Lâm Đồng đang tăng cường giám sát mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu. Ảnh: Lam Dong
Lâm Đồng đang tăng cường giám sát mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu. Ảnh: Lam Dong

Thách thức trong kiểm soát chất lượng

Sầu riêng có thể mang lại lợi nhuận đáng kể trong ngắn hạn, nhưng việc ồ ạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phụ thuộc vào một thị trường hạn chế như Trung Quốc đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Trong gần một thập niên qua, sầu riêng có tốc độ tăng trưởng “thần tốc” với diện tích trồng tăng gấp sáu lần, đạt gần 180.000 ha, trong đó riêng tỉnh Đắk Lắk (cũ) chiếm hơn 30.000 ha, trở thành cây trồng chủ lực trong cơ cấu nông nghiệp quốc gia. Đặc biệt, kể từ tháng 7/2022 khi Việt Nam ký kết Nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này đã vượt mốc ba tỷ USD chỉ sau hai năm.

Hệ lụy từ tăng trưởng “nóng”

Tuy nhiên, sự phát triển “nóng” của ngành cũng đã bộc lộ nhiều hệ lụy. Thời gian gần đây, các vấn đề bắt đầu lộ diện, đặc biệt là sự mất cân đối giữa tốc độ mở rộng sản xuất và khả năng tổ chức chuỗi cung ứng, cũng như giữa yêu cầu kiểm soát chất lượng của thị trường nhập khẩu và năng lực đáp ứng của các cơ sở sản xuất trong nước.

Trong năm tháng đầu năm nay, xuất khẩu sầu riêng đạt 386 triệu USD, giảm 58% so với cùng kỳ năm 2024. Đặc biệt, trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục suy giảm, đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp đi xuống. Tỷ trọng sầu riêng trong nhóm rau quả xuất khẩu cũng giảm mạnh, từ 35% xuống còn 17%. Nguyên nhân chính là sự suy giảm mạnh mẽ của thị trường Trung Quốc, nơi chiếm đến 72% lượng sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam.

Tại hội thảo “Phát triển bền vững ngành sầu riêng”, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ phần mềm Auto Agri cho biết, sự sụt giảm trong xuất khẩu sầu riêng không phải là điều bất ngờ, vì sự tăng trưởng “nóng” trong hai năm qua đã tạo ra một xu hướng vội vàng và thiếu tính toán từ các cơ quan quản lý, nhà đầu tư cũng như người dân.

Khi thấy lợi nhuận lớn từ sầu riêng, nhiều người đã nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chặt bỏ các loại cây trồng lâu năm để trồng sầu riêng hoặc đầu tư đất đai mà không lường trước được các rủi ro tiềm ẩn. Sự thiếu thận trọng này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong tương lai nếu không có sự điều chỉnh kịp thời.

Bên cạnh đó, bà Thực cũng lưu ý về sự chủ quan trong việc ứng phó với thị trường Trung Quốc. Với kinh nghiệm lâu năm trong việc hợp tác với các thương lái tại đây, bà Thực nhận định, khi Trung Quốc đưa ra một chính sách, điều đó không có nghĩa là họ chỉ đơn giản là thông báo, mà thực chất họ đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, với các công cụ kiểm tra đầy đủ. Do đó, ngành sầu riêng không thể thiếu sự chuẩn bị chu đáo và chiến lược xuất khẩu dài hạn để có thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của Trung Quốc nói riêng và thị trường quốc tế nói chung.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết thêm, vụ việc nhiều lô sầu riêng của Việt Nam xuất sang Trung Quốc bị phát hiện chứa dư lượng kim loại nặng cadimi vượt quá mức quy định, không chỉ đơn thuần là một vấn đề về an toàn thực phẩm, mà còn là một thử thách lớn đối với năng lực quản lý chất lượng, thậm chí phải đối mặt với nguy cơ mất đi các thị trường xuất khẩu quan trọng.

Không thể đi một mình nếu muốn phát triển bền vững

Tại Hội nghị “Phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững” ở Đắk Lắk, các chuyên gia ngành nông sản đã nhiều lần nhấn mạnh những vấn đề cấp bách cần giải quyết để ngành sầu riêng Việt Nam nói chung và vùng Tây Nguyên nói riêng có thể duy trì và phát triển bền vững trong tương lai.

Theo ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về thời vụ với khả năng cung cấp sầu riêng quanh năm, nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng. Do đó, cần sớm khắc phục tình trạng quản lý lỏng lẻo mã số vùng trồng và các cơ sở đóng gói không đạt chuẩn.

Đồng tình, ông Mai Xuân Thìn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Rồng Đỏ, cho rằng Việt Nam không thể đơn độc trong việc phát triển ngành sầu riêng. Để đạt được sự bền vững, cần hợp tác chặt chẽ với các quốc gia có ngành hàng phát triển như Thái Lan để xây dựng thương hiệu khu vực mạnh mẽ. Đây sẽ là bước đi quan trọng giúp sầu riêng Việt Nam cạnh tranh vững chắc tại các thị trường lớn như Trung Quốc và bảo đảm sự ổn định của ngành hàng trong dài hạn.

Ông Vũ Phi Hổ, đại diện doanh nghiệp Sarita, cho rằng trước tình trạng “vàng thau lẫn lộn” trong ngành sầu riêng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần có giải pháp đồng bộ để cập nhật dữ liệu vùng trồng, thiết lập quy chuẩn thống nhất về việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Việc phát triển ngành hàng sầu riêng không thể chỉ tập trung vào xuất khẩu mà còn phải bảo đảm chất lượng sản phẩm trong suốt chuỗi cung ứng.

“Phát triển vùng trồng phải đi đôi nâng cao năng lực sản xuất. Nếu không, ngành sẽ đối mặt với rủi ro lớn. Nếu sản phẩm bị trả về và lại được bán cho người tiêu dùng trong nước, đó không thể coi là phát triển bền vững”, ông Hổ khẳng định.

Xem thêm