Thảm xanh Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang.
Thảm xanh Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang.

Bản giao hưởng giữa cao nguyên Langbiang

Cao nguyên Langbiang bồng bềnh mây trắng, chúng tôi ngược miền cổ tích về phía mặt trời, để được hòa nhịp điệu thiên nhiên giữa vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà ở tỉnh Lâm Đồng. Cao nguyên mùa nắng lạnh, đại ngàn như tranh thủy mặc, mây la đà theo dải Bidoup.

Dưới những tầng lá là thanh âm sinh động của bản giao hưởng rừng xanh giữa vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang.

Mùa nắng, nhưng ở đây mịt mờ sương. Cây ken cây, tầng xếp tầng, những tia nắng hiếm hoi len qua kẽ lá giữa rừng nguyên sinh. Không gian cổ tích, chỉ nghe nhịp điệu thiên nhiên. Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà là vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang, được đặt tên theo hai ngọn núi cao nhất cao nguyên Lâm Viên quanh năm bồng bềnh sương trắng, thuộc địa bàn xã Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng là đỉnh Bidoup (2.287m) và Langbiang (còn gọi là Núi Bà, 2.167m). Năm 1899, vị bác sĩ người Pháp Tardif đã mô tả: “Khi nhìn thấy cao nguyên Langbiang, điều đập mạnh vào mắt tôi trước tiên là địa hình. Cả một vùng rộng lớn gồm nhiều ngọn đồi nằm kề bên nhau, nối tiếp nhau, chế ngự lẫn nhau. Những thung lũng rộng và sâu chia cắt núi đồi dợn sóng…”.

Địa hình Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà nghiêng theo hướng tây bắc-đông nam. Điều kiện địa hình này đã tạo nên những đỉnh núi quanh năm mây mù che phủ và các thung lũng sâu kín, nơi bắt nguồn của nhiều con sông lớn. Sự ẩm ướt lãng mạn trong rừng nguyên sinh được phô diễn qua những lớp sương đọng trên cành lá, trên những thảm rêu, tạo thành lớp thực vật mềm mại.

Tiếp tục ngược đỉnh Bidoup, đã nghe tiếng suối Liêng KĐá, tiếng hót của chim mi Langbiang, loài chim đặc hữu xứ này. Chúng tôi tiếp tục lên đường, lần lượt qua hệ sinh thái đặc trưng của rừng á nhiệt đới, đây rừng thông ba lá, rừng rêu, sồi ba cạnh, lan rừng, lác đác những cây phong mùa thay lá đẹp như tranh. Mặt trời đã vắt về phía Núi Bà, chúng tôi đã đặt chân lên “nóc nhà” vùng Tây Nguyên xưa, thao thức với đại ngàn trong bản hòa tấu dịu dàng của thiên nhiên…

Bình minh khác biệt giữa rừng. Nắng len lén trườn qua kẽ lá, rót xuống từng sợi lung linh giữa làn sương mờ tỏ. Chim tôu wôu đã cất tiếng gọi bầy. Xuống núi. Chúng tôi ngược miền ký ức, du hành về quá khứ, tìm cây tiền sử còn sống sót ở Việt Nam, những di sản của rừng như: pơ mu, sồi ba cạnh, thông hai lá dẹt...

Bước chân thênh thênh như người Tây Nguyên lữ hành mùa gió, chúng tôi lặng người trước cây pơ mu hơn 1.300 tuổi, được các nhà khoa học Đại học Columbia (Hoa Kỳ) công nhận là di sản. Cây cao chừng 40m, chu vi gốc khoảng tám người ôm. Trước đây, các nhà khoa học đến từ Nhật Bản, Australia, Pháp… đã hợp tác nghiên cứu các vòng gỗ lấy mẫu ở thân cây pơ mu Bidoup-Núi Bà, để tái tạo thời tiết gió mùa ở lục địa Á châu trong quá khứ đến tận thế kỷ 14.

Thời điểm mùa khô, những cánh rừng trong Khu dự trữ sinh quyển Langbiang phô diễn vẻ đẹp độc đáo của thiên nhiên hoang dã. Đây là loài thông hai lá dẹt, lá có hình lưỡi kiếm, độc nhất ở Việt Nam và có phân bố hẹp ở cao nguyên Langbiang. Loài thông này dễ phát hiện từ xa, bởi các tán lá hình rẻ quạt đặc trưng, vượt lên trên tầng chính của tán rừng. Qua nghiên cứu, nhiều nhà khoa học ví thông hai lá dẹt như sứ giả thời tiền sử, là thực vật cổ hóa thạch sống cùng thời khủng long còn sót lại hiếm hoi cho đến ngày nay. Có lẽ nhờ vậy mà các nhà khoa học có thể tìm ra mối liên hệ giữa thực vật cổ và hiện đại. Viện sĩ hàn lâm Liên Xô (trước đây), ông A.Tastagsceh, khi hay tin từng ao ước: “Tôi muốn sang ngay Việt Nam và sờ lên cây thông hai lá dẹt rồi chết cũng mãn nguyện”.

Thông hai lá dẹt là loài thông đặc hữu, hẹp ở vùng nam Tây Nguyên Việt Nam. Loài cây này được nhà thực vật học người Pháp Krempf phát hiện lần đầu vào năm 1921. Phó Giám đốc Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà Lương Minh cho biết, sau quá trình thẩm định kỹ lưỡng, tháng 4/2025, quần thể 108 cây thông hai lá dẹt tại vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam.

Ngày 9/6/2015, tại thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp, kỳ họp lần thứ 27, Hội đồng Điều phối quốc tế Chương trình con người và sinh quyển của UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang. Khu dự trữ này nằm ở phía bắc tỉnh Lâm Đồng, được đặt tên theo ngọn núi Langbiang huyền thoại. Nơi đây còn lưu giữ những giá trị toàn cầu về đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên đa dạng, hòa quyện với những nét văn hóa đặc sắc không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Khu dự trữ sinh quyển Langbiang có diện tích 275.439 ha, vùng lõi có diện tích 34.943 ha. Vùng lõi khu dự trữ sinh quyển này cũng là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà. Phó Giám đốc Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà cho biết, các nhà khoa học đã ghi nhận khu vực này có 2.089 loài thực vật có mạch, chiếm khoảng 16% tổng số loài thực vật của Việt Nam, thuộc 829 chi và 186 họ khác nhau, khẳng định tầm quan trọng của khu vực này đối với công tác bảo tồn.

Trong số này, có 74 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam (năm 2024) và 35 loài được liệt kê trong danh lục đỏ IUCN (năm 2024). Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà còn là “vương quốc” các loài lan và là một trong 221 trung tâm chim đặc hữu thế giới, vùng đa dạng thứ hai về cây lá kim của Việt Nam. Những con số ấn tượng này minh chứng cho sự phong phú về đa dạng sinh học của vườn quốc gia Bidoup- Núi Bà; đồng thời, cũng là cơ sở quan trọng cho các chiến lược bảo tồn ở vườn quốc gia này.

Chiều nghiêng theo địa hình của dải Bidoup-Núi Bà. Tiếng chim tôu wôu như gọi theo những bước chân dùng dằng chưa muốn thoát miền huyền thoại. Bởi có lẽ còn tiếc nuối với quần thể cổ thực vật sồi ba cạnh thời tiền sử, từng gây sửng sốt nhiều nhà khoa học; với loài thông đỏ quý hiếm... Đó là những cây thiêng với đồng bào dân tộc bản địa và chắc chắn còn nhiều điều bí ẩn.

Xem thêm