Nhiều mô hình trồng cây ăn quả đã tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhiều mô hình trồng cây ăn quả đã tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Phát triển nông nghiệp hiện đại, nông dân trí thức

Trong bối cảnh đổi mới toàn diện của nông nghiệp Việt Nam, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã và đang lan tỏa mạnh mẽ tại khu vực phía tây tỉnh Quảng Ngãi.

Với hàng chục nghìn hội viên nông dân tham gia tích cực, phong trào này không chỉ giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá giả mà còn góp phần hình thành lớp nông dân thời đại mới: năng động, có tri thức, làm chủ công nghệ và có tinh thần hợp tác cao.

Từ mô hình hạt nhân tiêu biểu

Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” tại phía tây tỉnh Quảng Ngãi không còn là khẩu hiệu mà đã trở thành hiện thực sinh động, bắt đầu từ những gương mặt nông dân tiêu biểu, biết chọn hướng đi đúng và dám nghĩ, dám làm.

Ông Bùi Đức Quỳnh (xã Rờ Kơi), là người tiên phong trồng sầu riêng Musang King và Thái Lan trên diện tích 10 ha đất canh tác. Mặc dù đây là loại cây “khó tính” nhưng ông Quỳnh vẫn kiên trì theo đuổi mục tiêu bằng tư duy bài bản và tinh thần học hỏi không ngừng.

Sau 5 năm, ông cùng các thành viên trong Hợp tác xã Thái Thanh đã mang về doanh thu hơn 14 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 900 triệu đồng/người/năm. “Khi tôi bắt đầu với cây sầu riêng, nhiều người nghi ngại vì cho rằng loại cây này khó trồng và rủi ro cao. Nhưng tôi tin rằng nếu làm bài bản, chịu khó học hỏi thì sẽ thành công. Giờ đây, mô hình đã chứng minh điều đó”, ông Quỳnh chia sẻ.

Tại xã Kon Đào, ông Nguyễn Văn Quyết, Giám đốc Hợp tác xã Mắc-ca Nhân Hòa Kon Đào cũng là một tấm gương sáng. Với 8,5 ha cây mắc-ca và 1 ha cà-phê đem lại thu nhập cho gia đình ông khoảng 1,7 tỷ đồng/ năm. Không dừng lại ở phát triển kinh tế hộ, ông Quyết còn truyền cảm hứng và chia sẻ kinh nghiệm cho hàng trăm hội viên mỗi năm, góp phần nhân rộng mô hình trồng mắc-ca phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng địa phương.

Ông Nguyễn Văn Thành (xã Bờ Y), chủ trang trại tổng hợp rộng hàng chục ha với hơn 100 con lợn nái và lợn rừng. Ông Thành liên kết với Công ty giống Glipit Việt Nam, cung cấp mỗi năm từ 2.300-2.500 con heo giống thương phẩm.

Ngoài ra, ông còn phát triển 7,5 ha cà-phê và tiêu, trồng 7.000 cây cau, nhiều loại cây ăn trái xen canh, nuôi cá, ba ba trong hệ thống ao hồ rộng 1,7 ha. Mô hình trang trại khép kín của ông mang lại thu nhập khoảng 1,7 tỷ đồng/ năm và tạo việc làm ổn định cho 5 lao động địa phương, thu nhập 12 triệu đồng/người/tháng.

Một điểm sáng khác là chị Võ Thị Nhung Nhi (xã Đăk Mar), thế hệ 9X quyết định rời Thành phố Hồ Chí Minh trở về quê nhà khởi nghiệp với mô hình nông nghiệp sạch. Sau hai năm, chị đã xây dựng trang trại theo mô hình vườn-ao-chuồng khép kín: nuôi lợn rừng, trồng cây dược liệu và thử nghiệm sản xuất thực phẩm chức năng. Trang trại của chị đạt doanh thu hơn 500 triệu đồng/ năm sau khi trừ chi phí.

“Tôi muốn làm điều gì đó để góp phần phát triển trên vùng đất này. Càng đi xa, tôi càng thấm thía tình yêu dành cho Tây Nguyên, nơi tôi được sinh ra và lớn lên”, chị Nhung Nhi bộc bạch.

Tạo xung lực mới, cơ hội mới

Đằng sau sự thành công của các mô hình là vai trò to lớn của các cấp Hội Nông dân. Các hội viên không chỉ được hỗ trợ về kỹ thuật, thông tin thị trường mà còn tiếp cận dễ dàng với các nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ nông dân.

Các cấp Hội Nông dân còn chủ động kết nối với doanh nghiệp, hỗ trợ hội viên xây dựng thương hiệu, thiết kế bao bì, tem truy xuất nguồn gốc và tham gia các hội chợ nông sản trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, nhiều sản phẩm OCOP như cà-phê, rau củ hữu cơ, cây ăn quả và dược liệu vùng cao đã tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Ông Nguyễn Quang Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi nhận định: “Phong trào này không chỉ tạo ra những hạt nhân phát triển kinh tế nông hộ mà còn góp phần xây dựng giai cấp nông dân thời đại mới có hiểu biết, đoàn kết và làm chủ công nghệ. Nông dân không còn đơn độc mà đang đi cùng nhau trong những mô hình hợp tác, cùng làm giàu trên mảnh đất quê hương”.

Một trong những giá trị lớn nhất của phong trào là sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy sản xuất của người nông dân. Từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nhiều hộ đã chuyển sang hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Các hợp tác xã, tổ hợp tác ngày càng trở thành cầu nối giữa nông dân với thị trường. Thông qua liên kết sản xuất và tiêu thụ, nhiều loại nông sản địa phương không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn từng bước vươn ra thị trường quốc tế.

Phong trào cũng góp phần tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Những tuyến đường nội đồng, công trình thủy lợi nhỏ, nhà văn hóa, sân chơi thể thao… được xây dựng từ chính sức dân, sức hội. Các hoạt động văn hóa, thể thao, xây dựng đời sống văn minh được lồng ghép hiệu quả, tạo nên diện mạo mới cho nhiều làng quê.

Đặc biệt, tinh thần đoàn kết, tương trợ giữa các hội viên ngày càng được củng cố. Nhiều mô hình tổ tự quản nông thôn kiểu mẫu, chi hội không có hộ nghèo, hội viên giúp nhau ngày công, giống cây trồng, vật nuôi… đã và đang lan tỏa mạnh mẽ, tạo sức mạnh cộng đồng trong phát triển sản xuất và nâng cao đời sống. Phong trào đã thật sự trở thành chất keo gắn kết cộng đồng nông dân.

Trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, nông dân có kiến thức, làm chủ công nghệ là yêu cầu cấp thiết. Thời gian tới, các cấp Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, khuyến khích nông dân ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ số vào sản xuất; củng cố và phát triển các mô hình kinh tế tập thể; tăng cường liên kết để tạo ra sản phẩm chất lượng, truy xuất được nguồn gốc và có khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” phía tây tỉnh Quảng Ngãi là minh chứng sinh động cho hiệu quả của đường lối phát triển nông nghiệp toàn diện, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Từ những mô hình sáng tạo, những con người dám nghĩ dám làm, đến sự đồng hành bền bỉ của tổ chức Hội Nông dân, tất cả đang góp phần xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, một thế hệ nông dân mới linh hoạt, có tri thức, sẵn sàng hội nhập và phát triển bền vững.

Xem thêm