Cuộc thi trực tuyến “Tinh hoa văn hóa dân tộc Brâu, Rơ Măm” do Viện Dân tộc học và Tôn giáo học phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum (nay là Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi) là dấu ấn quan trọng trong nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của hai dân tộc thiểu số rất ít người Brâu và Rơ Măm.
Phát động từ tháng 4/2025, Cuộc thi “Tinh hoa văn hóa dân tộc Brâu, Rơ Măm” nhanh chóng lan tỏa sâu rộng tới các trường học trên địa bàn, thu hút sự tham gia tích cực của các đơn vị sự nghiệp công lập và trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên với nhiều buổi tuyên truyền, hướng dẫn học sinh lựa chọn chủ đề, xây dựng sản phẩm dự thi đúng thể lệ.
Ban Tổ chức đã nhận được 23 tác phẩm video từ các em học sinh, trong đó có 12 video xuất sắc vượt qua vòng sơ loại để vào vòng tranh giải. Mỗi video là một câu chuyện sống động, thể hiện tình yêu và niềm đam mê văn hóa dân tộc Brâu và Rơ Măm thông qua các hình thức thể hiện sáng tạo như phóng sự, phim ngắn, kể chuyện, hoạt hình kết hợp công nghệ AI...
Ông Nguyễn Đình Vinh, Trưởng phòng Quản lý nghề nghiệp và Quản lý đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi (mới) nhấn mạnh: “Cuộc thi không đơn thuần là sân chơi sáng tạo mà còn là cầu nối để thế hệ trẻ hiểu biết, trân trọng và tiếp tục gìn giữ những giá trị văn hóa quý báu của cộng đồng dân tộc thiểu số rất ít người đang sinh sống trên địa bàn tỉnh. Các tác phẩm dự thi đã cho thấy sự đầu tư nghiêm túc và niềm đam mê của các em đối với văn hóa dân tộc”.
Không chỉ dừng lại ở cuộc thi, các tác phẩm sẽ tiếp tục được sử dụng như tài liệu tuyên truyền trong các hoạt động giáo dục tại địa phương. Nhiều trường học bày tỏ mong muốn được tích hợp những sản phẩm này vào chương trình giáo dục địa phương của trường mình.
Xuất sắc đạt Giải nhất, tác phẩm “Khám phá Chiêng Tha - báu vật linh thiêng của người Brâu” của em Nguyễn Vân Khánh (Lớp 11C9, Trường trung học phổ thông Nguyễn Trãi) đã tái hiện sống động nghi lễ gắn liền với chiêng Tha - vật thiêng trong đời sống tâm linh của người Brâu tại làng Đăk Mế. Với cách dựng phim sắc sảo, hình ảnh chân thực và lời dẫn xúc động, video thể hiện sự trân trọng di sản văn hóa và khơi gợi niềm tự hào trong người xem. Ngoài ra, còn có bốn tác phẩm tiêu biểu được trao các giải thưởng gồm: một Giải nhì, một Giải ba và hai Giải khuyến khích.
Với tác phẩm “Nhà rông - niềm tự hào của dân tộc Rơ Măm” (đạt giải Khuyến khích), nhóm tác giả Huỳnh Tiến Đạt, Trần Hoàng Hải, Nguyễn Quốc Trọng, Lê Anh Khoa, Y Liên (Trường trung học phổ thông Duy Tân) đã thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về kiến trúc, phong tục, lễ hội gắn liền với nhà rông. Đồng hành các em trong quá trình thi, cô Nguyễn Thị Mỹ Lài, giáo viên Trường trung học phổ thông Duy Tân, chia sẻ: “Chưa bao giờ tôi thấy học sinh háo hức đến vậy khi được làm dự án về văn hóa dân tộc. Các em không chỉ học mà còn sống trong chính văn hóa của cộng đồng mình”.
Theo Viện Dân tộc học và Tôn giáo học, những sản phẩm xuất sắc từ cuộc thi sẽ được lưu trữ, phát hành trong chuỗi hoạt động tuyên truyền của Dự án VINIF.09.2024.DA02 do Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup (VinIF) tài trợ, góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa dân tộc rất ít người Brâu và Rơ Măm ra cộng đồng, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa tại các địa phương, nơi cư trú chủ yếu của hai dân tộc này. “Đây là mô hình mẫu về việc đưa giáo dục văn hóa dân tộc vào trường học. Không chỉ học sinh dân tộc thiểu số mà các em học sinh người dân tộc Kinh sẽ thêm hiểu, thêm yêu những nét đẹp đa dạng trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam”, ông Nguyễn Đình Vinh nhấn mạnh.
Cuộc thi “Tinh hoa văn hóa dân tộc Brâu, Rơ Măm” đã khép lại, nhưng hành trình gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc vẫn tiếp tục. Những video, câu chuyện, hình ảnh do chính các em học sinh thực hiện không chỉ là sản phẩm giáo dục, mà còn là những tư liệu quý, góp phần làm giàu kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, việc giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số càng trở nên cấp thiết. Từ những hoạt động như cuộc thi này, sẽ có thêm nhiều sáng kiến được lan tỏa để văn hóa các dân tộc thiểu số không chỉ được bảo vệ mà còn phát triển bền vững trong hành trình dựng xây đất nước.