Trong đó, hệ thống cảng biển, trụ cột của ngành logistics không ngừng được hiện đại hóa theo hướng thông minh và phát triển bền vững, nhằm bắt nhịp xu thế “xanh hóa” toàn cầu và nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế.
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng làn sóng chuyển đổi số lan tỏa mạnh mẽ trên toàn cầu, các cảng biển tại Thành phố Hồ Chí Minh không thể đứng ngoài cuộc. Nhận thức rõ vai trò “mắt xích đầu mối” trong chuỗi logistics, nhiều cảng chủ động đầu tư hạ tầng công nghệ, triển khai phần mềm chuyên dụng để tối ưu hóa quy trình khai thác, rút ngắn thời gian thông quan và nâng cao hiệu quả vận hành.
Mang lại hiệu quả vượt trội
Thượng tá Hoàng Phi, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Kho vận Tân Cảng (thành viên của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn) cho biết: Nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và phục vụ khách hàng tốt hơn, từ tháng 5/2024, đơn vị đã chính thức vận hành hệ thống Cổng tự động (Autogate) tại cổng C, Cảng Tân Cảng Cát Lái. Đây là cảng đầu tiên trong hệ thống Tân Cảng Sài Gòn ứng dụng Autogate để kiểm soát người và phương tiện ra vào giao nhận hàng lẻ tại khu vực kho, bãi.
Autogate tích hợp nhiều công nghệ hiện đại như nhận dạng ký tự quang học (OCR) và nhận diện khuôn mặt (Facematch), cho phép hệ thống tự động trích xuất thông tin lái xe và biển số xe với độ chính xác gần như tuyệt đối. Nhờ đó, tài xế không cần phải di chuyển để đăng ký thủ công như trước. Ngoài ra, Autogate còn hỗ trợ tài xế chủ động thời gian lấy hàng, không cần xuất trình phiếu tải khi làm thủ tục check-in/check-out tại cổng, qua đó tiết kiệm thời gian chờ đợi, giảm ùn tắc giao thông ở cổng và khu vực lân cận.
Trước khi triển khai Autogate, các thành viên của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cũng đã đầu tư phát triển và ứng dụng nhiều phần mềm, giải pháp tự động hóa. Nổi bật như: hệ thống quản lý kho hàng điện tử eWMS (triển khai năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp), giúp giảm giao dịch trực tiếp, bảo đảm an toàn và tiết kiệm chi phí cho khách hàng; phần mềm quản lý container TOPOVN (từ năm 2015), rút ngắn thời gian giao nhận mỗi container từ 2-3 giờ xuống chỉ còn khoảng 30 phút; ứng dụng cảng điện tử ePort (từ năm 2012), cung cấp các dịch vụ như tra cứu thông tin container, lịch tàu, đăng ký làm hàng và thanh toán trực tuyến; lệnh giao nhận điện tử eDO và dịch vụ đăng ký trực tuyến (từ năm 2019), giúp đơn giản hóa quy trình giao nhận.
Không chỉ có hệ thống Tân Cảng Sài Gòn, các cảng khác tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang tích cực thực hiện chuyển đổi số. Tại Cảng container quốc tế SP-ITC, từ năm 2019, đơn vị đã chuyển sang sử dụng phần mềm quản lý cảng VTOS - sản phẩm công nghệ Việt Nam, thay thế cho hệ thống cũ thường xuyên gặp trục trặc vào giờ cao điểm. Việc đưa vào vận hành VTOS giúp số hóa 100% tác nghiệp khai thác, đồng thời tích hợp ổn định với hệ thống thông quan điện tử của ngành hải quan. Việc chủ động làm chủ công nghệ cũng giúp SP-ITC giảm dần sự phụ thuộc các phần mềm nước ngoài vốn có chi phí rất cao.
Song song đó, SP-ITC còn phát triển hệ sinh thái công nghệ Vietnam Smarthub Logistics (VSL) - nền tảng điện toán đám mây kết nối cảng với hãng tàu, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, ngân hàng... nhằm xử lý dịch vụ cảng và logistics theo thời gian thực. Qua VSL, khách hàng có thể thực hiện toàn bộ thủ tục trực tuyến, tiết kiệm thời gian và chi phí, hạn chế tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt hiệu quả trong giai đoạn dịch Covid-19.
