Năm 1984, ông Nguyễn Văn Kiệt theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tình nguyện lên đường tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp nước bạn Campuchia. Trong chiến dịch mùa khô năm 1985, ông Kiệt bị thương gãy đùi phải. Sau nhiều tháng điều trị ở nước bạn, ông trở về nước tiếp tục trị thương ở các bệnh viện quân đội, sau đó phục viên.
Ông trở về quê sinh sống tại xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang (cũ), nay là xã Phụng Hiệp, thành phố Cần Thơ. Vết thương cũ thường xuyên gây cho ông những cơn đau nhức nhối. Tuy nhiên, với bản chất kiên cường của người lính, nhận thấy sức khỏe của mình không thể làm những việc nặng nhọc cho nên ông Kiệt quyết định đi mua đồ nhựa ở các cơ sở sản xuất rồi về chèo ghe đi rao bán lẻ ở nhiều nơi để kiếm sống. “Lúc đầu, tôi mua, bán dạo đồ nhựa ở xóm, ở chợ nhỏ. Sau khi tích lũy kinh nghiệm, chịu khó làm ăn, số vốn tăng dần...”, ông Nguyễn Văn Kiệt chia sẻ thêm.
Năm 1993, ông Kiệt lập gia đình và ra thành phố Ngã Bảy (nay là phường Ngã Bảy) lập nghiệp. Vốn là người chịu khó, nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, ông sớm nhận ra tiềm năng của ngành kinh doanh đồ nhựa. Ông quyết định mở một tiệm bán đồ nhựa nho nhỏ ở đây. Thời gian đầu, ông thuê mặt bằng chỉ rộng vài mét vuông để vợ bán tại tiệm, còn ông vẫn đi bán dạo khắp các tuyến đường.
Nhờ siêng năng, chăm chỉ, dần dà vợ chồng ông Kiệt đã tích lũy được vốn. Ông mạnh dạn học hỏi thêm về sản xuất đồ gia dụng bằng inox, để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trải qua nhiều năm vất vả, từ hai bàn tay trắng, giờ đây ông Kiệt không chỉ là chủ cửa hàng bán lẻ đồ nhựa, inox, mà còn là chủ một công ty chuyên sản xuất inox, phân phối nhựa gia dụng có tiếng ở Ngã Bảy. Chất lượng sản phẩm của ông tốt, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý, hàng hóa được khách hàng tin tưởng, đánh giá cao. Sản phẩm nhựa, inox của ông được nhiều cửa hàng ở các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đặt hàng với số lượng lớn, mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông còn giúp giải quyết việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương với mức thu nhập của 1 người gần 10 triệu đồng/ tháng. Anh Phan Văn Minh ở phường Đại Thành, thành phố Cần Thơ làm việc tại công ty của ông Kiệt đã hơn bảy năm cho biết: “Trước đây, tôi đi làm thợ hồ, thu nhập không ổn định. Từ khi vào đây làm, được gia đình chú Kiệt tạo điều kiện dạy nghề, có thu nhập ổn định, đủ trang trải gia đình và nuôi các con đi học”.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Ngã Bảy, Phan Thanh Mỹ, toàn phường hiện có hơn 400 hội viên Hội Cựu chiến binh. Thời gian qua, địa phương luôn nỗ lực chăm lo, thực hiện đầy đủ chính sách đối với người có công cho nên hầu hết mọi người đều có cuộc sống ổn định. Riêng ông Kiệt, dù là thương binh 2/4, sức khỏe suy yếu nhưng ông luôn bền bỉ vươn lên trong cuộc sống, có nhiều đóng góp ý nghĩa cho địa phương. “Đồng chí Kiệt luôn mong muốn tạo công ăn việc làm tại chỗ để người dân không phải mưu sinh xa nhà. Đồng chí Kiệt rất quan tâm đến công tác xã hội, từ thiện, đền ơn đáp nghĩa...", ông Phan Thanh Mỹ cho biết thêm.
Với cống hiến trong thời chiến lẫn thời bình, cộng với tinh thần vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng, ông Nguyễn Văn Kiệt, là tấm gương sáng để nhiều thương binh noi theo