Mở rộng không gian phát triển công nghiệp được kỳ vọng sẽ đưa tỉnh Quảng Ngãi khai thác thế mạnh toàn diện hơn.
Mở rộng không gian phát triển công nghiệp được kỳ vọng sẽ đưa tỉnh Quảng Ngãi khai thác thế mạnh toàn diện hơn.

Cần chiến lược tương xứng để phát huy tiềm năng, thế mạnh

Các tỉnh, thành phố trong cả nước đã chính thức vận hành theo mô hình mới với địa giới, dân số và quy mô kinh tế lớn hơn. Một không gian mới rộng mở cùng dư địa lớn để các địa phương phát triển kinh tế-xã hội. Song điều đó cũng đòi hỏi phải có chiến lược tương xứng với tiềm năng, thế mạnh trước vận hội mới.

Sau 20 năm thành lập và phát triển, đến nay, Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi có 349 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đầu tư 4.000 tỷ đồng (tương đương 18,49 tỷ USD); trong đó có 65 dự án FDI và 284 dự án đầu tư trong nước.

SẴN SÀNG VƯỢT QUA THỬ THÁCH

Sáu tháng đầu năm 2025, Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi cấp giấy chứng nhận đăng ký, chủ trương đầu tư 5 dự án với tổng vốn 1.700 tỷ đồng; điều chỉnh 24 dự án; trong đó, có 10 dự án điều chỉnh tăng vốn 3.000 tỷ đồng, tương đương 122,97 triệu USD. Tổng vốn đăng ký cấp mới và vốn đăng ký tăng thêm là 189,82 triệu USD, đạt 63% kế hoạch.

Cùng với nỗ lực trong xúc tiến đầu tư, ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chính sách, tài nguyên. Sáu tháng qua, tổng vốn thực hiện ở các khu kinh tế, khu công nghiệp khoảng 14.170 tỷ đồng, tương đương 607 triệu USD; trong đó, các dự án trong nước 13.000 tỷ đồng, các dự án FDI khoảng hơn 1.100 tỷ đồng.

Những năm qua, Quảng Ngãi là một trong những tỉnh có quy mô nền kinh tế lớn nhất trong khu vực. GDP bình quân đầu người năm 2024 hơn 106 triệu đồng/người, xếp thứ hai trong vùng và thứ 17 trong cả nước; thu ngân sách nhà nước vượt 30 nghìn tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội gần 70 nghìn tỷ đồng, đứng thứ tư trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Phó ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi Trần Văn Mẫn cho biết: Cùng với thu hút đầu tư, Ban quản lý phối hợp với các đơn vị liên quan để nghiên cứu khảo sát lập quy hoạch, đề xuất cơ chế để thu hút đầu tư chuỗi cung ứng LNG. Đơn vị hỗ trợ các doanh nghiệp hoàn thành thủ tục xây dựng hai khu đô thị mới Đông Nam Dung Quất - phía Nam và Đông Nam Dung Quất - phía Bắc; tích cực hỗ trợ nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư ngoài ngân sách có quy mô, tính lan tỏa lớn trên địa bàn; xử lý khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đô thị, thương mại, dịch vụ…

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045. Trên cơ sở này, tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt 9 đồ án quy hoạch phân khu quan trọng, làm cơ sở sắp xếp không gian phát triển, thu hút đầu tư và phát huy tối đa tiềm năng lợi thế.

Tỉnh Quảng Ngãi mới có diện tích 14.832 km2, dân số hơn 2,16 triệu người với 96 đơn vị hành chính cấp xã. Sau hợp nhất, Quảng Ngãi không chỉ mở rộng về địa lý, dân số và quy mô kinh tế mà còn được cộng hưởng về tiềm năng, nguồn lực và cơ hội phát triển. Từ bước ngoặt lịch sử, cơ hội cho tỉnh Quảng Ngãi mở rộng không gian phát triển công nghiệp lớn về quy mô và đa dạng hơn.

ƯU TIÊN CÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO

Quảng Ngãi đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng hiện đại hóa, phát triển theo chiều sâu; ưu tiên các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh công nghiệp lĩnh vực lọc hóa dầu, sau lọc hóa dầu, luyện kim, cơ khí và công nghiệp hỗ trợ. Tỉnh mở rộng khai thác nền tảng công nghiệp sẵn có để thúc đẩy phát triển công nghiệp điện tử, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, năng lượng; công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ phát triển nông, lâm, thủy sản gắn với các vùng nguyên liệu tập trung.

Trong giai đoạn mới, tỉnh Quảng Ngãi thúc đẩy liên kết giữa Khu kinh tế Dung Quất, Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y với Khu kinh tế mở Chu Lai để hình thành trung tâm công nghiệp trọng điểm của khu vực và cả nước. Bên cạnh đó, hình thành Trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia; đẩy mạnh huy động đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; định hướng phát triển Khu Công nghiệp VSIP II đầu tư các ngành có hàm lượng công nghệ cao gắn với chuyển đổi số, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng cao.

Để đạt được những kỳ vọng trong giai đoạn mới, tỉnh Quảng Ngãi thúc đẩy tiến độ các dự án công nghiệp lớn, có tác động lan tỏa, tạo động lực cho công nghiệp của tỉnh như dự án: Nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, Nhà máy sản xuất ray thép và thép đặc biệt, VSIP II, các dự án Nhà máy điện tua-bin khí hỗn hợp Dung Quất I, Dung Quất II, Khu công nghiệp và sản xuất dược liệu tập trung Đăk Tô...

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang khẳng định: Trong không gian mới rộng lớn với nhiều dư địa, tỉnh Quảng Ngãi mở rộng Khu Kinh tế Dung Quất, tăng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao và năng lượng sạch; chế biến sâu sâm Ngọc Linh, nông sản và năng lượng tái tạo, lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tận dụng lợi thế Khu kinh tế Dung Quất, Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y và các khu công nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tận dụng các hiệp định thương mại tự do để thu hút đầu tư nước ngoài.

Tỉnh Quảng Ngãi tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi về tiếp cận đất đai, giải phóng mặt bằng và các chính sách ưu đãi thuế theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tiếp cận tín dụng và đất đai thuận lợi hơn, nhất là với các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp vừa và nhỏ

Xem thêm