Phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp tại một sự kiện của doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp tại một sự kiện của doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp tư nhân

Nghị quyết số 68-NQ/TW xác định kinh tế tư nhân là động lực then chốt. Trong đó, báo chí đóng vai trò kết nối, lan tỏa, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp và đồng hành cùng doanh nghiệp xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, bền vững…

Kênh thông tin quan trọng với doanh nghiệp

Tại Tọa đàm “Báo chí và doanh nghiệp: Đồng hành thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định: Báo chí cần đồng hành và thúc đẩy phát triển bền vững của doanh nghiệp. Một nền báo chí trung thực, tích cực, khách quan và nhân văn sẽ không chỉ là nơi lan tỏa thông tin, mà còn là không gian tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp vững vàng trước thách thức, tự tin đổi mới, hội nhập.

Trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế sâu rộng, báo chí cần làm tốt hơn vai trò cầu nối: Giữa doanh nghiệp với chính sách, giữa sáng kiến với thị trường, giữa tiếng nói của doanh nhân với cơ quan hoạch định và toàn xã hội. Một nền báo chí hiện đại, chủ động và đổi mới là điều kiện cần để hiện thực hóa khát vọng nâng tầm khu vực kinh tế tư nhân thành động lực then chốt trong phát triển đất nước.

Theo PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam, sức mạnh của khu vực tư nhân chính là chìa khóa để đạt mục tiêu tăng trưởng cao trong tương lai. Việc tái định vị vai trò của khu vực này không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn cần sự dẫn dắt tư tưởng từ báo chí.

“Chúng ta cần giải phóng đầu óc khỏi những định kiến xưa cũ như kinh tế tư nhân là tự phát, khó quản lý hay chỉ vì lợi nhuận. Chính báo chí phải đi đầu trong việc thay đổi nhận thức ấy”, ông Thiên nhấn mạnh.

Ở góc độ thể chế, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khu vực II Nguyễn Đức Lệnh nhận định: Quá trình triển khai chính sách sẽ hiệu quả hơn rất nhiều nếu có sự tham gia đồng hành của báo chí. Báo chí không chỉ giúp phổ biến chính sách, mà còn là kênh phản hồi nhanh nhạy từ thực tiễn doanh nghiệp, giúp cơ quan chức năng điều chỉnh, bổ sung kịp thời những điểm chưa phù hợp.

“Từ thực tiễn, tiếng nói của doanh nghiệp nếu được phản ánh trung thực, kịp thời trên mặt báo sẽ trở thành những chất liệu quý để Nhà nước hoàn thiện thể chế”, ông Lệnh nhấn mạnh.

Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Phạm Thị Nhật, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Đô thị Phúc Thành cho rằng, báo chí không chỉ là người bạn đồng hành mà còn là cầu nối quan trọng, góp phần truyền tải tiếng nói của doanh nghiệp đến các cơ quan quản lý. Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn báo chí tiếp tục phát huy vai trò đồng hành, chia sẻ thông tin, phản ánh kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp.

Đồng thời tham mưu, kiến nghị với Chính phủ tháo gỡ các bất cập về thể chế nhằm hiện thực hóa tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/ TW, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bền vững.

Phát huy vai trò chuyên nghiệp và trách nhiệm của báo chí

Nhà báo Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía nam cho rằng: Để thực hiện tốt Nghị quyết số 68-NQ/TW, đội ngũ báo chí cần nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp. Bên cạnh việc lan tỏa những mô hình hay, cách làm sáng tạo, báo chí cần kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực trong đưa tin, nhất là những hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp, cố tình sai lệch thông tin để gây áp lực.

Để tăng hiệu quả tuyên truyền, ông Dũng đề xuất các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo và các câu lạc bộ báo chí chuyên ngành cần thiết lập các cơ chế hợp tác với VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp, triển khai chuyên mục, tuyến bài chuyên sâu về kinh tế tư nhân trên cả báo in, báo điện tử và nền tảng số.

Đồng thời, cần tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng truyền thông cho đội ngũ phụ trách truyền thông trong doanh nghiệp, một lực lượng ngày càng quan trọng trong kiến tạo hình ảnh thương hiệu và gắn kết cộng đồng.

Một trong những nội dung cần được đẩy mạnh là xây dựng “môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí”, từ đó nâng cao đạo đức nghề nghiệp, đề cao tính nhân văn và sự chính trực trong làm báo.

Các cơ quan báo chí cần thường xuyên sơ kết, đánh giá các chương trình phối hợp truyền thông với doanh nghiệp để tiếp tục điều chỉnh cho sát thực tiễn, phù hợp với nhu cầu phát triển và kỳ vọng của xã hội.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Hồi cho biết: Sở đang xây dựng kế hoạch truyền thông về triển khai Nghị quyết số 68-NQ/TW, với trọng tâm là truyền cảm hứng, lan tỏa các mô hình hiệu quả, khơi dậy nội lực trong doanh nghiệp.

“Không chỉ đưa tin về vướng mắc, báo chí cần giới thiệu những câu chuyện điển hình, doanh nghiệp thành công nhờ đổi mới, nhờ kiên định với triết lý phát triển dài hạn. Chính những điển hình ấy sẽ là ngọn lửa truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nhân cả nước”, ông Hồi nhấn mạnh.

Sở cũng sẽ phối hợp với các cơ quan báo chí và quản lý thông tin để đẩy mạnh truyền thông bảo vệ doanh nghiệp trên không gian mạng, một yêu cầu ngày càng bức thiết trong bối cảnh thông tin sai lệch, độc hại có thể gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, làm xói mòn niềm tin vào môi trường kinh doanh.

Nghị quyết số 68-NQ/TW mở ra một cơ hội lớn, nhưng cũng đặt ra yêu cầu cao đối với tất cả các lực lượng, trong đó có báo chí. Khi báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp, thấu hiểu doanh nghiệp và phản ánh trung thực, khách quan tiếng nói của thị trường, thì đó cũng là góp phần xây dựng một nền kinh tế năng động, tự chủ và thịnh vượng.

Xem thêm