Diễn biến thay đổi nhanh, bão có xu hướng mạnh lên
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: So với những bản tin được phát hành cách đây 3–4 ngày, khi bão còn hoạt động trên khu vực Tây Thái Bình Dương và mới vượt qua Philippines, diễn biến của bão đến thời điểm hiện tại đã có nhiều thay đổi đáng lưu ý.
Ngay khi bão đi vào Biển Đông, Trung tâm đã phát hành bản tin cảnh báo sớm. Tuy nhiên, thời điểm đó vẫn còn tồn tại sự khác biệt giữa các mô hình dự báo trong nước và quốc tế liên quan đến hướng di chuyển của bão.
Sau khi vào Biển Đông, bão số 3 di chuyển ổn định về phía tây bắc. Tới chiều tối 20/7, bão áp sát vùng ven biển tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), đi dọc theo dải ven biển nước bạn, duy trì cường độ cấp 12. Tuy nhiên, đến 9 giờ sáng 21/7, khi tiến vào Vịnh Bắc Bộ, cường độ bão suy yếu xuống cấp 9 – tức giảm 3 cấp trong 12 giờ, do quỹ đạo lệch lên phía bắc và tiếp xúc đất liền sớm hơn dự kiến.
Từ trưa đến đầu giờ chiều 21/7, bão có xu hướng lệch nhẹ xuống phía nam, hoàn lưu được tái tổ chức chặt chẽ. Dữ liệu vệ tinh và phân tích chuyên môn cho thấy bão có dấu hiệu mạnh lên, đạt cuối cấp 9, đầu cấp 10, tăng một cấp so với sáng cùng ngày.
Dự báo, bão sẽ tiếp tục mạnh thêm, có khả năng đạt cuối cấp 10, đầu cấp 11 khi áp sát vùng biển từ phía nam Hải Phòng đến bắc Thanh Hóa trong khoảng cuối buổi sáng đến đầu buổi chiều 22/7.
Theo ông Mai Văn Khiêm, hoàn lưu bão số 3 rất rộng. Từ chiều tối 20/7, dù chưa tiến vào Vịnh Bắc Bộ, khu vực này đã có mưa diện rộng. Tại các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Thủ đô Hà Nội, cũng ghi nhận mưa rải rác do ảnh hưởng của rìa mây bão.
Từ trưa đến chiều 21/7, mưa lớn gia tăng tại khu vực Đông Bắc, đặc biệt là tỉnh Quảng Ninh với lượng mưa phổ biến 100mm–175mm, có nơi gần 200mm. Gió mạnh bắt đầu xuất hiện tại các đảo tiền tiêu như Bạch Long Vĩ.
Tính đến chiều 21/7, tâm bão cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 130km về phía Đông Đông Bắc. Quan trắc cho thấy gió mạnh cấp 8, giật cấp 9. Trong đêm nay và sáng sớm mai, khu vực này có thể ghi nhận gió cấp 9–10, giật cấp 11, là diễn biến cần đặc biệt lưu ý.
Từ đêm 21/7 đến sáng 22/7, vùng ven biển Quảng Ninh sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên của gió mạnh (cấp 9–10 ngoài khơi, cấp 7–8 ven bờ). Sau đó, hoàn lưu mở rộng, tác động đến Đông Bắc và đồng bằng Bắc Bộ.
Mưa lớn sẽ tăng mạnh tại đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, tập trung từ rạng sáng 22/7. Vùng gió mạnh nhất trên đất liền dự kiến xảy ra từ nam Hải Phòng đến bắc Thanh Hóa trong khoảng 10–15 giờ ngày 22/7, trùng thời điểm tâm bão đổ bộ. Gió có thể đạt cấp 8–9, vùng gần tâm bão cấp 10, giật cấp 13.
Cảnh báo trọng điểm, không chủ quan với kịch bản rủi ro
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia xác định ba khu vực có nguy cơ ảnh hưởng nặng nề nhất:
Các đảo tiền tiêu như Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải, đang ghi nhận gió cấp 6–8, tiếp tục chịu tác động trực tiếp trong đêm 21/7 và sáng 22/7.
Vùng ven biển Quảng Ninh-Hải Phòng, đối mặt với gió mạnh, sóng lớn, triều cường dâng cao, nguy cơ ngập úng tại vùng trũng thấp.
Khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ Hải Phòng đến Nghệ An, nơi dự báo có mưa lớn kéo dài kết hợp gió mạnh, tiềm ẩn nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập úng đô thị.
Ngoài ra, các tỉnh Hưng Yên và Ninh Bình dù không giáp biển, nhưng nằm trong vùng ảnh hưởng gián tiếp. Trung tâm đã lập danh sách các xã, phường có nguy cơ cao tại Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An để phục vụ công tác ứng phó.
Tại Quảng Ninh, lượng mưa đã gần 200mm trong ngày 21/7 và còn tiếp tục tăng. Khu vực miền tây Thanh Hóa và Nghệ An cũng được cảnh báo cao, với gần 70 xã trong diện theo dõi lũ quét, sạt lở.
Đáng lưu ý, hiện tượng này không chỉ xảy ra trong mưa lớn mà có thể xuất hiện sau mưa, nhất là ở huyện vùng núi như Mường Lát (Thanh Hóa). Ngoài ra, mưa lớn tại Thượng Lào có thể làm tăng lưu lượng nước về các sông suối phía bắc Việt Nam, gây lũ muộn.
Dự báo từ 13 giờ–17 giờ ngày 22/7, độ cao sóng tại các trạm ven biển như Ba Lạt (Thái Bình), Hoàng Châu (Hải Phòng), Cửa Ông và Trà Cổ (Quảng Ninh) có thể đạt 2,4m–5m. Sự cộng hưởng giữa bão, sóng lớn và triều cường làm gia tăng nguy cơ ngập lụt ven biển.
Ông Khiêm cũng cho biết, mặc dù hiện tại quỹ đạo bão phù hợp với dự báo chính thức, Trung tâm vẫn cảnh báo không loại trừ kịch bản xấu: bão di chuyển chậm lại, lệch xuống phía Nam-Tây Nam, kéo dài thời gian hoạt động trên Vịnh Bắc Bộ và có thể mạnh lên.
"So với bão Yagi (2024), bão số 3 có cường độ yếu hơn, nhưng phạm vi hoàn lưu rộng hơn, lượng mưa lớn hơn và tồn tại lâu hơn. Tổng lượng mưa tại Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An dự báo phổ biến 250mm–400mm, có nơi trên 600mm, mức nguy hiểm cao, cần sự chủ động của các cấp, ngành và người dân", ông Khiêm chia sẻ.
Khu vực miền núi phía bắc và Bắc Trung Bộ tiếp tục được cảnh báo về nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất – đặc biệt tại những địa bàn thường ít được chú ý nhưng chịu ảnh hưởng nặng khi thiên tai xảy ra. Trọng tâm đợt cảnh báo lần này gồm: vùng núi phía tây Thanh Hóa, Nghệ An, phía nam Phú Thọ, Hòa Bình, phía tây Sơn La và Quảng Ninh, nơi có địa hình dốc, đất yếu, dễ sạt trượt khi mưa lớn kéo dài.,
Dù miền núi Bắc Bộ không nằm trong vùng mưa chính, hoàn lưu bão rộng có thể tạo các ổ mây dông gây mưa cục bộ tại rìa ngoài hoàn lưu, một yếu tố cần đặc biệt lưu ý, bởi mưa dông ngắn tại sườn núi dễ dẫn đến lũ quét bất ngờ.
Hiện nay, hệ thống cảnh báo lũ quét, sạt lở đất của Cục Khí tượng thủy văn quốc gia đã được nâng cấp trực tuyến tại địa chỉ: sanat.co.vn. Hệ thống này cảnh báo sớm 3–6 giờ trước khi xảy ra sự cố, cập nhật theo giờ, dựa trên dữ liệu mưa quan trắc và dự báo. Các cảnh báo được chia ba cấp độ nguy cơ (trung bình, cao, rất cao), thể hiện bằng màu sắc rõ ràng, hỗ trợ chính quyền và người dân chủ động ứng phó.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn đề nghị các cơ quan báo chí phối hợp truyền thông rộng rãi về hệ thống cảnh báo trực tuyến, giúp người dân nhận biết nguy cơ tại nơi sinh sống, từ đó có phương án phòng tránh phù hợp, giảm thiểu thiệt hại.