Từng hành trình an toàn, đúng giờ, từng lời chào niềm nở và cử chỉ hỗ trợ ân cần dù nhỏ nhưng chất chứa trách nhiệm và tình người, góp phần lan tỏa nét đẹp giao thông đô thị, xây dựng thành phố văn minh, nghĩa tình.
Mỗi tài xế xe buýt là một câu chuyện đời, chuyện nghề đáng quý. Chị Lê Thị Hồng Hạnh (41 tuổi), nữ tài xế thuộc Hợp tác xã vận tải Thanh Sơn đã gắn bó gần 20 năm với tuyến xe buýt số 44 (Cảng Quận 4 cũ-Bình Quới). Nếu với nam giới, việc điều khiển những chiếc xe buýt lớn không lạ thì với một người phụ nữ, nắm trong tay bằng lái hạng D, hạng E, điều khiển xe 50 chỗ lại là chuyện hiếm. Chị Hạnh cho biết, 20 năm trước, theo cha lái xe buýt nhỏ, chị bắt đầu làm quen với nghề từ công việc soát vé. Dần dà, tình yêu với vô-lăng lớn dần theo năm tháng, chị thi lấy bằng lái, chính thức nối nghiệp cha để đỡ đần gia đình. “Tuyến 44 với tôi như một phần cuộc sống. Có hôm xe trục trặc nằm giữa đường, phụ nữ như tôi xoay xở khá vất vả. Nhưng cũng có ngày, có chị khách gửi ly cà-phê sáng, túi trái cây như lời cảm ơn thầm lặng. Những điều nhỏ vậy thôi, nhưng khiến mình thấy ấm lòng và yêu nghề hơn”, chị Hạnh chia sẻ.
Không chỉ điều khiển phương tiện an toàn, đúng giờ, chị Hạnh còn là điểm tựa tinh thần cho hành khách. Gặp người lớn tuổi, chị nhẹ nhàng hướng dẫn; khi kẹt xe, chị trấn an khách, mong họ thông cảm. “Tôi chỉ mong thành phố sớm mở rộng đường, làm cầu thêm để xe buýt không bị cuốn vào ma trận kẹt xe. Có vậy thì hành khách mới không bỏ xe buýt”, chị nói. Theo chị Hạnh, gắn bó được với nghề là nhờ sự cảm thông và đồng hành của gia đình. Chồng chị cũng là tài xế xe buýt, cả anh trai và anh rể cũng theo nghề. Chính sự thấu hiểu ấy giúp chị vượt qua những trở ngại không nhỏ trong một công việc vốn đòi hỏi sức bền, sự tỉnh táo cao độ và tinh thần phục vụ không ngừng nghỉ.
Cũng như chị Hạnh, anh Lê Xuân Huy (43 tuổi), tài xế tuyến xe buýt 72 (Công viên 23/9-Hiệp Phước) xem công việc của mình không đơn thuần là “lái xe”, mà là “chở hành khách bằng cả sự trân trọng và trách nhiệm”. Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 hằng năm, trên chuyến xe của anh Huy, các nữ hành khách bất ngờ nhận được những bông hồng tươi thắm từ tay người tài xế. Không phô trương, cầu kỳ, hành động nhỏ ấy lại mang lại niềm vui lớn cho cả người nhận và người tặng. “Tôi mong muốn hành khách nhớ đến xe buýt như một lựa chọn văn minh, thân thiện. Vậy nên mỗi ngày đi làm là một cơ hội để lan tỏa điều tích cực.
Trước đây, xe cũ kỹ, tiếng máy ồn, không gian chật hẹp. Giờ xe mới, tiện nghi hơn, tương lai còn có xe buýt điện "không khói" thì càng phấn khởi. Các trạm chờ cũng khang trang hơn, có mái che, bảng điện tử thông báo giờ giấc giúp hành khách thuận tiện hơn rất nhiều”, anh Huy chia sẻ.
Chính sách miễn vé cho người từ 60 tuổi trở lên thay vì 70 như trước đã khiến anh Huy thấy công việc mình thêm phần ý nghĩa. “Chính hành khách là động lực để tài xế chúng tôi nỗ lực từng ngày. Ngành giao thông nên tổ chức một cuộc thi về văn hóa ứng xử trong đội ngũ tài xế, tiếp viên xe buýt. Tôi tin chắc điều này sẽ lan tỏa được tinh thần phục vụ tích cực trong toàn ngành”, anh Huy đề xuất.
Theo ông Lê Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Thành phố Hồ Chí Minh, trong lộ trình xây dựng hệ thống giao thông công cộng hiện đại, vai trò của đội ngũ tài xế và nhân viên phục vụ trên xe buýt là không thể thay thế. “Chính họ là người kết nối trực tiếp với hành khách, là cầu nối giữa chính sách và cuộc sống, là hình ảnh gần gũi, nhân văn nhất của ngành giao thông công cộng”, ông Hoàn nhấn mạnh. Ba năm qua, trung tâm đã tổ chức tôn vinh 122 lái xe và nhân viên phục vụ tiêu biểu bằng hình thức trao giấy khen cấp sở. Ngoài ra, nhiều trường hợp được tuyên dương kịp thời bởi các hành động đẹp, như: Trả lại tài sản hành khách bỏ quên, hỗ trợ người khuyết tật, người già yếu lên xuống xe an toàn hay ứng xử khéo léo với những tình huống khó. Đó là những “người tốt-việc tốt” giữa đời thường, đang từng ngày bồi đắp hình ảnh xe buýt thân thiện, nghĩa tình. Những biện pháp khuyến khích, động viên đó không chỉ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn thúc đẩy tinh thần tự giác, trách nhiệm trong công việc; qua đó hình thành môi trường làm việc tích cực, lấy con người làm trung tâm phục vụ, đúng với tinh thần cải cách hành chính và xây dựng đô thị thông minh.
Từ câu chuyện của chị Hạnh, anh Huy và hàng trăm tài xế khác, có thể thấy, “chân dung” người tài xế xe buýt hôm nay không khô khan, vô cảm. Đó là những người lao động chân chính, tận tụy và không ngừng hoàn thiện bản thân để thích ứng với những đòi hỏi ngày càng cao của xã hội. Mỗi chuyến xe là hành trình gieo yêu thương, dựng xây thành phố văn minh, hiện đại và giàu tính nhân văn