Với mục tiêu đồng bộ hóa và tối ưu vận hành, Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn cũng đã hợp tác với doanh nghiệp công nghệ trong nước để phát triển bộ giải pháp tích hợp SGP-TOS (bao gồm VTOS + GTOS + VSL). Sau giai đoạn thử nghiệm thành công, từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, hệ thống này đã được triển khai tại Cảng Tân Thuận và Cảng Hiệp Phước, thay thế phần mềm CATOS cũ vốn đã sử dụng từ năm 2006. Việc tích hợp SGP-TOS với nền tảng dịch vụ trực tuyến VSL giúp cảng quản lý tập trung toàn bộ hoạt động container và hàng tổng hợp, đồng thời cung cấp các tiện ích trực tuyến như đăng ký dịch vụ kho bãi, thanh toán điện tử, tra cứu dữ liệu…
Còn không ít khó khăn, vướng mắc
Tuy đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng quá trình chuyển đổi số, thông minh hóa hoạt động tại các cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đối mặt không ít khó khăn và thách thức.
Theo nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI), một trong những vấn đề lớn hiện nay là tình trạng thiếu kết nối, liên thông hệ thống phần mềm giữa các cảng. Mỗi đơn vị sử dụng một nền tảng phần mềm riêng, chẳng hạn như hệ thống của Tân Cảng Sài Gòn khác biệt với SP-ITC và các cảng khác, dẫn tới khó khăn trong tích hợp dữ liệu và làm gia tăng chi phí tương thích cho khách hàng. Để khắc phục tình trạng này, cần có một cơ quan đầu mối đứng ra quy định chuẩn dữ liệu chung, thúc đẩy đồng bộ hóa hạ tầng công nghệ và tạo điều kiện để các hệ thống “giao tiếp” được với nhau.
Thêm vào đó, chi phí đầu tư cho chuyển đổi số là vấn đề không nhỏ, đặc biệt đối với những cảng quy mô nhỏ. Việc xây dựng hoặc mua hệ thống phần mềm quản lý cảng hiện đại có thể tiêu tốn hàng triệu USD. Doanh nghiệp cũng e ngại rủi ro khi bỏ ra chi phí lớn mà hiệu quả chưa được kiểm chứng ngay, trong khi việc duy trì, nâng cấp hệ thống công nghệ cao lại đòi hỏi nhân sự có trình độ chuyên môn cao và thường xuyên cập nhật.
Một thách thức khác là nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu công nghệ số. Hoạt động cảng biển truyền thống vốn sử dụng nhiều lao động phổ thông, nay phải chuyển sang mô hình vận hành kỹ thuật số. Tuy nhiên, nhiều cảng hiện chưa có đủ nhân sự có kiến thức công nghệ để vận hành hệ thống mới. Việc đào tạo lại đội ngũ hiện hữu và tuyển dụng nhân sự công nghệ thông tin chất lượng cao đang là trở ngại lớn, nhất là khi thu nhập ở ngành nghề khác cao hơn so với lĩnh vực cảng biển.
Ngoài ra, việc số hóa hoạt động cảng không thể tách rời việc kết nối với các hệ thống bên ngoài như hải quan điện tử, hãng tàu, các doanh nghiệp logistics. Trong giai đoạn đầu triển khai, cảng SP-ITC từng gặp trở ngại khi phần mềm cũ không đáp ứng yêu cầu tích hợp của Tổng cục Hải quan. Do đó, để bảo đảm các hệ thống vận hành trơn tru, cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên, từ cảng biển đến đối tác công nghệ, đồng thời có sự thống nhất về chuẩn dữ liệu, quy trình tích hợp. Nếu không bảo đảm được kết nối đồng bộ, các đơn vị buộc phải duy trì thủ tục giấy song song với thủ tục điện tử, làm giảm hiệu quả của quá trình số hóa.
(Còn nữa)