Hội nghị tổng kết thực hiện Quyết định số 1252/QĐ-TTg ngày 26/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền ngày 19/11/2024 tại tỉnh Hà Nam cũ. (Ảnh BTC)
Hội nghị tổng kết thực hiện Quyết định số 1252/QĐ-TTg ngày 26/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền ngày 19/11/2024 tại tỉnh Hà Nam cũ. (Ảnh BTC)

Việt Nam quan tâm bảo đảm các quyền dân sự, chính trị

Trong hai ngày 7-8/7/2025, Đoàn Việt Nam với đại diện của 9 cơ quan tham dự Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) tại Phiên họp thứ 144 của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sĩ.

Đây là cơ hội để Việt Nam báo cáo những nỗ lực và kết quả đạt được trong việc thực hiện Công ước, đồng thời thể hiện tinh thần đối thoại cởi mở, cầu thị và tiếp tục hoàn thiện các chính sách quyền con người.

Được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 16/12/1966 và có hiệu lực từ năm 1976, ICCPR là một trong những văn kiện quốc tế quan trọng nhất về quyền con người, bao gồm các quyền cơ bản như quyền sống, tự do ngôn luận, tự do hội họp, quyền bầu cử, và quyền xét xử công bằng. Ngày 24/9/1982 Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Công ước.

Từ đó đến nay, Việt Nam không ngừng nỗ lực cụ thể hóa các cam kết quốc tế thông qua cải cách pháp luật, xây dựng, hoàn thiện chính sách, bảo đảm các quyền dân sự và chính trị được công nhận và thực thi trong thực tiễn. Hiến pháp năm 2013 tạo nền tảng pháp lý quan trọng về quyền con người. Chương II của Hiến pháp quy định về quyền con người và quyền công dân, phản ánh các nguyên tắc cốt lõi của ICCPR như quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, và quyền bầu cử.

Các nội dung này cụ thể hóa trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Về quyền tự do ngôn luận, quy định tại Điều 19 của ICCPR, Việt Nam đã cụ thể hóa trong Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018. Các văn bản tạo hành lang pháp lý để công dân tiếp cận thông tin từ các cơ quan nhà nước một cách minh bạch, thực hiện quyền tự do ngôn luận trên không gian mạng, đồng thời ngăn chặn các hành vi lợi dụng quyền này để lan truyền thông tin sai lệch, gây bất ổn xã hội. Các chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền tự do ngôn luận do chính quyền địa phương và các cấp, ngành liên quan triển khai rộng rãi qua tờ rơi, phát thanh, hội thảo, tọa đàm,...

Về quyền bầu cử, quy định tại Điều 25 của ICCPR, năm 2015 Việt Nam ban hành Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân, quy định công dân được tham gia bầu cử và ứng cử, không phân biệt giới tính, dân tộc, hay tôn giáo. Nhờ đó các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp được tổ chức định kỳ, minh bạch, với tỷ lệ cử tri đi bầu luôn đạt mức cao.

Tại kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV (22/5/2016) và khóa XV (23/5/2021), tỷ lệ cử tri cả nước tham gia đạt hơn 98%. Điều này phản ánh sự tham gia tích cực và trách nhiệm của người dân vào đời sống chính trị. Có thể khẳng định, những nỗ lực của Việt Nam trong việc nội luật hóa ICCPR phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội và truyền thống văn hóa tạo nền tảng pháp lý vững chắc để thực thi các quyền dân sự và chính trị.

Suốt hơn 40 năm, kể từ khi gia nhập ICCPR, Việt Nam đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong việc bảo đảm các quyền dân sự và chính trị, thể hiện qua hoạt động cải cách pháp luật, các chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách thúc đẩy quyền con người. Riêng giai đoạn 2019-2025, kể từ Phiên họp thứ 143 (tháng 3/2019) đến Phiên họp thứ 144 (tháng 7/2025), Việt Nam ban hành và sửa đổi nhiều văn bản pháp luật quan trọng thể hiện cam kết giảm dần việc áp dụng án tử hình, phù hợp với xu thế quốc tế và Điều 6 của ICCPR.

Mới đây, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 đã bỏ hình phạt tử hình đối với tám tội danh gồm: Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội phá hoại cơ sở vật chất-kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội vận chuyển trái phép chất ma túy; tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ; tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược. Những người bị kết án tử hình về tám tội nêu trên trước ngày 1/7/2025 sẽ không phải thi hành án và được chuyển xuống tù chung thân.

Luật Tư pháp cho người chưa thành niên năm 2019 và Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 tăng cường các biện pháp bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương, bảo đảm quyền được xét xử công bằng và quyền an toàn cá nhân.

Các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, như: Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội, ban hành 18/11/2019) tập trung vào 10 dự án thành phần, thúc đẩy quyền tự quyết và bình đẳng dân tộc phù hợp với Điều 1, Điều 25 của ICCPR.

Khi triển khai, các dự án hỗ trợ đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt; phát triển giáo dục, y tế; và bình đẳng giới đã cải thiện đáng kể đời sống đồng bào và tạo cơ hội để người dân tiếp cận thông tin nhanh chóng và khuyến khích tham gia các hoạt động chính trị-xã hội.

Hay chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 18/1/2022) ưu tiên hộ nghèo, tăng cường quyền sống và an sinh xã hội, đặc biệt ở vùng khó khăn.

Các chính sách ban hành kịp thời đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quyền con người, đặc biệt ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền dân sự và chính trị không ngừng được đẩy mạnh. Ngày 26/9/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1252/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc.

