“Siêu giông nhiệt đới”
Báo cáo nhanh của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Cơn giông hồi 16 giờ ngày 19/7 diễn ra bất ngờ trên hầu khắp miền bắc, bao gồm cả khu vực Vịnh Bắc Bộ.
Nhiều nơi có giông mạnh, lốc xoáy và gió giật mạnh, cục bộ có nơi mưa to đến rất to. Một số nơi có gió giật mạnh như: trạm Cửa Ông (Quảng Ninh) 16m/s (cấp 7), trạm Bãi Cháy (Quảng Ninh) 26m/s (cấp 10), trạm Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) giật 18m/s (cấp 8);…
Theo thống kê chưa đầy đủ của các địa phương, nhiều nơi có hiện tượng tốc mái nhà, cây cối, hoa màu gãy đổ. Ngoài vụ việc lật tàu khách đáng tiếc trên vịnh Hạ Long, các địa phương khác không ghi nhận có thiệt hại về người liên quan đến cơn giông chiều ngày 19/7 vừa qua.

Nguyên nhân của hiện tượng mưa giông mạnh chiều hôm qua (19/7) ở Bắc Bộ và vịnh Bắc Bộ là do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Bắc Bộ, kết hợp với điều kiện nhiệt độ ở khu vực Bắc Bộ tăng cao trong 3 ngày qua, khiến dòng thăng mạnh trong điều kiện bất ổn định của khí quyển mạnh mẽ, gây mưa giông mạnh. Đây là một hệ thống siêu giông vùng nhiệt đới (Mesoscale Convective Systems – MCSs trong vùng nhiệt đới) là những tổ hợp mây giông quy mô trung bình, thường gây mưa rất to kèm theo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm.
Hệ thống siêu giông có đường kính từ vài km đến vài trăm km, gồm nhiều cụm mây giông phát triển kết hợp lại thành một hệ thống lớn. Có thể tồn tại trong nhiều giờ, thậm chí 12–24 giờ, mạnh hơn và lâu hơn giông đơn lẻ.

Trong bản tin dự báo thời tiết biển cho ngày và đêm 19/7/2025 (phát hành lúc 4 giờ 30 phút), Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã dự báo vùng biển vịnh Bắc bộ ngày có mưa rào và giông vài nơi; đêm có mưa rào và giông rải rác. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Ngoài ra, trong bản tin dự báo, cảnh báo hải văn thời hạn đến 10 ngày phát lúc 15 giờ 30 phút chiều ngày 18/7, Đài đã dự báo cho ngày 19/7 ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ, trong đó có dự báo cho vùng biển Bãi Cháy bao gồm cả vùng biển khu vực Vịnh Hạ Long ngày có mưa vài nơi, đêm có mưa rào và giông và dự báo biển động.

Như vậy, khả năng giông lốc xảy ra do ảnh hưởng của cơn bão số 3 đã được Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo trên các bản tin truyền thống và nhiều nền tảng thông tin mạng xã hội. Đồng thời, các đơn vị chức năng của các địa phương cũng phát đi cảnh báo bão cũng như yêu cầu các phương tiện đang hoạt động trên biển quay trở về bờ. Tàu khách gặp nạn trên Vịnh Hạ Long cũng đang trên đường về bờ thì gặp hình thái gió cực đoan khiến cả con tàu lật úp. Nhiều người trong khoang tàu không kịp phản ứng bị chìm cùng con tàu mà không thoát ra ngoài được.
Gió trong cơn giông xuất hiện nhanh nhưng đủ gây thiệt hại đáng kể
Các hiện tượng thời tiết cực đoan rất khó dự báo chính xác để có phương án phòng, tránh kịp thời. Tuy nhiên, với các hình thái thời tiết xấu, đi kèm ảnh hưởng của nền nhiệt cao bất thường cộng với tác động của gió bão trên khí quyển, các phương tiện dự báo hiện có có thể đưa ra những dự báo tương đối chính xác.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh, Viện Các Khoa học Trái đất, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, trong những cơn giông, bên cạnh sấm sét và mưa lớn, gió mạnh chính là một yếu tố nguy hiểm cần được lưu tâm. Gió mạnh trong cơn giông xảy ra khi trong khí quyển hình thành các dòng đối lưu mạnh do sự tương tác giữa khối không khí nóng ẩm dưới mặt đất và khối không khí lạnh ở tầng cao. Về bản chất, gió là sự chuyển động của không khí từ nơi có áp suất cao đến nơi có áp suất thấp. Khi giông xảy ra, sự chênh lệch áp suất diễn ra rất nhanh và trên quy mô hẹp, với dòng khí đi lên mạnh (updraft) và dòng khí đi xuống dữ dội (downdraft), tạo ra những luồng gió giật bất thường với tốc độ có thể vượt 100km/h. Các dòng khí đi xuống từ đám mây giông có thể va chạm với mặt đất rồi lan rộng ra xung quanh, sinh ra gió giật hay gió lốc. Trong một số trường hợp, nếu dòng khí xoáy theo chiều thẳng đứng đủ mạnh, có thể hình thành lốc xoáy có sức tàn phá nghiêm trọng. Nếu có thêm tác động từ địa hình, như núi, sườn dốc hoặc sự đô thị hóa làm biến dạng dòng khí, cơn giông sẽ càng trở nên phức tạp và nguy hiểm hơn.
Gió trong cơn giông thường có tốc độ rất lớn, thay đổi đột ngột và không đều. Nó xuất hiện nhanh, diễn ra trong thời gian ngắn (thường chỉ vài phút đến vài chục phút), nhưng đủ để gây ra thiệt hại đáng kể. Tính chất của gió giông thường là giật cấp, tức là tăng tốc độ rất nhanh trong một thời gian ngắn, có thể làm tốc mái nhà, thổi bay các công trình tạm, làm gãy đổ cây cối, cột điện, gây thiệt hại cho nông nghiệp, phá hủy mùa màng và làm gián đoạn, gây nguy hiểm cho hệ thống giao thông (trên biển, đường bộ, hàng không), truyền tải điện và thông tin liên lạc. Ngoài ra, luồng gió thường mang theo hơi ẩm, bụi, đất cát, thậm chí cả vật thể nhỏ bị cuốn lên không trung, làm giảm tầm nhìn và tăng nguy cơ tai nạn.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia lý giải nguyên nhân mưa dông mạnh tại Quảng Ninh và Bắc Bộ
Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh, trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, tần suất và cường độ của các cơn giông có xu hướng tăng lên, việc đẩy mạnh công tác phòng chống thiên tai, từ công tác dự báo, phòng ngừa đến cứu hộ, cứu nạn là rất cần thiết. Việc phân vùng hoạt động giông sét trên địa bàn cả nước cần được thực hiện với các nguồn số liệu cập nhật mới.
Theo phân tích của giới chuyên gia, Việt Nam là một trong những khu vực có tần suất giông sét cao hàng đầu thế giới. Trên thế giới có ba tâm giông chính: tâm giông châu Á, tâm giông châu Phi và tâm giông châu Mỹ. Trong đó Việt Nam nằm ngay trong tâm giông châu Á. Vì sao lại là tâm giông? Bởi vì Việt Nam nằm ở khu vực nhiệt đới, mà điều kiện để hình thành giông là phải có yếu tố nóng và ẩm. Khi có đủ hai yếu tố này thì mới dễ xuất hiện hiện tượng giông sét, thậm chí là giông sét mạnh, giông sét dữ dội.
Về mặt không gian, hoạt động giông xảy ra khá đồng đều trên cả nước. Tuy nhiên, cũng có những khu vực hoạt động giông sét mạnh hơn, và những khu vực ít hơn. Điều này phụ thuộc vào điều kiện địa hình, tương tác giữa địa hình với hệ thống thời tiết, gió mùa… Tức là ở đâu có dòng không khí đi lên mạnh - còn gọi là dòng thăng, thì hoạt động giông sét ở đó sẽ mạnh hơn.
Trước khi bão chính thức vào thì ở vùng rìa bão cũng có thể hình thành các cơn giông. Thí dụ gió mạnh xảy ra Hà Nội vào chiều ngày 19/7 là vậy, khi đó Hà Nội chưa bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão, nhưng đã có xảy ra gió mạnh.
Địa hình là một trong những yếu tố rất quan trọng tác động đến hoạt động giông. Ví dụ, nơi nào có núi, có địa hình phức tạp, thì dễ hình thành dòng khí đi lên. Những khu vực có đồi núi, nơi có sự chênh lệch địa hình giữa đồng bằng và núi, hay giữa đất liền và biển, thì sẽ tạo ra sự đối lưu không khí mạnh, từ đó tạo điều kiện phát triển các đám mây đối lưu là nguồn gốc của hiện tượng giông.
Để bảo đảm an toàn cho người và tài sản, cơ quan chức năng và người dân cần theo dõi sát các bản tin dự báo, cảnh báo, liên tục cập nhật diễn biến của bão để chủ động phòng, tránh. Đồng thời thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản theo hướng dẫn của cơ quan chức năng…