Cừu là gia súc dễ nuôi, thích nghi với điều kiện khí hậu khô nóng.
Cừu là gia súc dễ nuôi, thích nghi với điều kiện khí hậu khô nóng.

Nhân rộng mô hình chăn nuôi thích ứng biến đổi khí hậu

Khu vực duyên hải miền trung có nhiều vùng đất khô cằn, sản xuất nông nghiệp khó khăn. Để hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, các địa phương đã triển khai Dự án chăn nuôi cừu phù hợp với điều kiện tự nhiên, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

ĐẦU TƯ THẤP, HIỆU QUẢ CAO

Dưới thời tiết oi ả vào mùa khô tại xã Hàm Thạnh (tỉnh Lâm Đồng), việc chăn nuôi chủ yếu tập trung vào đàn bò. Tuy nhiên, nuôi bò không mang lại hiệu quả kinh tế như mong muốn do nông dân phải tốn nhiều công chăm sóc. Được sự hỗ trợ kinh phí của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, năm 2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng đã triển khai mô hình “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong việc chăn nuôi cừu thích ứng với hạn hán, nắng nóng tại khu vực Nam Trung Bộ” tại xã Hàm Thạnh.

Gia đình ông Lê Đình Sách (dân tộc Raglai, xã Hàm Thạnh) nhận được 11 con cừu trong đó có 1 con đực. Sau đó, đàn cừu được nhân giống, sinh thêm 7 con cừu con. “Chăn nuôi cừu đỡ vất vả hơn bò. Cừu không phá, ăn các loại cây mềm cho nên chỉ cần thả rông, cừu tự đi ăn. Trong thời gian này, tôi tranh thủ tưới nước cho vườn thanh long. Tuy chưa bán được cừu nhưng thời điểm hiện tại giá thịt cừu hơi khoảng 100.000-130.000 đồng/ kg”. Ông Lê Đình Sách chia sẻ.

Tương tự, ông Mang Văn Chung (dân tộc Raglai, xã Hàm Thạnh) cho hay, đàn cừu chỉ cần mở chuồng cho đi ăn bên ngoài tự nhiên khoảng 3 giờ/ngày. Do đó, ông tận dụng thời gian buổi sáng và trưa để thả cừu đi ăn chung quanh vườn. Cừu ăn cũng đơn giản, chỉ cần cỏ, rau mọc dại. Lứa đẻ đầu tiên của cừu sau 12 tháng; những lứa sau chỉ cần 3-4 tháng. Thời gian mang thai là 5 tháng. Cừu chỉ cần nuôi 12- 36 tháng với trọng lượng khoảng 20 kg có thể xuất chuồng. So với nuôi bò thì lượng thức ăn chăn nuôi và thời gian chăm giảm. Theo ghi nhận, mô hình này tại xã Hàm Thạnh đạt chất lượng tốt. Hiện nay, các hộ chưa có ý định bán cừu mà nhân giống để nâng cao số lượng cừu nhiều hơn.

Trước đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng mô hình tại xã Tuy Phong với 105 con cừu. Đàn cừu sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị bệnh tật; tỷ lệ nuôi sống 100%; cừu cái đẻ 100%; tỷ lệ nuôi sống đến 3 tháng tuổi đạt 95%. Sau khi thành công, Trung tâm tiếp tục nhân rộng mô hình tại xã Hàm Thạnh - nơi có khí hậu khắc nghiệt hơn. Đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, Trung tâm đã phối hợp với chuyên gia, chính quyền địa phương đánh giá mô hình tại xã Hàm Thạnh với đàn cừu sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị bệnh tật và toàn bộ cừu cái đã sinh sản; tỷ lệ nuôi sống đến 3 tháng tuổi đạt 97,57%.

NHÂN RỘNG MÔ HÌNH HAY

So với các loại gia súc, gia cầm khác, cừu dễ nuôi, dễ thích nghi với điều kiện khí hậu khô nóng và nguồn thức ăn thiếu thốn. Đầu tư ban đầu thấp, cừu sinh sản nhanh, cần ít thức ăn… Vì thế, ngoài trâu, bò và dê; mô hình chăn nuôi cừu đang được nhiều nông dân quan tâm, đầu tư phát triển. Dự án đã giúp nhiều hộ dân có điều kiện phát triển chăn nuôi, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, từng bước hình thành ngành nghề mới, tận dụng lao động phụ ở nông thôn,... Từ đó mô hình góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân tham gia mô hình. Người chăn nuôi được trao đổi kỹ thuật chọn giống, chăm sóc nuôi dưỡng cừu, cách chế biến thức ăn, biện pháp phòng, trị bệnh cho cừu nhằm tiết kiệm chi phí, đạt hiệu quả kinh tế cao và bảo vệ môi trường.

Dự án giúp nông dân sản xuất theo chu trình khép kín, góp phần giảm thất thoát, giảm tối đa lượng chất thải, hướng đến phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ, bền vững, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng: Chính quyền địa phương cần quan tâm tuyên truyền, vận động các hộ dân duy trì và nhân rộng mô hình. Các hộ chăn nuôi cừu cần luân chuyển cừu đực giống để tránh hiện tượng đồng huyết gây thoái hóa giống. Đơn vị chức năng khuyến khích các hộ chăn nuôi mở rộng diện tích trồng cỏ, chế biến ủ chua cỏ và các phụ phẩm nông nghiệp nhằm giảm chi phí, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, địa phương phải hình thành được tổ liên kết sản xuất để ký kết hợp đồng với doanh nghiệp nhằm bao tiêu sản phẩm; theo dõi hiệu quả kinh tế của mô hình để nhân rộng hơn nữa

Xem thêm