Nâng cao năng lực quản lý rừng bền vững
Cùng với một số công ty lâm nghiệp khác, Dự án SFM được triển khai tại Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn (Gia Lai). Đối tượng thụ hưởng là hơn 700 hộ dân từ 10 cộng đồng địa phương, trong đó có nhiều hộ thuộc các dân tộc thiểu số Ba Na, Chăm. Thông qua việc xây dựng khung pháp lý hợp tác, dự án đã hỗ trợ Công ty xây dựng thỏa thuận hợp tác thay thế cho các hợp đồng lao động truyền thống. Thỏa thuận này thiết lập khung pháp lý rõ ràng về quyền và trách nhiệm của từng bên, bảo đảm sự tham gia trực tiếp của cộng đồng vào quá trình ra quyết định.
Mười thỏa thuận hợp tác đã được công ty ký kết, bắt đầu từ ba cộng đồng tiên phong vào tháng 6/2024 và mở rộng thêm bảy cộng đồng vào tháng 2/2025. Đồng thời, Dự án SFM tiến hành nhiều đợt tập huấn về giới, xem xét các khuôn khổ pháp lý và hợp đồng hiện hành để phát triển các mô hình lồng ghép bình đẳng giới.

Các chương trình đào tạo toàn diện bao gồm kiến thức về quản lý rừng bền vững, tiêu chuẩn chứng chỉ rừng (FSC, VFCS/PEFC) và đặc biệt là bình đẳng giới. Các khóa đào tạo sử dụng phương pháp tham gia và thảo luận nhóm, giúp cộng đồng nắm vững kỹ năng đàm phán và giải quyết xung đột. Trước đây, cộng đồng địa phương chỉ làm việc thông qua các nhà thầu trung gian, hạn chế khả năng tham gia vào quá trình ra quyết định và giải quyết khúc mắc. Mô hình hợp tác mới thiết lập mối quan hệ trực tiếp giữa công ty và cộng đồng, tạo ra sự minh bạch và tin cậy lẫn nhau.
Cùng với đó, cơ chế giám sát và phản hồi hai chiều được áp dụng, thúc đẩy thỏa thuận hợp tác trao quyền và cơ hội cho cộng đồng tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động bảo vệ rừng. Đồng thời, công ty cũng nhận được phản hồi kịp thời từ cộng đồng về tình hình bảo vệ rừng và các vấn đề phát sinh.
Việc phát triển các mô hình hợp tác cộng đồng giữa Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn và thành viên cộng đồng, người dân địa phương góp phần giải quyết những thách thức quản lý rừng nhỏ lẻ, nâng cao nhu cầu chuyển đổi mô hình hợp tác và đẩy mạnh chứng chỉ rừng bền vững.
Từ thành công ban đầu với ba cộng đồng, mô hình hợp tác cộng đồng đã được nhân rộng thành công. Đến nay đã có hơn 700 hộ dân tham gia quản lý rừng bền vững theo đúng mô hình của dự án và doanh nghiệp đặt ra. mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chị Đinh Thị Inh, người dân tộc Ba Na ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Gia Lai khi được hỏi đã nghẹn ngào nói rằng, mô hình quản lý mới rất tốt, vừa mang lại thu nhập cho người dân nhận khoán rừng, vừa thay đổi được môi trường, văn hóa xã hội địa phương.
"Tôi mong muốn dự án và Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn tiếp tục thực hiện hợp đồng để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa nhận thức, tư duy của bà con dân tộc, góp phần nâng cao kinh tế, xã hội địa phương", chị Inh chia sẻ.
Ông Nguyễn Ngọc Đạo, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn cho biết, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn đã được nhận chứng chỉ quản lý rừng bền vững VSCF/PEFC, do Công ty Bureau Veritas Certification (Việt Nam) đánh giá và cấp chứng nhận. Chứng chỉ được cấp cho 1.284,7ha rừng và đất rừng mà công ty đang quản lý và sử dụng. Công ty được thành lập năm 1992, là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thực hiện nhiệm vụ công ích là quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên và thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh rừng trồng. Diện tích rừng tự nhiên do Công ty quản lý có 10.476 ha, trong đó rừng giàu chiếm 50%.
Năm 2020, Công ty đã xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, đồng thời tiến hành quản lý rừng theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững FSC, VFCS. Năm 2023, Công ty đăng ký đánh giá để được cấp chứng chỉ VFCS/PEFC.
Bên cạnh đó, công ty cũng đã áp dụng kỹ thuật nuôi dưỡng, chuyển hóa rừng trồng keo cung cấp gỗ nhỏ thành rừng cung cấp gỗ lớn, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng của công ty. Việc đón nhận chứng chỉ VFCS/PEFC giúp sản phẩm từ rừng của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn có giá trị kinh tế cao khi tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng trồng rừng, quản lý rừng bền vững và chế biến gỗ.
Áp dụng các mô hình quản lý rừng bền vững
Cũng nằm trong khuôn khổ thực hiện Dự án “Nhân rộng Quản lý rừng bền vững và Chứng nhận chỉ rừng tại Việt Nam” (SFM), “Trồng rừng gỗ lớn theo hướng nâng cao giá trị kinh tế ” đang được Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, tỉnh Gia Lai thực hiện hiệu quả.
