Mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn thông tin về vụ việc mới nhất liên quan nội dung của phiên chất vấn.
Ngày 8/7, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Hà Nội phát hiện và bắt giữ bốn đối tượng liên quan hoạt động giết mổ, tiêu thụ thịt lợn nghi nhiễm bệnh tại các xã Thường Tín, Hòa Xá và phường Đại Mỗ.
Thời gian qua, thành phố Hà Nội xây dựng nhiều chính sách, cơ chế cho lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm. Sau khi Luật Thủ đô 2024 được ban hành, thành phố nâng khung xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt gấp hai lần mức phạt chung của các tỉnh, thành phố khác trên cả nước.
Tuy vậy, thực tế, những bất cập trong quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm thời gian qua vẫn khiến người dân Thủ đô chưa thể yên tâm với những bữa ăn hằng ngày, từ ngoài hàng quán đến bữa cơm gia đình.
Mối lo hiện diện trong mọi công đoạn của chuỗi cung cấp từ nguồn gốc sản phẩm, quy trình sản xuất, cho đến lưu thông, chế biến và kinh doanh thực phẩm.
Tại phiên chất vấn, đại biểu Trần Khánh Hưng bày tỏ quan ngại khi vừa qua, cơ quan công an bắt tạm giam và khởi tố hình sự đối với bốn đối tượng giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh.
Trong khi đó, hằng ngày tổng trọng lượng thịt gia súc, gia cầm có kiểm soát cung cấp ra thị trường Thủ đô là 550 tấn/ngày, mới đáp ứng 60% nhu cầu thịt tiêu thụ của người dân Hà Nội. Vậy 40% lượng thịt còn lại có nguồn gốc như thế nào?
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho rằng, địa bàn Hà Nội tiêu thụ lượng thịt rất lớn. Số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ lên tới 126.000 hộ. Thành phố tự cung ứng được 60% lượng thịt, còn lại nhập từ các địa phương khác. Thực phẩm vào thành phố luôn có quy định rõ ràng. Tuy nhiên vẫn có hàng hóa trôi nổi, nhập lậu hoặc sai phạm từ các cơ sở nhỏ lẻ.
Sở Nông nghiệp và Môi trường đang xây dựng cơ chế phạt nặng, nghiêm minh với các trường hợp sai phạm và tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm.
Theo đánh giá của Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố, việc triển khai hệ thống cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn Hà Nội chưa đạt yêu cầu đề ra. Mới có ba trong số tám cơ sở giết mổ tập trung được đầu tư, xây dựng và đi vào hoạt động, tuy nhiên công suất hoạt động chỉ đạt khoảng 40% công suất thiết kế.
Đáng chú ý, thành phố vẫn còn tới 701 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tồn tại trong các khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường và không bảo đảm an toàn thực phẩm.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, việc giải quyết các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ là vấn đề thành phố trăn trở nhiều năm qua. Muốn xử lý triệt để thì cần có đủ cơ chế, chính sách để thu hút và tạo điều kiện hoạt động cho các cơ sở giết mổ tập trung. Tuy nhiên thực tế rất khó khăn vì chưa thể cạnh tranh được với cơ sở nhỏ lẻ do giá thành, chi phí đầu tư cao.
Nhằm khắc phục những hạn chế trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, nhiều đại biểu và cả lãnh đạo thành phố đều dành sự quan tâm đến việc xác lập mô hình quản lý hiệu quả cho Hà Nội.
Đại biểu Phạm Đình Đoàn đưa ý tưởng thành lập mô hình một cơ quan chính, thậm chí là duy nhất, để đảm nhiệm vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cho thành phố Hà Nội, thay vì có tới ba ngành cùng chịu trách nhiệm như hiện nay.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Vũ Thu Hà cho biết, Hà Nội đề xuất nhóm giải pháp ứng dụng chuyển đổi số, đưa ra những chỉ dẫn về các cơ sở kinh doanh bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để người dân, du khách đến Hà Nội biết và tìm kiếm thông qua bản đồ điện tử, đồng thời khuyến cáo đối với những địa chỉ chưa đạt yêu cầu, có vi phạm. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục triển khai tuyến phố ẩm thực an toàn, có kiểm soát sau thời gian thực hiện thí điểm.
Đồng chí Vũ Thu Hà cho biết, thực hiện mô hình chính quyền hai cấp, thành phố sẽ ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí, chủ động đề xuất cơ chế, thực hiện phân cấp, để triển khai, bảo đảm chất lượng thức ăn đường phố được kiểm soát.
Để khắc phục hạn chế trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố cần thực hiện hai việc:
Thứ nhất là khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách, mô hình quản lý phù hợp tình hình mới, sớm trình Hội đồng nhân dân thành phố thông qua.
Thứ hai, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm nghiêm minh
Hai vấn đề cần song hành, làm rõ trách nhiệm, từ đó tăng hiệu quả quản lý trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm.