Tuyến cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh được kỳ vọng mở ra tương lai mới cho vùng đất quê hương Cách mạng Cao Bằng.
Tuyến cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh, hình mẫu đúng nghĩa về PPP
Theo đánh giá của ông Lê Hải Hòa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng, cái “bắt tay” hợp tác giữa tỉnh Cao Bằng và Tập đoàn Đèo Cả đầu tư tuyến cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh là hình mẫu đúng nghĩa về hợp tác công-tư (PPP), mở ra tương lai mới cho vùng đất quê hương Cách mạng, vì mục tiêu phát triển đất nước.
Câu chuyện mở tuyến đường cao tốc lên Cao Bằng từng được khơi dậy từ khá lâu với nhiều kỳ vọng, nhưng rồi đều lặng lẽ khép lại. Không ít nhà đầu tư tìm đến, khảo sát, nhưng hy vọng chưa kịp nhen lên đã vụt tắt khi họ phải đối mặt với khó khăn do địa hình hiểm trở, chi phí lớn và hiệu quả chưa rõ ràng.
Hình mẫu PPP đúng nghĩa
Dự án đường cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh là dự án PPP đầu tiên trong cả nước triển khai theo Luật PPP mới, đánh dấu bước ngoặt quan trọng về tư duy đầu tư hạ tầng.
Để giải quyết thách thức về nguồn vốn cho dự án, Tập đoàn Đèo Cả đã nghiên cứu áp dụng giải pháp PPP++. Mô hình này đưa ra nhằm huy động nguồn vốn cho dự án từ vốn ngân sách Nhà nước, vốn chủ sở hữu và vốn huy động, thông qua việc đa dạng hóa nguồn vốn huy động để tăng hiệu quả huy động, giảm thiểu rủi ro trong suốt quá trình thực hiện dự án.
Theo đó, P1++ là phần vốn ngân sách Nhà nước, gồm vốn ngân sách trung ương và vốn ngân sách địa phương với tỷ lệ vốn Nhà nước góp hơn 50%; P2++ là vốn chủ sở hữu đến từ các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước; P3++ là vốn huy động từ tín dụng, cổ phiếu, trái phiếu, hợp đồng BCC, nguồn vốn nước ngoài,…
Bình luận mô hình này, ông Lê Hải Hòa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng cho biết, mô hình PPP++ ngoài giúp đa dạng hóa nguồn vốn, còn củng cố trách nhiệm của các nhà đầu tư, nhà thầu.
Tuyến Đồng Đăng-Trà Lĩnh dài 121km, sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Cao Bằng về Hà Nội xuống còn khoảng 3,5 giờ.
Thực chất, mô hình PPP++ không chỉ là một sáng tạo thể chế. Đó là sự kết tinh của trí tuệ tập thể cán bộ, kỹ sư Tập đoàn Đèo Cả, dám nghĩ khác, nghĩ xa, luôn đi trước một bước và thể hiện sự liên kết trách nhiệm giữa Nhà nước, doanh nghiệp và địa phương.
Tinh thần hợp tác công-tư thực chất được gói gọn trong 2 chữ hợp tác và sẻ chia, chính là “chìa khóa” mở cánh cửa tuyến cao tốc. Sự nghi ngại ban đầu đã được chuyển hóa thành niềm tin, thành sự cổ vũ, khích lệ, để tiếp tục những hành trình lớn hơn, ý nghĩa hơn.
Ông Lê Hải Hòa cũng khẳng định: "Sự dấn thân của Đèo Cả trong đầu tư xây dựng tuyến cao tốc này tại vùng “quê hương Cách mạng” là một hiện thực được tạo nên từ niềm tin và tư duy đổi mới không ngừng. Chỉ có Đèo Cả vẫn ở lại và không chỉ ở lại, mà còn hành động, dấn thân, cùng chúng tôi tháo gỡ từng điểm nghẽn, từng rào cản thể chế, từng vướng mắc kỹ thuật, tài chính".
Ở nơi nhiều người chọn rút lui, Đèo Cả chọn bắt đầu. Ngay từ những ngày đầu, sự bế tắc về nguồn vốn đầu tư dự án quá lớn đã được xóa bỏ bằng đề xuất tái cấu trúc toàn bộ: rút ngắn chiều dài tuyến, giảm tổng mức đầu tư từ hơn 47.000 tỷ đồng xuống còn khoảng 23.000 tỷ đồng cho cả 2 giai đoạn.
Được phân kỳ thành 2 giai đoạn, tuyến Đồng Đăng-Trà Lĩnh có tổng chiều dài 121km, sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Cao Bằng về Hà Nội từ 6-7 giờ xuống còn khoảng 3,5 giờ.
Giai đoạn 1 của dự án được khởi công đúng ngày 1/1/2024 (chiều dài 93,35km), xuyên qua khu vực địa hình phức tạp. Trong giai đoạn 2, dự án mở rộng toàn tuyến giai đoạn 1 và làm mới 27,71km đường cao tốc kết nối lên đến cửa khẩu Trà Lĩnh.
Khoảnh khắc Thủ tướng Phạm Minh Chính chính thức phát lệnh khởi công dự án vào ngày 1/1/2024, một hy vọng mới đang mở ra cho Cao Bằng.
