Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Vội – Thói quen xấu trong văn hóa giao thông

Vội – Đó là nhận xét của nhiều du khách nước ngoài khi tham gia giao thông ở Việt Nam. Cứ ra đường là ai cũng muốn đi nhanh, vượt lên trước. Chính vì vậy mà tình hình giao thông hết sức lộn xộn, xe máy, ô-tô, xe đạp… đi chung hết các làn đường, mạnh ai người ấy đi, cứ chỗ nào trống là điền vào.

Vượt đèn đỏ, không tuân thủ biển báo vạch kẻ đường. Trong hay ngoài đô thị đều rất dễ bắt gặp những vi phạm này. Các nút giao thông có đèn tín hiệu, cứ không có cảnh sát giao thông là có người vượt đèn đỏ, hơi ùn tắc là lao lên vỉa hè để vượt lên trước, nhất là đối với xe máy vì chưa bị phạt nguội.

Dù đường có biển báo hiệu làn đường, vạch kẻ đường hay không thì đều thành đường hỗn hợp, xe máy, xe đạp hay ô-tô đều đi lẫn lộn, cứ có chỗ trống là chen vào…

Trên đường vành đai 3 trên cao, trong khi đa số các xe ô-tô đều chấp hành biển báo về làn đường di chuyển chậm thì vẫn còn không ít phương tiện đi với tốc độ cao vào làn đường khẩn cấp, khi đến đoạn nhập làn họ lại lấn vào làn đường chính khiến cho những người chấp hành luôn trong cảnh ùn tắc, bị chậm lại phía sau… Khi bị cảnh sát giao thông phát hiện xử lý thì lý do đưa ra là do đang "vội".

Thiếu quan sát khi tham giao thông - đặc biệt là mỗi khi chuyển hướng. Xi-nhan là xin đường nhưng lại đi như cướp đường, xi-nhan là rẽ luôn, là vượt luôn không cần biết các phương tiện khác có đồng ý hay không… Khi xảy ra va chạm, lý do cũng là do "vội" không để ý quan sát.

Sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện. Có lẽ không cần phải nói quá nhiều về tác hại của thói quen nguy hiểm này. Chỉ một chướng ngại vật đơn giản hay một ổ gà trên đường cũng có thể khiến những người vừa đi xe vừa nghe điện thoại gặp tai nạn nghiêm trọng.

Không đội mũ bảo hiểm, nhất là trong xóm, ngõ. Khi đi ra ngoài với quãng đường dài đa số người tham gia giao thông đều nhớ mang theo mũ bảo hiểm, nhưng di chuyển quãng đường ngắn gần nhà như: đón con, đi chợ hay qua nhà người quen trong xóm... thì hầu như không đội mũ. Khi bị phát hiện, xử lý thì lý do cũng là "vội" nên quên không đội.

Không bảo đảm khoảng cách an toàn với các phương tiện khác. Khi tham gia giao thông, nhất là trên đường cao tốc, luật an toàn giao thông đường bộ đã quy định rõ ràng về việc giữ khoảng cách an toàn với các phương tiện đi trước nhưng không khó để bắt gặp tình trạng trên cao tốc nhưng các xe vẫn bám rất sát nhau với tốc độ cao. Hậu quả là đã xảy ra không ít các vụ tai nạn giao thông liên hoàn, "dồn toa”. Và đương nhiên lý do đưa ra cũng là "vội".

Không sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Điều này ai cũng biết nhưng vẫn có nhiều người vi phạm và lý do cũng là "vội": Biết là vi phạm nhưng không gọi được xe mà gia đình lại có việc gấp….

Vội – là thói quen xấu của người tham gia giao thông và cũng là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng thời gian qua. Nhưng "vội" cũng chỉ là lý do mà người vi phạm dùng để biện minh cho sai phạm của mình, cho sự thiếu ý thức tuân thủ các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Vậy vì sao thói quen xấu xí này vẫn cứ tồn tại bấy lâu nay. Liệu có phải do nhận thức, hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế. Chắc chắn là không vì hầu hết người vi phạm đều biết lỗi của mình. Do chế tài chưa đủ mạnh. Cũng chắc chắn là không vì mức phạt mới theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP đã tăng rất cao.

Vậy chỉ còn nguyên nhân cuối cùng là việc phát hiện, xử lý vi phạm chưa được thường xuyên, liên tục dẫn đến người tham gia giao thông nhờn luật, lách luật. Điều này rất dễ nhận thấy trên đường khi mà các hành vi vi phạm như: vượt đèn đỏ, lấn làn đường, đi lên vỉa hè, thậm chí đi ngược đường… thường diễn ra khi vắng bóng lực lượng chức năng. Như vậy để dần xóa bỏ thói quen xấu của người tham gia giao thông thì vấn đề then chốt vẫn là các lỗi vi phạm phải bị phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm túc.

Thực tế cho thấy, việc lắp camera phạt nguội ở các đô thị và trên đường cao tốc đã giúp cho lực lượng chức năng rất nhiều trong công tác phát hiện các vi phạm và ý thức chấp hành của người tham gia giao thông cũng được nâng lên, nhất là đối với xe ô-tô.

Tại tỉnh Bắc Ninh, hầu hết các trung tâm thị trấn, phường đều đã lắp camera phạt nguội đồng thời phạt nguội với cả người đi xe máy. Vẫn biết việc truy vết theo đăng ký xe máy để xử phạt còn nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm cao của lực lượng chức năng nên rất nhiều xe máy vi phạm đã bị phát hiện, xử lý nghiêm. Điều này đã hạn chế rất nhiều tình trạng chạy quá tốc độ, nhất là vượt đèn đỏ. Người dân không còn lý do "vội" khi vi phạm nữa vì mọi người đều biết vi phạm của mình dù ở đâu cũng sẽ bị phát hiện và xử lý nghiêm.

Hà Nội cũng đang tiến hành thí điểm phạt nguội với xe máy trên một số tuyến đường, đây có thể là bước đột phá trong việc kịp thời phát hiện, xử lý mọi trường hợp vi phạm trên địa bàn. Tin rằng khi việc này đi vào cuộc sống cùng với sự vào cuộc tích cực của công an các phường, xã trong việc tăng cường tuần tra, kiểm soát lưu động tới từng ngõ xóm thì đa số người dân sẽ không còn "vội" khi tham gia giao thông nữa.

Nhìn ra diện rộng, nếu cả nước đều thực hiện tốt việc phát hiện xử lý các vi phạm về trật tự, an toàn giao thông thì chắc chắn ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của người dân sẽ được nâng cao, từng bước xây dựng văn hóa giao thông văn minh, hướng tới một xã hội giao thông an toàn.

“Nhanh một giây chậm cả đời”, cùng với sự vào cuộc tích cực của lực lượng chức năng trong công tác tuần tra kiểm soát, phát hiện kịp thời các vi phạm thì mỗi người khi tham gia giao thông cần chuẩn bị cho mình một tâm thế hết sức bình tĩnh, không vội vàng, chấp hành nghiêm các quy định về trật tự, an toàn giao thông vì sức khỏe, tính mạng của bản thân, gia đình và toàn xã hội.

Xem thêm