"Xanh hóa" công trình là xu hướng chủ đạo hiện nay. (Ảnh: HNV)
"Xanh hóa" công trình là xu hướng chủ đạo hiện nay. (Ảnh: HNV)

"Xanh hóa" công trình, xu hướng bất động sản bền vững, hiệu quả

Việc khơi nguồn cảm hứng về các giải pháp thiết thực, khả thi trong việc ứng dụng công nghệ và thiết bị tiết kiệm năng lượng vào công trình xây dựng là cần thiết hiện nay.

Theo đó, mục tiêu lớn nhất được đặt ra là thúc đẩy nhận thức và hành động của cộng đồng doanh nghiệp, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi xanh, một trong những chiến lược quan trọng trong phát triển bền vững quốc gia.

Trong tọa đàm chuyên đề với chủ đề: "Hành trình phát triển đô thị xanh: Giải pháp thiết bị và công nghệ trong xây dựng bền vững" mới đây, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Hoàng Mạnh Nguyên, Chủ tịch Viện Khoa học Công nghệ Đô thị xanh cho biết việc phát triển các công trình xanh hiện nay đang dừng lại ở hình thức khuyến khích, chưa có quy định bắt buộc, nhưng cơ chế khuyến khích lại chưa đủ mạnh, chủ yếu các doanh nghiệp vẫn đang tự chủ động tham gia.

Doanh nghiệp Việt không thể đứng ngoài công cuộc "xanh hóa"

Phó giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Hoàng Mạnh Nguyên nhìn nhận, dù xu thế phát triển đô thị xanh đã trở thành yêu cầu cấp thiết và được nhận diện rõ ràng trong chiến lược phát triển quốc gia, nhưng thực tế triển khai tại Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng trống.

"Việt Nam đã bắt đầu quan tâm đến khái niệm "công trình xanh" từ khoảng năm 2010, tuy nhiên, so với mặt bằng các nước khu vực, tiến độ phát triển vẫn còn chậm. Tính đến năm 2025, cả nước ghi nhận gần 300 công trình đạt các chứng chỉ xanh quốc tế như LEED, LOTUS, EDGE… Dù vậy, con số này vẫn chiếm chưa đến 1% trong tổng số công trình xây mới", ông Hoàng Mạnh Nguyên nhìn nhận.

xanhhoa2.jpg
Phó giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Hoàng Mạnh Nguyên, Chủ tịch Viện Khoa học Công nghệ Đô thị xanh. (Ảnh: PV)

Lý giải nguyên nhân, ông Hoàng Mạnh Nguyên cho rằng, dù Chính phủ đã ban hành nhiều chiến lược, nghị quyết, chương trình hành động về tăng trưởng xanh và phát triển đô thị bền vững, nhưng hệ thống pháp luật và quy chuẩn kỹ thuật hiện hành vẫn còn thiếu tính đồng bộ.

Việc phát triển các công trình xanh mới đang dừng lại ở hình thức khuyến khích, chưa có quy định bắt buộc, nhưng cơ chế khuyến khích lại chưa đủ mạnh, thiếu công cụ tài chính xanh, mô hình vận hành mới chưa được thể chế hóa rõ ràng, khiến các địa phương và doanh nghiệp gặp khó khi triển khai.

xanhhoa5.jpg
Tìm hiểu công nghệ năng lượng mặt trời tại các tòa nhà xanh. (Ảnh: PV)

Ở góc độ thực tiễn, doanh nghiệp cũng gặp vô vàn khó khăn, từ trình độ kỹ thuật, công nghệ, năng lực tài chính, đến cả tâm lý lo ngại chi phí đầu tư ban đầu sẽ đội lên khi theo đuổi công trình xanh. Không ít doanh nghiệp lo ngại việc tìm kiếm vật liệu xanh còn khó khăn, khó áp dụng các công nghệ phát triển bền vững, hay sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng trong công trình có thuận tiện hay không.

Bên cạnh đó, một lực cản lớn khác nằm ở chính nhận thức của người tiêu dùng. Theo ông Hoàng Mạnh Nguyên, nhiều khách hàng vẫn chưa hiểu đúng, hiểu đủ về khái niệm công trình xanh, chưa nhận diện được những lợi ích cụ thể mà các công nghệ tiết kiệm năng lượng, vật liệu xanh mang lại. Trong khi đó, thị trường lại xuất hiện không ít dự án "gắn mác xanh" nhưng thiếu thực chất, khiến người mua hoang mang, thậm chí mất niềm tin vào những giá trị mà một công trình thực sự bền vững có thể đem lại.

"Việc chuyển từ nhận thức sang hành động cụ thể, từ thể chế, chính sách cho đến hành vi của thị trường và người tiêu dùng đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, kiên trì và thực chất hơn bao giờ hết", ông Hoàng Mạnh Nguyên chỉ ra.

Tuy nhiên, những nỗ lực đơn lẻ, dù đáng ghi nhận, nhưng vẫn là chưa đủ để tạo nên làn sóng chuyển đổi sâu rộng. Để công trình xanh trở thành chuẩn mực chứ không dừng ở khẩu hiệu, cần một hệ sinh thái đồng hành đến từ chính sách dẫn dắt, thị trường đủ độ chín, đến sự lựa chọn thông minh và có trách nhiệm từ người tiêu dùng.

xanhhoa4.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. (Ảnh: PV)

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, hiện nay quá trình phát triển, hình thành đô thị xanh, đô thị thông minh hiện nay phần lớn vẫn do các doanh nghiệp tự chủ động triển khai, vẫn còn thiếu cơ chế chính sách đi kèm theo để cụ thể hóa các định hướng phát triển đô thị xanh toàn diện.

