Trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay, người nuôi không nên thả rông chó, mèo ra đường và tiêm vaccine phòng dại cho đàn chó, mèo cũng góp phần ngăn chặn bệnh dại trong cộng đồng.
Trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay, người nuôi không nên thả rông chó, mèo ra đường và tiêm vaccine phòng dại cho đàn chó, mèo cũng góp phần ngăn chặn bệnh dại trong cộng đồng.

Bệnh nhân thứ 6 ở Đắk Lắk tử vong nghi do bệnh dại

Ngày 14/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận thêm 1 trường hợp bệnh nhân tử vong nghi do bệnh dại. Đây là trường hợp thứ 6 tử vong nghi do bệnh dại trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay.

Bệnh nhân tử vong nói trên là Y.R.N, sinh năm 2012, trú tại buôn Drăn, xã Ea Khăl, tỉnh Đắk Lắk.

Theo thông tin ban đầu, ngày 10/7, bệnh nhân Y.R.N xuất hiện các triệu chứng sốt, người mệt, đau đầu, sợ nước, sợ gió. Ở nhà bệnh nhân có uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ nên người nhà đưa cháu đi khám và nhập Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên với chẩn đoán theo dõi viêm não, theo dõi bệnh dại.

Đến 11 giờ cùng ngày, gia đình xin cho bệnh nhân chuyển đến Bệnh viện Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh để tiếp tục điều trị. Khoảng 20 giờ 30 phút ngày 12/7, bệnh nhân được người nhà xin về với chứng đoán bệnh dại lên cơn và bệnh nhân tử vong vào lúc 23 giờ trên đường từ Thành phố Hồ Chí Minh về tỉnh Đắk Lắk.

Theo người nhà bệnh nhân, cách ngày nhập viện 2 năm, bệnh nhân bị chó cắn vào vùng gáy, sau đó con chó bị người nhà làm thịt, bệnh nhân không đi tiêm vaccine phòng bệnh dại.

Bên cạnh đó, cách ngày nhập viện khoảng 2 tháng, bệnh nhân tiếp tục bị chó nhà nuôi cào vào cổ tay. Hiện tại con chó còn sống, tuy nhiên bệnh nhân không tiêm vaccine phòng bệnh dại.

Còn theo lời khai của hàng xóm, cách ngày nhập viện khoảng 10 ngày, bệnh nhi tiếp tục bị chó cắn nhưng không rõ con chó nào và không nhớ vị trí cắn. Bệnh nhân không nói cho người nhà và không đi tiêm vaccine phòng bệnh dại. Trong khi đó, cách nhà bệnh nhân khoảng 50m ghi nhận có một con chó chết khoảng 1 tuần, nhưng không rõ nguyên nhân.

Ngay sau khi ghi nhận trường hợp tử vong nghi do bệnh dại, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk đã nhanh chóng tiến hành điều tra ca bệnh, đồng thời thông báo thông tin trường hợp bệnh nhân cho Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh, Trung tâm y tế Ea H’leo để phối hợp xử lý.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk tiến hành tư vấn cho người nhà bệnh nhân và truyền thông kiến thức phòng, chống bệnh dại cho gia đình và cộng đồng xung quanh.

Theo khuyến cáo của ngành y tế, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người do tiếp xúc với virus và gây viêm não tiến triển cấp tính, thông qua vết cắn, vết xước, làm rách da hoặc tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc người. Thời gian ủ bệnh dại có thể kéo dài từ 1 tuần cho đến vài năm. Nếu không có biện pháp phòng ngừa sau phơi nhiễm, khả năng trung bình phát triển bệnh sẽ khác nhau tùy theo vị trí vết cắn với tỷ lệ 55% ở đầu, 22% ở chi trên, 9% ở thân và 12% ở chi dưới.

Bệnh dại có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm. Khi các triệu chứng của bệnh dại xuất hiện, tỷ lệ tử vong gần như tuyệt đối. Do đó, việc phòng ngừa bệnh dại trước và sau phơi nhiễm là thực sự cần thiết và vô cùng quan trọng.

Vì vậy, ngay sau khi phơi nhiễm do chó, mèo, động vật hoang dã cắn, cào, dù đã tiêm phòng trước đó hay chưa, người bị phơi nhiễm cần khẩn trương đến cơ sở y tế để được tiêm phòng vaccine sau phơi nhiễm, hạn chế tối đa nguy cơ virus dại tấn công, đe dọa đến tính mạng.

Xem thêm