Những nỗ lực này nhằm ngăn chặn thất thu ngân sách nhà nước, góp phần bảo vệ môi trường kinh doanh lành mạnh, giữ vững vai trò “cửa ngõ thương mại” của miền trung.
NHIỀU BIẾN TƯỚNG TRONG KINH DOANH DU LỊCH
Trong 6 tháng đầu năm 2025, các lực lượng chức năng tại Đà Nẵng có nhiều đợt kiểm tra quy mô lớn, tập trung vào các điểm nóng thương mại, các tuyến vận chuyển có dấu hiệu nghi vấn và những lĩnh vực nhạy cảm trong kinh doanh du lịch. Theo ông Phạm Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, đại diện Ban Chỉ đạo 389 thành phố Đà Nẵng, tổng cộng 918 vụ việc được kiểm tra, xử lý 867 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 129 tỷ đồng.
Trong tháng cao điểm từ ngày 15/5 đến 15/6, riêng lực lượng Quản lý thị trường đã đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố ra 8 quyết định xử phạt hành chính lớn, mỗi vụ đều có mức phạt từ 100 triệu đồng trở lên. Các trường hợp vi phạm chủ yếu liên quan buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhất là trong lĩnh vực hàng hóa phục vụ khách du lịch.
Ông Sơn cho biết, một trong những phương thức đối phó mới đang được các cơ sở kinh doanh không minh bạch sử dụng là “ngụy trang du lịch”, dẫn khách nước ngoài vào các điểm bán hàng không phép dưới hình thức tour nội bộ. Nhiều cơ sở đóng kín tầng trệt, bên ngoài không có dấu hiệu hoạt động nhưng khi khách lên tầng trên thì đầy đủ hàng hóa, thậm chí còn bố trí phiên dịch viên và nhân viên bán hàng chuyên nghiệp. Việc các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xâm phạm nhãn hiệu lợi dụng sự bùng nổ của du lịch để tiêu thụ hàng hóa cho thấy tính chất phức tạp của hoạt động thương mại tại các đô thị du lịch lớn như Đà Nẵng.
KIỂM SOÁT CỬA NGÕ GIAO THƯƠNG
Không chỉ ở thị trường trong nước, các tuyến vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, nhất là qua cảng biển và sân bay cũng được siết chặt kiểm tra. Chi cục Hải quan khu vực XII, đơn vị chủ lực phụ trách kiểm soát các luồng hàng xuất nhập qua Đà Nẵng, cho biết: Trong 6 tháng qua đã phát hiện nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng, trong đó có không ít vụ liên quan hàng cấm, hàng nguy hiểm, hàng không khai báo hoặc khai báo sai để trốn thuế.
Hai vụ việc điển hình là vận chuyển chất ma túy trái phép qua đường hàng không tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng và tại Trung tâm vận chuyển- kho vận miền trung (Khu công nghiệp Đà Nẵng). Theo ông Trần Ngọc Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan khu vực XII, các đối tượng sử dụng hình thức chuyển phát nhanh, cất giấu ma túy trong hàng hóa nhỏ gọn, hợp pháp, lợi dụng sự thông thoáng về chính sách để “né” các bước kiểm tra kỹ thuật. “Các vụ việc bị phát hiện cho thấy thủ đoạn ngày càng tinh vi, có yếu tố xuyên biên giới và có dấu hiệu liên kết chặt chẽ giữa các đối tượng trong nước và nước ngoài”, ông Đức cho biết.
Bên cạnh đó, tình trạng doanh nghiệp khai sai mã hàng, trị giá, tên gọi… để gian lận thuế vẫn diễn ra khá phổ biến. Trong một số trường hợp, doanh nghiệp cố tình kéo dài thời gian làm thủ tục để chờ điều chỉnh chính sách thuế hoặc trốn trách nhiệm kê khai, gây thất thu ngân sách và làm méo mó thị trường.
Chỉ riêng trong tháng cao điểm vừa qua, lực lượng Hải quan phát hiện 16 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, số tiền xử phạt hơn 145 triệu đồng, số thuế truy thu và ấn định lại là hơn 240 triệu đồng. Các mặt hàng vi phạm trải rộng từ mỹ phẩm, linh kiện điện tử, dược liệu cho đến sách in có nội dung vi phạm văn hóa và thông tin sai lệch về chủ quyền lãnh thổ.
Theo ông Trần Ngọc Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan khu vực XII, ba tuyến giao thương trọng điểm đang được giám sát, nhất là cảng biển quốc tế Đà Nẵng, sân bay quốc tế và trung tâm kho vận miền trung. “Chúng tôi áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại như máy soi chiếu container, hệ thống phân tích dữ liệu rủi ro, chó nghiệp vụ… để kịp thời phát hiện hàng hóa có dấu hiệu bất thường, không gây phiền hà cho doanh nghiệp làm ăn chân chính nhưng kiên quyết không để lọt bất kỳ trường hợp vi phạm nào”.
Để chủ động phòng ngừa và xử lý triệt để các vi phạm, Chi cục Hải quan khu vực XII đang thực hiện đồng bộ các kế hoạch kiểm tra chuyên đề, trong đó nổi bật là kế hoạch kiểm soát hàng hóa có nguy cơ cao về buôn lậu, gian lận thương mại như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc lá điện tử, vàng bạc, đồ cổ, thiết bị điện tử cao cấp...
Các kế hoạch hành động được triển khai theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Công điện 65/ CĐ-TTg và 72/CĐ-TTg năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ; chỉ thị chuyên đề của Cục Hải quan và các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng. Công tác phối hợp liên ngành luôn được chú trọng. Các đơn vị như công an, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường, Chi cục Điều tra chống buôn lậu, kiểm lâm… đều được kết nối dữ liệu, thông tin cảnh báo rủi ro nhằm xử lý kịp thời các trường hợp có dấu hiệu tội phạm hoặc hoạt động theo đường dây, ổ nhóm.
Chi cục Hải quan khu vực XII tăng cường kiểm tra sau thông quan, tập trung vào các doanh nghiệp có tần suất nhập khẩu lớn, chủng loại hàng hóa nhạy cảm hoặc có tiền sử vi phạm. Một số lĩnh vực như chuyển tải bất hợp pháp, giả mạo xuất xứ hàng hóa, lợi dụng hiệp định thương mại tự do (FTA) để gian lận thuế suất… sẽ tiếp tục được đưa vào diện kiểm tra trọng điểm