Cũng từ đó, không khí nhộn nhịp trên khắp các công trường đã thổi sinh khí mới vào vùng đất phên giậu Tổ quốc, khi hơn 3.200 kỹ sư và công nhân cùng 1.500 máy móc thiết bị ngày đêm thi công, biến khẩu hiệu “vượt nắng, thắng mưa” thành hiện thực mỗi ngày.
Tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn cùng Tập đoàn Đèo Cả đang nỗ lực đưa công trình về đích sớm: cơ bản hoàn thành, thông tuyến vào ngày 19/12/2025.
Không dừng lại ở đó, giai đoạn 2 của dự án và tuyến kết nối cửa khẩu Tà Lùng sẽ được khởi công đúng ngày 19/8 tới. Một cột mốc thể hiện quyết tâm giữ vững cam kết – đúng tiến độ, đúng kỳ vọng, đúng lòng dân.
Thực chất, mô hình PPP++ không chỉ là một sáng tạo thể chế. Đó là sự kết tinh của trí tuệ tập thể cán bộ, kỹ sư Tập đoàn Đèo Cả, dám nghĩ khác, nghĩ xa, luôn đi trước một bước và thể hiện sự liên kết trách nhiệm giữa Nhà nước, doanh nghiệp và địa phương. Tinh thần hợp tác công-tư thực chất được gói gọn trong hai chữ hợp tác và sẻ chia, chính là “chìa khóa” mở cánh cửa tuyến cao tốc".
Ông Lê Hải Hòa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng.
Khi hoàn thành, tuyến cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh sẽ không chỉ mở đường cho Cao Bằng bứt phá, mà còn góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược của đất nước: hoàn thiện 3.000km cao tốc từ Cao Bằng đến mũi Cà Mau-một trục kết nối xuyên suốt, nâng tầm vị thế quốc gia.
Nếu không có sự nhất quán trong tư duy, sự kiên trì trong hành động và dấn thân đầy trách nhiệm của các thế hệ lãnh đạo tỉnh, sẽ không có những doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành và cũng khó mà có một tuyến cao tốc dần thành hình như hiện nay.
Hơn 1.000 hộ dân hoàn thành giải phóng mặt bằng, bàn giao hơn 222ha đất cho nhà thầu thi công đúng tiến độ.
Nhưng trên hết, Đồng Đăng-Trà Lĩnh là minh chứng sống động cho dự án “ý Đảng hợp lòng dân”.
Quyết tâm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Cao Bằng giao cho chính quyền cơ sở huy động nguồn lực, phát động phong trào thi đua, kêu gọi sự đồng lòng của nhân dân, tạo nên khí thế quyết liệt từ tỉnh xuống đến cơ sở.
Trước khi dự án khởi công, nhân dân tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn đã chấp nhận dựng lán, ngủ lều, thuê nhà để bàn giao nhà cửa, ruộng vườn cho dự án, dù chưa nhận hết chi phí hỗ trợ.
Trong quá trình nghiên cứu, triển khai dự án, điều khó nhất các bên phải đối mặt không chỉ về vốn, địa hình, hay kỹ thuật, mà là sự nghi ngại về tính khả thi của dự án. Cả chính quyền và doanh nghiệp đã cùng nhau nắm tay bước qua “màn sương” nghi hoặc, từng bước chinh phục lòng tin của dư luận, của thị trường, của nhà đầu tư và những người trong cuộc.
Cái “bắt tay” giữa Cao Bằng và Đèo Cả không đơn thuần là hợp đồng BOT, mà là sự đồng hành thực chất, là hình mẫu đúng nghĩa về hợp tác PPP theo tinh thần Nghị quyết 68: Nhà nước không đứng ngoài. Doanh nghiệp không đơn độc. Cả hai cùng nhìn về một hướng, cùng hành động vì mục tiêu phát triển đất nước.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Cao Bằng cũng đánh giá cao những nỗ lực của Tập đoàn Đèo Cả trong việc tham gia tích cực các hoạt động an sinh xã hội như xây trường, trồng rừng, hỗ trợ người dân vùng lũ - những hành động không ồn ào nhưng lặng thầm lan tỏa.
Sau chiến dịch “100 ngày đêm giải phóng mặt bằng” do tỉnh Cao Bằng phát động, hơn 1.000 hộ dân hoàn thành giải phóng mặt bằng nhanh chóng, làm nên “kỳ tích” bàn giao hơn 222ha đất cho nhà thầu thi công đúng tiến độ, giúp giải bài toán khó cho chính quyền tỉnh không phải dồn hàng trăm tỷ đồng để chi trả tiền đền bù ngay lập tức.
Đến nay, việc giải phóng mặt bằng toàn dự án đạt 93,14/93,35km mặt bằng (tương đương 99%).
Chính tinh thần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết tại dự án này đã góp phần truyền cảm hứng để Trung ương sửa đổi một điểm quan trọng trong Nghị quyết 18 về đất đai: “Ở đâu có công trình trọng điểm, thực sự vì lợi ích quốc gia, có sự đồng thuận của nhân dân thì không nhất thiết phải xây dựng và phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư trước khi triển khai”. Bởi ở đó, nhân dân đã tự nguyện mở đường bằng niềm tin về một tương lai tươi sáng đang đến rất gần.