Đây là tiền đề quan trọng để thành phố tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, hướng đến một nền sản xuất xanh, bền vững.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, sản xuất thông minh đã trở thành yếu tố “then chốt” không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, mà còn tăng năng suất, giảm chi phí và tối ưu hóa quy trình.
Xu hướng tất yếu
Với lợi thế vị trí chiến lược, tốc độ chuyển đổi số nhanh, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất được đẩy mạnh, thành phố có cơ hội vươn lên trở thành trung tâm sản xuất thông minh của khu vực và thế giới. Theo ông Võ Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HBA), Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết số 68-NQ/ TW về phát triển kinh tế tư nhân là hai nghị quyết rất quan trọng tạo động lực thúc đẩy kinh tế Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Hướng đến mục tiêu sản xuất thông minh, hiệp hội xác định mục tiêu tuyên truyền, vận động thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư, chuyển đổi theo mô hình sản xuất thông minh và khu công nghiệp thông minh bền vững. “Đây là cơ hội, cũng là thách thức và kỳ vọng các doanh nghiệp có tầm nhìn khách quan hơn về xu thế, nắm bắt cơ hội tận dụng những tiềm năng sẵn có mở rộng hợp tác tạo nên những cộng đồng doanh nghiệp mạnh, phát triển bền vững. Qua đó, đóng góp vào phát triển của nền kinh tế quốc gia trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, ông Võ Văn Thân cho biết.
Sau hợp nhất, Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 60 khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao đã đi vào hoạt động. Việc chuyển đổi mô hình khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp thông minh để hướng đến mục tiêu phát triển xanh, bền vững trong bối cảnh hiện nay là điều cấp thiết. Sản xuất thông minh là xu thế tất yếu của nền công nghiệp hiện đại, trong bối cảnh Việt Nam đang tăng tốc hội nhập quốc tế, tham gia sâu rộng vào các chuỗi giá trị toàn cầu, và đối mặt với những đòi hỏi mới về phát thải ròng, hiệu quả tài nguyên và chuyển đổi xanh. Theo ông Chế Văn Trung, Giám đốc Khu Công nghiệp Cát Lái, trong khi nhiều khu công nghiệp mới đang được quy hoạch theo hướng hiện đại, thì phần lớn các khu công nghiệp truyền thống hình thành từ rất lâu, với hạ tầng lạc hậu, hiệu quả sử dụng đất thấp và thiếu liên kết công nghệ đang bộc lộ nhiều hạn chế trong thu hút đầu tư chất lượng cao, bảo vệ môi trường và kết nối chuỗi giá trị toàn cầu. Việc chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp tích hợp thế hệ mới, ứng dụng công nghệ số, tích hợp khu công nghiệp-đô thị-dịch vụ, logistics, phát triển kinh tế tuần hoàn và đạt chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị) là hướng đi tất yếu để nâng cấp năng lực nội sinh, giải quyết bài toán phát triển bền vững dài hạn cho nền công nghiệp quốc gia.
Bước chuyển chiến lược
Để chuyển mình trở thành trung tâm sản xuất thông minh của khu vực, Thành phố Hồ Chí Minh chọn một lộ trình riêng đó là kết hợp sản xuất thông minh với tính bền vững. Và xem việc tái cấu trúc ngành công nghiệp không phải là cuộc chạy đua “công xưởng xanh” theo phong trào, mà là chiến lược định vị lại vai trò của thành phố trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, để cụ thể hóa mục tiêu này, thành phố cần đầu tư hệ thống logistics hiện đại, thông minh và đồng bộ, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền sản xuất trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu. Với vị trí kinh tế thuận lợi, thành phố có tiềm năng trở thành trung tâm trung chuyển và sản xuất chiến lược của khu vực. Việc phát triển các cảng biển, sân bay và khu công nghiệp thông minh không chỉ giúp tối ưu chi phí logistics, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI và nội địa tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong kỷ nguyên mới, nơi tốc độ, kết nối, cũng như hiệu quả chuỗi cung ứng quyết định vị thế cạnh tranh, thì logistics và sản xuất thông minh chính là yếu tố quyết định để thành phố thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư công nghệ cao và tiến tới phát triển công nghiệp bền vững.
Các chuyên gia cho rằng, một trong những xu hướng tất yếu trong quá trình tái cấu trúc ngành sản xuất tại Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh là di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu vực đô thị, tập trung vào các khu công nghiệp thế hệ mới, nơi có hạ tầng đồng bộ, công nghệ số, quản lý tập trung và tiêu chuẩn phát triển bền vững. Việc di dời không chỉ nhằm giải quyết bài toán ô nhiễm, quá tải đô thị và sử dụng đất không hiệu quả, mà còn tạo điều kiện để doanh nghiệp nâng cấp dây chuyền công nghệ, tối ưu chuỗi cung ứng và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. Trong bối cảnh chuyển dịch sản xuất toàn cầu và yêu cầu ngày càng cao từ thị trường, hành trình di dời nhà máy vào khu công nghiệp thế hệ mới không đơn thuần là một bước chuyển địa lý, mà là bước chuyển chiến lược để ngành công nghiệp bứt phá trong kỷ nguyên mới. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HUBA) cho rằng, chuyển đổi sang mô hình sản xuất thông minh bền vững đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn, ổn định và có tính dài hạn. Tại Việt Nam, nhu cầu chuyển đổi công nghệ, số hóa sản xuất và tuân thủ tiêu chuẩn ESG đang ngày càng gia tăng, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải mở rộng kênh dẫn vốn hiệu quả, minh bạch và linh hoạt. Việc kết nối giữa khu vực sản xuất với hệ sinh thái tài chính, từ ngân hàng, thị trường chứng khoán đến các định chế tài chính quốc tế sẽ là bước ngoặt chiến lược giúp Việt Nam, cũng như Thành phố Hồ Chí Minh tăng tốc quá trình hiện đại hóa sản xuất gắn với phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới.