Tôi chụp một bức ảnh về sản phẩm bình hoa, gùi của nghệ nhân làng Kgiang xã Tơ Tung, tỉnh Gia Lai, bạn tôi xem rất đỗi ngạc nhiên và cho rằng sản phẩm này thuộc hàng hiếm. Đồng quan điểm với bạn tôi, cán bộ văn hóa xã bổ sung thông tin, sản phẩm được khách thập phương và du khách nước ngoài đánh giá tính thẩm mỹ rất tốt nhưng do giá bán hơi cao, bình quân một chiếc gùi hoặc bình hoa có giá từ 800.000 đồng đến 1.500.000 đồng nên khách chọn mua vật dụng khác rẻ tiền hơn. Vậy nên, thu nhập từ nghề thấp, nghệ nhân không mặn mà với nghề như trước.
Cách làng Kgiang không xa, Cao nguyên Kon Hà Nừng được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Cao nguyên Kon Hà Nừng với tổng diện tích 413.511 ha, vùng lõi gồm Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng.
Nơi đây có 1.647 loài thực vật bậc cao, 91 loài thực vật bậc thấp, 87 loài thú, 326 loài chim, 77 loài bò sát và nhiều nhóm động vật khác... đặc trưng cho hệ sinh thái rừng của các tỉnh Tây Nguyên. Điểm nhấn của cao nguyên chính là các thác nước lớn nhỏ dày đặc, trong đó có thác K50 (hay còn gọi là thác Hang Én).
Để tới thác K50, từ Pleiku đi hơn 140 km mới tới trụ sở Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Từ đây, du khách phải đi xuyên rừng khoảng một giờ thì sẽ thấy dòng thác đổ xuống từ vách đá cao gần 50m, tung bọt trắng xóa.
Anh Phan Nguyên (người sáng lập Công ty Truyền thông Sun Media GL) cho biết, trước đây anh thường xuyên đến thác K50 để ghi hình, dựng các video, dẫn bạn bè gần xa tới trải nghiệm. Tuy nhiên, thời gian gần đây anh và bạn bè ít tới địa điểm này.
“Ở K50 các dịch vụ còn nhiều hạn chế, cách khai thác du lịch chưa bài bản, còn ở dạng nhỏ lẻ, tự phát. Nếu được khai thác các tour theo kiểu chuyên nghiệp sẽ thu hút khách du lịch rất đông, kể cả du khách khu vực và quốc tế. Bạn tôi đi cả nghìn cây số từ tỉnh khác tới chỉ để ngắm thác, chụp vài tấm hình xong rồi rời đi, ở đây không có các dịch vụ phụ trợ, nhất là dịch vụ lưu trú, thật là tiếc quá”, anh Nguyên chia sẻ.
Ông Nguyễn Hồng Quân, quyền Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng cho biết, hiện đơn vị chưa có dịch vụ lưu trú về đêm dành cho khách tham quan, khách chỉ đến và về trong ngày nên số lượng khách cũng hạn chế dần. Vừa qua, đơn vị đã đầu tư hạ tầng cơ sở, triển khai đầu tư hệ thống giao thông hoàn chỉnh, đồng thời hoàn thiện xong Đề án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 để trình tỉnh phê duyệt.
Trong đó, đề xuất cơ chế thu hút nguồn lực từ các doanh nghiệp có năng lực đầu tư lĩnh vực du lịch sinh thái trải nghiệm nhằm khai thác nguồn tài nguyên này một cách bền vững. Hiện nay, đơn vị đã cử cán bộ, nhân viên tham gia lớp đào tạo nghiệp vụ chứng chỉ du lịch hướng đến hình thành đội ngũ chuyên nghiệp hướng dẫn cho du khách.
Ngoài 2 sản phẩm, địa danh du lịch đặc thù kể trên, địa phương này còn có: hàng thông trăm tuổi, núi lửa Chư Đăng Ya, thác Phú Cường, di sản văn hóa cồng chiêng, dệt thổ cẩm, hệ thống Di tích Tây Sơn Thượng đạo… Nhưng việc phát huy bản sắc văn hóa, giá trị di sản, tiềm năng thiên nhiên, nét đẹp văn hóa hiện gắn với khai thác lợi thế du lịch vẫn chưa xứng tầm.
Anh Ngô Anh Tuấn, kinh doanh về mảng du lịch dã ngoại, du lịch mạo hiểm tại khu vực Bidoup-Núi Bà, thác Datanla, hồ Tuyền Lâm thuộc tỉnh Lâm Đồng, từng dẫn khách tham quan, trải nghiệm tại cao nguyên Kon Hà Nừng cho biết, chính quyền địa phương đã có động thái rà soát, kiểm tra, tạm dừng các đơn vị chưa bảo đảm yêu cầu khai thác dịch vụ du lịch mạo hiểm.
Tiếp theo là tổ chức các lớp chuyên sâu, giúp đội ngũ hướng dẫn viên có đủ kiến thức, kỹ năng ứng phó khi có tình huống bất ngờ trong quá trình khách trải nghiệm. Riêng đối với nhân viên làm việc, yêu cầu tiếng Anh đủ khả năng giao tiếp với khách nước ngoài, khuyến khích nhân viên tìm hiểu về các loài thực vật, nét đẹp văn hóa người đồng bào dân tộc thiểu số bản địa nhằm giới thiệu địa danh, quảng bá về văn hóa bản sắc để giữ chân và thu hút du khách.
Về câu chuyện của những nghệ nhân làng Kgiang, theo Tiến sĩ Vũ Huyền Trang, Chủ nhiệm Đề tài Bảo tồn và phát triển dệt thổ cẩm và đan lát người Ba Na, cần phân biệt sản phẩm từ bàn tay nghệ nhân làm ra với sản phẩm sản xuất đại trà bán tràn lan ngoài thị trường. Sản phẩm xuất phát từ đôi bàn tay tài hoa, óc sáng tạo không ngừng của mỗi nghệ nhân là kết tinh nét đẹp văn hóa từ ngàn xưa tổ tiên truyền dạy.
Việc phân biệt giữa sản phẩm thủ công truyền thống và hàng công nghiệp là điều cần thiết. Người làm du lịch cần kể cho du khách nghe câu chuyện về sản phẩm, về nghệ nhân, về sức lao động và văn hóa phía sau đó. Chỉ khi ấy, sản phẩm mới có giá trị thật sự và được đánh giá đúng mức.
Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Gia Lai (cũ) đạt 890 nghìn lượt khách du lịch, doanh thu đạt 493 tỷ đồng. Bà Đỗ Thị Diệu Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, sau khi hai tỉnh sáp nhập thành tỉnh Gia Lai mới, địa phương đã xác định lợi thế của từng khu vực.
Trước hết về tiểu vùng khí hậu, qua khảo sát cho thấy, mùa mưa khu vực tỉnh Gia Lai cũ thường bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm, đây cũng là thời gian cao điểm mùa du lịch biển tại Bình Định (cũ). Trong khi từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau Gia Lai (cũ) thời tiết đẹp, có thể nghiên cứu tổ chức kết nối tuyến du lịch dã ngoại, trải nghiệm du lịch xanh như trekking, leo núi,…
“Lợi thế vùng này sẽ bổ khuyết vào hạn chế, khó khăn khu vực khác, phát huy tối đa tiềm năng, động lực, nguồn lực từng khu vực đặc thù, đó là cơ sở để chúng tôi kể câu chuyện du lịch cho tỉnh Gia Lai trong hành trình phát triển mới”, bà Đỗ Thị Diệu Hạnh nhấn mạnh