Về quy mô, dự án có diện tích 4ha (Thuộc tiểu khu 352, phường Quy Nhơn Tây, tỉnh Gia Lai). Mô hình được trồng tháng 12/2022 đến nay gần 3 năm tuổi). Nhìn chung, việc áp dụng quy trình kỹ thuật và thực hiện các biện pháp kỹ thuật lâm sinh bảo đảm, do đó từ lúc trồng cho đến nay tình hình cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt đến thời điểm hiện tại đã đạt các chỉ tiêu như đường kính bình quân 9,7cm, chiều cao bình quân đạt 12 m và trữ lượng bình quân đạt 75m3/ha.
Việc áp dụng tỉa thưa chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn đang được thực hiện hiệu quả. Tỉa thưa là một biện pháp phổ biến trong mô hình trồng rừng hướng đến sản xuất gỗ lớn, nơi mục tiêu là tạo ra gỗ lớn chất lượng cao. Kỹ thuật này cho thấy cách chọn và loại bỏ sớm những cây cong, kém phát triển ngay từ giai đoạn đầu để tạo thêm không gian và nguồn dinh dưỡng cho các cây khỏe, thân thẳng còn lại sinh trưởng tốt hơn.
Phát huy lợi thế kinh tế rừng, công ty đang thực hiện các biện pháp thúc đẩy môi trường rừng, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, thúc đẩy dịch vụ du lịch được phép hoạt động theo quy định và các dịch vụ liên quan khác để nâng cao thu nhập từ rừng.

Để quản lý rừng bền vững, quản lý tốt các diện tích rừng, Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn áp dụng thiết bị bay không người lái trong giám sát rừng. Máy bay không người lái (UAV/drone) trang bị camera đa phổ đã tạo nên cuộc cách mạng trong quản lý rừng, chuyển đổi phương thức giám sát và kiểm kê rừng truyền thống.
Từ việc kiểm tra một lần mỗi tháng với 4 nhân viên, các công ty lâm nghiệp có thể thực hiện 3 lần kiểm tra/tháng chỉ với 2 người; tăng diện tích giám sát từ 40ha lên 450ha mỗi lần và giảm thời gian thực hiện từ 7 ngày xuống 2 ngày. Đặc biệt, UAV đã thay đổi hoàn toàn cách thức giám sát rừng từ phương pháp thủ công sang tự động hóa. Thay vì nhân viên phải đi bộ qua địa hình hiểm trở, UAV có thể bay quét toàn bộ khu vực trong thời gian ngắn, thu thập dữ liệu chính xác và toàn diện. Việc sử dụng UAV đã loại bỏ hoàn toàn chi phí logistics (100.000-150.000 đồng/người/chuyến), giảm 50% nhân lực cần thiết và rút ngắn 3,5 lần thời gian thực hiện. Đặc biệt, diện tích khảo sát tăng gấp 11,25 lần từ 40ha lên 450ha mỗi lần kiểm tra.
Trước khi ứng dụng UAV, quản lý rừng gặp nhiều khó khăn nghiêm trọng. Việc kiểm tra chỉ thực hiện một lần mỗi tháng do hạn chế về nhân lực và chi phí. Dữ liệu thu thập được thường không chính xác do phụ thuộc vào quan sát trực tiếp, khó tiếp cận các khu vực xa xôi, và thời gian xử lý kéo dài. Nhân viên thường phải đối mặt với địa hình nguy hiểm, thời tiết khắc nghiệt và nguy cơ tai nạn cao. Các hoạt động bất hợp pháp như khai thác gỗ trái phép thường được phát hiện muộn do khả năng giám sát hạn chế.
Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn Ngô Văn Tỉnh cho biết, trồng rừng gỗ lớn là một trong những định hướng chiến lược quan trọng của Công ty trong giai đoạn phát triển bền vững ngành lâm nghiệp gắn với chuỗi giá trị. Mục tiêu chính là nâng cao giá trị gia tăng của rừng trồng thông qua sản xuất gỗ lớn, phục vụ chế biến sâu, góp phần thay thế gỗ nhập khẩu. Thực hiện quản lý rừng bền vững, giảm thiểu tác động đến môi trường, nâng cao khả năng hấp thụ carbon và thích ứng với biến đổi khí hậu. Gắn kết chặt chẽ với người dân, cộng đồng và doanh nghiệp chế biến, bảo đảm lợi ích hài hòa và phát triển sinh kế cho các bên tham gia...
Ngày 12/1/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Nông nghiệp và Môi trường) đã ban hành Quyết định số 110/QĐ-BNN-HTQT phê duyệt Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Nhân rộng quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng tại Việt Nam” sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức. Đơn vị thực hiện dự án: Ban Quản lý dự án Trung ương và Ban Quản lý dự án các tỉnh Quảng Trị, Bình Định và Phú Yên phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức - GIZ (là tổ chức được Nhà tài trợ ủy thác quản lý dự án) triển khai Dự án. Thời gian thực hiện dự án, năm 2022-2025.