Ngày 21/7, Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Công an (ƯPT) có Công điện số 08/CĐ-BCĐ gửi Công an các đơn vị, địa phương về việc tập trung ứng phó với bão số 3 và mưa lũ.
Công điện gửi Thủ trưởng các đơn vị: Cục An ninh kinh tế; Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Trung tâm Dữ liệu quốc gia; Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Cục Kế hoạch và tài chính; Cục Quản lý xây dựng và doanh trại; Cục Trang bị và kho vận; Cục Viễn thông và cơ yếu; Cục Công nghệ thông tin; Cục Y tế; Cục Truyền thông Công an nhân dân;
Ban Chỉ huy ƯPT Công an các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội.

Yêu cầu Ban chỉ huy ƯPT Công an các đơn vị, địa phương chủ động lực lượng thường trực, ứng trực, dự bị sẵn sàng ứng phó với diễn biến của bão trong mọi tình huống; Bảo đảm công tác an ninh trật tự tại cơ sở với mục tiêu bảo đảm an toàn, sức khỏe, tính mạng cho nhân dân là trên hết, trước hết;
Chủ động nắm chắc diễn biến tình hình của bão, mưa lũ, khẩn trương phối hợp rà soát, thống kê chi tiết các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, khu vực ven biển, cửa sông, ven bờ để kịp thời tham mưu sơ tán, di dời người dân cùng phương tiện, tài sản đến nơi an toàn, kiên quyết không để người dân ở lại trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản trước và trong khi bão đổ bộ (cần thiết phải cưỡng chế di dời ngay để bảo đảm an toàn);
Phối hợp kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tầu thuyền tại các khu neo đậu, tránh trú bảo đảm an toàn cháy nổ, an ninh trật tự, xã hội; chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng tổ chức hướng dẫn các chủ phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để ứng phó, không di chuyển vào khu vực nguy hiểm, về nơi tránh trú an toàn và cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra;
Bên cạnh đó, bố trí lực lượng hướng dẫn, phân luồng, cắm biển cảnh báo, bảo đảm an toàn giao thông, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, kiên quyết không để người và phương tiện tham gia giao thông lưu thông khi không bảo đảm an toàn, kiểm soát chặt chẽ việc đi lại, tham gia giao thông của người dân khi bão đổ bộ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản;
Tham mưu đề xuất cấm đường vượt biển, cầu vượt biển, phà giao thông, các bến đò ngang trong thời gian bão ảnh hưởng; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các biện pháp, kỹ năng ứng phó với thiên tai, sơ cứu ban đầu nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra;
Đồng thời, phối hợp bảo đảm an toàn hồ đập, thủy điện, công trình có dự án trọng điểm, quan trọng liên quan an ninh quốc gia.