Các hội nghị, hội thảo, và tập huấn về ICCPR được tổ chức trên toàn quốc với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, và cộng đồng, từng bước nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, đồng thời giúp các cơ quan chức năng thực thi pháp luật hiệu quả hơn, tạo nền tảng quan trọng giúp các quyền quy định trong ICCPR được hiện thực hóa sinh động trong đời sống.

Những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực thi ICCPR nhận được sự ghi nhận tích cực từ cộng đồng quốc tế và các chuyên gia trong nước. Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc, trong các khuyến nghị sau Phiên đối thoại lần thứ 3 năm 2019, ghi nhận những tiến bộ của Việt Nam trong việc hoàn thiện khung pháp luật và thực thi các quyền như quyền tự do tôn giáo, quyền xét xử công bằng, và quyền bình đẳng giới.

Đáng chú ý, tại Phiên rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV (tháng 9/2024) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Hội đồng Nhân quyền chấp thuận Báo cáo quốc gia của Việt Nam với 271 trên tổng số 320 khuyến nghị, đạt tỷ lệ 84,7%, cao nhất trong 4 chu kỳ. Nhiều quốc gia bày tỏ tán đồng và đánh giá cao các thành tựu trong bảo đảm quyền con người, bao gồm quyền dân sự và chính trị của Việt Nam.

Mặc dù đạt nhiều thành tựu, Việt Nam vẫn đối mặt với một số luận điệu xuyên tạc, phủ nhận những nỗ lực trong việc thực thi ICCPR. Một số tổ chức, cá nhân cực đoan, thiếu thiện chí dựa trên nguồn thông tin không khách quan, không chính xác để cáo buộc Việt Nam vi phạm quyền tự do ngôn luận, giam giữ tùy tiện, và hạn chế quyền hội họp. Họ cho rằng Việt Nam hạn chế quyền tự do ngôn luận, nhất là trên không gian mạng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy người dân Việt Nam được tự do tham gia mạng xã hội và bày tỏ quan điểm, ý kiến trong khuôn khổ pháp luật.

Theo Báo cáo Digital Việt Nam 2025 của We Are Social & Meltwater, tính đến đầu năm 2025, Việt Nam có 79,8 triệu người sử dụng internet với tỷ lệ 78,8% dân số có kết nối trực tuyến. Luật An ninh mạng năm 2018 chỉ ngăn chặn các hành vi lạm dụng quyền tự do ngôn luận để lan truyền thông tin sai lệch, kích động bạo lực, hoặc gây mất ổn định xã hội. Một số trường hợp vi phạm bị xử lý thời gian qua đều được tiến hành theo đúng trình tự pháp luật.

Một cáo buộc khác cho rằng Việt Nam giam giữ tùy tiện một số cá nhân nhưng thiếu bằng chứng cụ thể và không xem xét các quy định pháp luật hiện hành là luận điệu sai sự thật. Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) quy định rõ mọi cá nhân bị bắt giữ đều có quyền được thông báo lý do, quyền có luật sư, và quyền được xét xử công bằng. Hệ thống trợ giúp pháp lý miễn phí của Việt Nam hỗ trợ rất nhiều trường hợp, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương, phù hợp với quyền được bảo vệ theo Điều 9 và Điều 14 của ICCPR.

Những thông tin, bằng chứng đưa ra tại báo cáo cũng như phiên đối thoại sẽ là câu trả lời rõ ràng, phản bác những thông tin sai lệch về tình hình quyền con người tại Việt Nam.

Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh

Những thí dụ nêu trên phần nào cho thấy cách nhìn nhận, đánh giá thiếu khách quan của một số tổ chức, cá nhân, nhằm phủ nhận những nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc thực thi ICCPR. Tuy nhiên minh chứng sống động trong phát triển kinh tế-xã hội, cải cách pháp luật, và cam kết quốc tế của Việt Nam là bằng chứng thuyết phục nhất cho những thành quả và quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta trong việc bảo đảm và thúc đẩy các quyền dân sự và chính trị, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết: “Những thông tin, bằng chứng đưa ra tại báo cáo cũng như phiên đối thoại sẽ là câu trả lời rõ ràng, phản bác những thông tin sai lệch về tình hình quyền con người tại Việt Nam”.

Với những kết quả đạt được, chúng ta tự tin khẳng định, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong việc thực thi Công ước ICCPR. Từ những cải cách mạnh mẽ trong xây dựng pháp luật, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia phù hợp với đòi hỏi giai đoạn mới, tăng cường phối hợp liên ngành, Việt Nam hoàn toàn đáp ứng các nghĩa vụ quốc tế, đồng thời hướng tới mục tiêu cao hơn: Xây dựng xã hội công bằng, dân chủ và thịnh vượng, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới. Chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, hiện việc bảo đảm các quyền dân sự, chính trị vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, song Việt Nam luôn thể hiện tinh thần cầu thị, cởi mở, lắng nghe ý kiến góp ý xác đáng, tiếp tục hoàn thiện các chính sách quyền con người.

Theo chia sẻ của đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Việt Nam tham gia phiên đối thoại “trên tinh thần cầu thị, cởi mở đối với các vấn đề được đề cập để tiếp thu, tiếp tục thúc đẩy những nội dung chúng ta đã thực hiện tốt. Đồng thời, có cách tiếp cận phù hợp để thúc đẩy thực thi Công ước hiệu quả hơn nữa”. Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người chính là mục tiêu của Đảng, Nhà nước ta, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Xem thêm