Hội nghị lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học góp ý vào dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi). (Ảnh LƯU KIM)
Hội nghị lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học góp ý vào dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi). (Ảnh LƯU KIM)

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực:

Tăng đầu tư, xác định rõ thẩm quyền

Tại phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vấn đề trọng tâm là kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” giai đoạn 2021-2024.

Từ đó gợi mở những giải pháp đột phá cho giai đoạn mới.

Trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát, ông Nguyễn Đắc Vinh - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát nhấn mạnh: Đoàn giám sát xác định phạm vi giám sát lần này gồm hai nhóm nội dung. Thứ nhất, phát triển nguồn nhân lực, bao gồm: đánh giá kết quả thực hiện đào tạo nguồn nhân lực trong hệ thống giáo dục quốc dân đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động (trọng tâm là giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp); việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu công việc của cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng lao động. Thứ hai, sử dụng nguồn nhân lực, giới hạn ở các nội dung về: thu hút, tuyển dụng nhân lực; bố trí, sử dụng lao động; đào tạo, bồi dưỡng; chế độ đãi ngộ, đánh giá...

Kết quả giám sát lần này cũng chỉ ra vấn đề còn tồn tại như cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa thật sự hợp lý, chưa gắn kết chặt chẽ và theo kịp nhu cầu của thực tiễn. Tỷ lệ sinh viên theo học các ngành kinh tế, tài chính, luật khá cao. Trong khi đó, tỷ lệ theo học các nhóm ngành khoa học cơ bản, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản… có xu hướng giảm. Một bộ phận không nhỏ sinh viên tốt nghiệp đại học chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, nhất là về kỹ năng, độ thích ứng và tính chuyên nghiệp. Ước tính 30% sinh viên tốt nghiệp không làm việc trong lĩnh vực được đào tạo.

Một số chuyên gia cho rằng, trên thực tế, việc chuyển giao, nhân rộng các chương trình đào tạo nghề theo chuẩn quốc tế còn khó khăn, thiếu đồng bộ. Kết quả phân luồng giáo dục đạt thấp so với mục tiêu. Công tác hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp cho học sinh chưa thật sự hiệu quả. Cần nhiều hơn nữa sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, nhất là giáo dục nghề nghiệp, trong bối cảnh “thừa thầy, thiếu thợ” vẫn là bài toán nan giải.

Liên quan vấn đề này, mới đây, ngày 15/7, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị định hướng nội dung phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp sửa đổi.

GS, TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và pháp luật, chủ trì hội nghị đã nhấn mạnh, dự án Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) lần này liên quan trực tiếp tới những nội dung Nghị quyết được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành. Nhất là thể chế hóa nội dung bốn Nghị quyết “trụ cột” gồm: Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi

số quốc gia; Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 24/1/2025 của Bộ Chính trị về "Hội nhập quốc tế trong tình hình mới"; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, và Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Đề cập giải pháp, Đoàn giám sát cũng chỉ rõ: Cần tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trọng điểm, gắn với các nhóm ngành nghề được ưu tiên, những lĩnh vực mới, lĩnh vực quan trọng. Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập. Tăng cường hợp tác, liên kết giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, khuyến khích đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp và các tổ chức sử dụng lao động; giữa các cơ sở giáo dục trong nước và quốc tế. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là phát triển kinh tế tư nhân.

Báo cáo Kết quả giám sát của Quốc hội nêu kiến nghị: Chính phủ nghiên cứu, ban hành Chiến lược phát triển nguồn nhân lực đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và bố trí đầy đủ nguồn lực bảo đảm để thực hiện, nâng cao năng lực sáng tạo của nhân lực gắn với sử dụng hợp lý trí tuệ nhân tạo và các công cụ khoa học công nghệ mới; xây dựng và trình Quốc hội xem xét, sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Dân số, Luật Viên chức, xem xét, quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục, Chương trình mục tiêu quốc gia về dân số và phát triển. Đồng thời, ban hành các quy định rõ về khái niệm, tiêu chí, thẩm quyền xác định nhân lực chất lượng cao trong tổng thể nguồn nhân lực.

Kết luận phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị thường trực đoàn giám sát phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các cơ quan liên quan để hoàn thiện báo cáo giám sát, dự thảo nghị quyết và hồ sơ, tài liệu liên quan, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tại phiên họp tháng 8 tới đây.

Xem thêm