Vì còn thiếu cơ chế chính sách nên chưa có các tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật nào thống nhất để ứng dụng, nên thực trạng phát triển xanh trên thị trường vẫn đang "trăm hoa đua nở". Điều này dẫn đến tình trạng hiệu quả thực sự đem lại sau quá trình đầu tư công nghệ không được thể hiện rõ nét, dễ dẫn đến lãng phí.

Những bước đi tiên phong mở ra tương lai lớn cho ngành xây dựng bền vững

Trong bức tranh của quá trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam, sự xuất hiện của những doanh nghiệp tiên phong trong đó phải kể đến Ariston được nhiều chuyên gia ví như ngòi nổ, mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng cho ngành xây dựng bền vững. Những hành động cụ thể như đầu tư vào công nghệ bơm nhiệt tiết kiệm năng lượng, lựa chọn vật liệu và thiết bị thân thiện với môi trường... chính là những mảnh ghép đầu tiên định hình nên một hệ sinh thái xanh, nếu được lan tỏa và dẫn dắt đúng hướng.

Theo đó, sự tiên phong ấy có vai trò tạo dựng niềm tin thị trường. Trong bối cảnh khái niệm "công trình xanh" vẫn còn mới mẻ, thậm chí bị hoài nghi bởi chi phí đầu tư ban đầu thường cao hơn, thì chính những hành động cụ thể của doanh nghiệp tiên phong đã trở thành mô hình mẫu sống động, cho thấy đây là giải pháp kinh doanh hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí vận hành, nâng cao chất lượng sống, gia tăng giá trị thương hiệu và mở rộng cánh cửa tiếp cận dòng vốn xanh từ các định chế tài chính quốc tế.

Phân tích về sự tiên phong đó, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ của Chính phủ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh chỉ ra, điều này giúp thiết lập những chuẩn mực mới cho toàn ngành. Khi ngày càng có nhiều chủ đầu tư, nhà phát triển bất động sản và người tiêu dùng nhìn thấy tính khả thi và lợi ích thiết thực từ công trình xanh, hiệu ứng lan tỏa tự nhiên sẽ diễn ra. Điều này không chỉ thay đổi hành vi thị trường, mà còn tạo ra áp lực ngược chiều tích cực lên chính sách, buộc các cơ quan quản lý sớm hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp với xu thế phát triển bền vững.

xanhhoa3.jpg
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ của Chính phủ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh. (Ảnh: PV)

Cũng theo Tiến sĩ Thành, xa hơn nữa, sự tiên phong chính là tiền đề quan trọng để hình thành chuỗi giá trị xanh cho ngành xây dựng Việt Nam. Một công trình xanh không thể đứng riêng lẻ, mà đòi hỏi sự tham gia đồng bộ từ các bên: tư vấn thiết kế, đơn vị cung ứng vật liệu, nhà thầu thi công, đơn vị vận hành đến cả ngân hàng và người tiêu dùng.

Khi có một doanh nghiệp đầu tàu bước lên sẽ kéo theo toàn bộ chuỗi cung ứng chuyển dịch theo hướng xanh hóa. Đây chính là cơ hội vàng để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghệ thiết bị và tư vấn kỹ thuật nội địa theo hướng hiện đại, bền vững, thay vì phụ thuộc vào nhập khẩu.

Và quan trọng hơn cả, những bước đi đó đặt nền móng cho sự chuyển đổi thể chế lâu dài. Khi thị trường đã có những mô hình thực tiễn rõ ràng, Chính phủ sẽ có thêm căn cứ để mạnh dạn đưa ra các chính sách "bắt buộc xanh", chẳng hạn như yêu cầu tất cả công trình công cộng, dự án nhà ở tại đô thị lớn phải có chứng chỉ xanh hoặc tuân thủ lộ trình giảm phát thải cụ thể. Từ đó, ngành xây dựng Việt Nam sẽ từng bước bước sang giai đoạn phát triển có chuẩn mực, có cam kết và có trách nhiệm với môi trường và xã hội.

Trong bối cảnh toàn cầu khi các tiêu chí phát triển bền vững đang ngày càng trở thành thước đo năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong xu thế đó, việc sở hữu một ngành xây dựng thân thiện với môi trường sẽ là tấm "hộ chiếu xanh" để Việt Nam gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là trong thu hút FDI chất lượng cao, vốn đang ngày càng ưu tiên các thị trường có chiến lược xanh rõ ràng.

Thực tiễn trên cho thấy một tương lai bền vững cho ngành xây dựng Việt Nam không còn là viễn cảnh xa vời. Đó là một hành trình hoàn toàn có thể định hình, nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách nhất quán, thị trường phát triển và sự nhập cuộc mạnh mẽ từ cộng đồng doanh nghiệp. Chính những người đi trước đang âm thầm vẽ nên lộ trình xanh cho đô thị Việt Nam trong tương lai, không chỉ đáng sống hơn, mà còn đáng tin và đáng tự hào hơn.

Xem thêm