Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An giúp ngư dân gia cố tàu ứng phó bão số 3. Ảnh: TTXVN
Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An giúp ngư dân gia cố tàu ứng phó bão số 3. Ảnh: TTXVN

Các khu vực nuôi trồng thủy sản khẩn trương ứng phó bão số 3

Hồi 13 giờ ngày 21/7, tâm bão số 3 (Wipha) cách Quảng Ninh khoảng 120km, Hải Phòng 260km, Hưng Yên 280 km và Ninh Bình khoảng 310 km về phía đông Đông Bắc, sức gió mạnh nhất cấp 9–10, giật cấp 12.

Dự báo, đêm 21/7, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có gió mạnh cấp 7–9, vùng gần tâm bão cấp 10–11, giật cấp 14. Khu vực sâu trong đất liền như Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa có gió cấp 6, giật cấp 7–8.

Cơn bão số 3 (Wipha) với sức gió mạnh, mưa lớn trên diện rộng cùng nguy cơ gây lũ quét, sạt lở đất, là mối đe dọa nghiêm trọng đối với các khu vực nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Các hộ nuôi trồng thủy sản cần khẩn trương gia cố cơ sở vật chất, di dời lồng bè, sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn. Chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đang nỗ lực hỗ trợ người dân, nhưng sự chủ động của từng cá nhân, chủ hộ nuôi vẫn là yếu tố then chốt để giảm thiểu thiệt hại.

Theo báo cáo nhanh của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh hiện có: 29.259 lồng bè; 3.906 chòi canh nuôi trồng thủy sản (các địa phương đang tổng hợp số lượng người trên các lồng bè, chòi canh); 149.870 ha nuôi thủy sản (25.389 ha nuôi tôm nước lợ, 22.772 ha nuôi nhuyễn thể, 101.709 ha nuôi thủy sản nước ngọt) có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão và mưa lũ.

Các khu vực nuôi trồng thủy sản, bao gồm khu nuôi cá nước lạnh vùng cao, hồ chứa, lồng bè trên sông và biển đảo, có nguy cơ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi bão số 3 và hoàn lưu sau bão, gây thiệt hại cơ sở vật chất và sản lượng thủy sản.

Với khu vực nuôi cá vùng cao, mưa lớn có thể gây lũ quét, làm trôi lồng bè, hoặc sạt lở đất làm hư hại cơ sở vật chất. Khu vực nuôi cá lồng trên sông tại Thanh Hóa (sông Mã), Nghệ An (sông Lam) và Quảng Trị (sông Thạch Hãn) đối diện nguy cơ lũ quét và dòng chảy mạnh do mưa lớn, lồng bè có thể bị cuốn trôi, lưới bị rách do cây cối, vật liệu trôi theo dòng lũ, hoặc nước sông dâng cao làm ngập chìm lồng.

Để bảo vệ tính mạng, tài sản và sản lượng thủy sản, các hộ nuôi trồng cần triển khai ngay các biện pháp ứng phó khẩn cấp.

Tại khu vực ven biển và biển đảo, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi, tất cả tàu thuyền, lồng bè và chòi canh nuôi trồng thủy sản cần được di dời về nơi tránh trú an toàn. Các hộ nuôi cần gia cố dây neo, phao nổi và lưới lồng, đồng thời di dời lồng bè đến khu vực eo kín gió hoặc cảng cá an toàn. Sẵn sàng lực lượng cứu hộ với thuyền máy, phao cứu sinh tại các khu vực ven biển và đảo.

Đối với lồng bè trên sông, cần kiểm tra và chằng buộc lồng bè chắc chắn, dọn sạch vật cản quanh khu vực nuôi để tránh làm rách lưới. Nếu khu vực nuôi nằm trong vùng nguy cơ lũ quét hoặc sạt lở cao, cần di dời lồng bè đến nơi an toàn. Người dân cần sơ tán khỏi chòi canh và lồng bè đến nơi trú ẩn an toàn, đồng thời theo dõi các bản tin thời tiết và cảnh báo lũ từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia.

Với khu vực nuôi cá vùng cao, cần kiểm tra và gia cố lồng bè, dây neo và lưới để chịu được dòng chảy mạnh. Nếu khu vực nuôi gần sườn đồi hoặc ven sông suối có dấu hiệu sạt lở, cần di dời lồng bè đến vị trí an toàn hơn, như eo kín gió hoặc khu vực ít chịu tác động của lũ. Trước khi mưa lớn, lấy nước sạch vào ao để ổn định độ mặn và pH, tránh hiện tượng nước trôi phèn làm cá chết. Sau mưa, rút bớt nước tầng mặt để giảm biến động môi trường. Đồng thời, bổ sung vitamin, khoáng vi lượng và men tiêu hóa vào khẩu phần ăn của cá (từ 10-15 ngày/đợt, mỗi đợt 5-7 ngày) để tăng sức đề kháng cho thủy sản.

Tại khu vực hồ chứa, chính quyền địa phương cần rà soát an toàn hồ đập, vận hành điều tiết nước và thông báo lịch xả lũ đến các hộ nuôi gần hồ. Các hộ nuôi cần gia cố lồng bè, bảo đảm dây neo và phao nổi đủ chắc chắn. Nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy và lắp lưới chắn quanh ao để ngăn cá bị cuốn trôi. Tuyệt đối không để người ở lại chòi canh hoặc lồng bè khi có thông báo xả lũ.

Xem thêm