai bị bỏ lại phía sau, đó không chỉ là khẩu hiệu, mà phải trở thành nguyên tắc hành động của một chính quyền hướng đến phát triển công bằng, bền vững.

Xem thêm