Trên những vùng đất pha cát, bán sa mạc thiếu nước ở xã Phước Dinh, nhiều hộ đồng bào Chăm đã phát triển thành công mô hình trồng măng tây xanh với hệ thống tưới tiết kiệm. Bà Từ Thị Thải chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi trồng một số cây rau màu, do thiếu nước tưới, năng suất rất thấp. Thấy người dân trồng măng tây xanh theo tiêu chuẩn VietGAP hiệu quả cao, tôi đã trồng 1,5 sào (1.500 m2). Hiện, mỗi ngày tôi thu hoạch khoảng 15 kg, được hợp tác xã bao tiêu với giá 50.000 đồng/kg, cho nên thu nhập ổn định”.
Theo các hộ trồng măng tây xanh ở Phước Dinh, với chi phí đầu tư ban đầu khoảng 50 triệu đồng/sào cho giống, vật tư nông nghiệp, lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm phun mưa hoặc nhỏ giọt, sau sáu tháng sẽ bắt đầu thu hoạch. Măng tây xanh chỉ trồng một lần nhưng cho thu hoạch liên tục từ 7-8 năm. Nếu chăm sóc tốt, mỗi ngày có thể thu hoạch từ 8-12 kg măng tây/ sào. Tùy theo chất lượng, giá bán dao động từ 50.000-90.000 đồng/kg.
Ông Hùng Ky, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, xã Phước Dinh cho biết: “Hợp tác xã chúng tôi tiên phong trồng măng tây xanh trên đất cát với áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới tầm thấp tiết kiệm nước, cho nên sản phẩm cho năng suất ổn định và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hợp tác xã đã thu hút 85 thành viên liên kết trồng măng tây xanh với diện tích hơn 40 ha”.
Tại vùng trồng nho tập trung hơn 200 ha ở xã Vĩnh Hải, người dân chuyển sang các giống nho mới, nho không hạt chất lượng cao. Chị Nguyễn Thị Hiền cho biết: “Gia đình tôi trồng 2 sào (2.000 m2) giống nho ngón tay đen không hạt và nho mẫu đơn. Các giống nho này có quả to, giòn, chắc thịt, ngọt thơm và năng suất cao. Giá bán gấp 2-3 lần so với giống nho truyền thống. Du khách thích thú trải nghiệm tự cắt những chùm nho chín để thưởng thức”.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Khánh Hòa, mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ngắn ngày, cây ăn quả (trên cùng diện tích) mang lại lợi nhuận tăng từ 1,5-2 lần. Các loại như ngô, ớt, dưa, đậu xanh... cho lợi nhuận gấp 3-5 lần, còn cây lâu năm như nho, táo cho lợi nhuận gấp 10-12 lần so với trồng lúa.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn giúp nông dân thêm nguồn phụ phẩm làm thức ăn chăn nuôi, giảm đáng kể lượng nước tưới nhờ áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm; qua đó, góp phần khắc phục tình trạng hoang hóa đất đai.
Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, trong năm 2025, tại các vùng này, tỉnh Khánh Hòa sẽ chuyển đổi khoảng 1.300 ha cây trồng, trong đó 500 ha từ đất lúa kém hiệu quả sang cây có giá trị cao, như: nho, táo, mãng cầu, măng tây xanh, bưởi da xanh, nha đam… Mục tiêu phấn đấu giá trị sản xuất trên diện tích đất chủ động nước tưới đạt 155 triệu đồng/ha.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa Trịnh Minh Hoàng cho biết: “Để nâng cao hiệu quả chuyển đổi cây trồng, tỉnh đề nghị ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương tiếp tục rà soát điều kiện đất đai và quy hoạch vùng sản xuất, để tập trung phát triển cây trồng có lợi thế cạnh tranh, giá trị kinh tế cao như nho, táo, nha đam, măng tây, các loại cây ăn quả đặc sản...”.
Tỉnh Khánh Hòa đề nghị các viện nghiên cứu trên địa bàn tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo những giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao để chuyển giao vào sản xuất. Đồng thời, tăng cường mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật về trồng trọt, bảo vệ thực vật, tổ chức hội nghị đầu bờ, hội thảo để nhân rộng những cách làm hay, mô hình sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân thoát nghèo bền vững.
Tỉnh Khánh Hòa tiếp tục ban hành một số chính sách quan trọng để thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các đơn vị chức năng đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa các hộ dân, trang trại, hợp tác xã với doanh nghiệp, hệ thống siêu thị; kết hợp phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp để giúp sản phẩm nông sản có đầu ra bền vững trong thời gian tới