Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Bắc Bộ, Cục Khí tượng-Thủy văn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cảnh báo về tình trạng ngập úng tại đô thị.
Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Bắc Bộ, Cục Khí tượng-Thủy văn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cảnh báo về tình trạng ngập úng tại đô thị.

Bão số 3: Cảnh báo gió mạnh, mưa lớn và nguy cơ ngập úng tại Hà Nội

Bão số 3 (tên quốc tế Wipha) tiếp tục diễn biến phức tạp, hoàn lưu rộng, gây ảnh hưởng sớm đến khu vực Bắc Bộ, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia khuyến cáo người dân Thủ đô chủ động ứng phó với các tình huống bất thường về gió mạnh, mưa lớn, ngập úng đô thị và nguy cơ lũ trên các sông.

Nguy cơ mưa lớn gây ngập úng đô thị

Chiều 21/7, tại cuộc họp cập nhật tình hình bão số 3, ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Bắc Bộ, Cục Khí tượng-Thủy văn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, các bản tin dự báo chi tiết đến từng xã đã được cập nhật, tập trung nêu rõ những điểm nguy hiểm của bão-là đối tượng dự báo chính trong đợt này.

Theo ông Hiệp từ ngày 22/7, Hà Nội sẽ bắt đầu chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hoàn lưu bão với các biểu hiện gió mạnh, mưa lớn. Gió giật tại Hà Nội có thể đạt cấp 7–8, gió ổn định duy trì ở cấp 5–6. Đáng lưu ý, hoàn lưu bão có thể gây gió mạnh cục bộ trên diện hẹp do hoạt động của các đám mây đối lưu, đặc biệt là gió mạnh trong dông, thường xảy ra bất ngờ và rất nguy hiểm.

Cơ quan khí tượng cảnh báo, với nhiều nhà cao tầng tại Hà Nội, hiệu ứng tăng tốc gió khi luồng gió lùa qua các khu vực này có thể khiến thực tế gió mạnh hơn nhiều so với ghi nhận tại trạm quan trắc. Người dân được khuyến cáo hạn chế ra ngoài trong thời điểm gió mạnh để bảo đảm an toàn.

Trong đợt ảnh hưởng của bão số 3, tổng lượng mưa tại Hà Nội dự báo phổ biến từ 100mm–200mm, một số nơi có thể vượt 300mm. Mưa lớn trong thời gian ngắn, kết hợp mưa cục bộ do dông mạnh, tiềm ẩn nguy cơ ngập úng tại các vùng trũng, thấp.

Theo phân tích của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, tại khu vực nội đô, độ sâu ngập úng có thể phổ biến từ 0,2m–0,5m, có nơi sâu hơn; thời gian ngập cục bộ kéo dài từ 30 phút đến 1 tiếng trước khi nước rút. Các khu vực ven sông, nền đất yếu, địa hình dốc, các cống tiêu nước xung yếu cần được đặc biệt lưu ý.

Liên quan đến nguy cơ ngập úng, cô lập cục bộ, đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: đến thời điểm hiện tại, lượng mưa ghi nhận tại Hà Nội chưa lớn, chưa xác định có khu vực nào xảy ra tình trạng ngập nặng. Tuy nhiên, cần đặc biệt cảnh giác với hiện tượng mưa lớn bất thường sau bão. Đây là thời điểm đầu đến giữa mùa mưa bão, độ ẩm trong khí quyển cao, dễ hình thành dải hội tụ nhiệt đới sau khi bão tan, có thể tiếp tục gây mưa lớn trên diện rộng.

Cảnh báo lũ trên các sông, nguy cơ vượt báo động II-III

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo: với lượng mưa phổ biến 100mm–200mm, mực nước trên các sông chính có thể dâng cao. Trên sông Mã, mực nước thượng nguồn có khả năng lên mức báo động II đến báo động III. Các sông Thao, Lô, Đà, Tế, Thái Bình, Hoàng Long, Cả… có thể lên mức báo động I đến II. Riêng hạ lưu sông Hồng và các sông Mã, Cả dao động quanh báo động I.

Trong các bản tin lũ và ngập lụt đô thị hiện hành, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã liệt kê cụ thể các vị trí có nguy cơ ngập úng, trượt lở đất theo từng khung giờ phát hành. Hệ thống dự báo tại địa phương có thể cung cấp chi tiết theo khu vực, giúp người dân chủ động ứng phó.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia khuyến nghị người dân tiếp tục theo dõi các bản tin dự báo chính thống, hạn chế chia sẻ thông tin chưa kiểm chứng, đồng thời thực hiện nghiêm các chỉ đạo của chính quyền và cơ quan phòng, chống thiên tai địa phương để giảm thiểu tối đa thiệt hại do mưa bão gây ra.

Xem thêm