Một góc bờ sông thành bãi chất thải
Trong những ngày giữa tháng 7 oi ả, tại bờ sông Dinh thuộc phường Quy Nhơn Đông, người dân bức xúc phản ánh về một điểm đổ trộm rác thải và xà bần đang tồn tại ngang nhiên. Không nằm trong quy hoạch, không được phép, nhưng khu vực ven sông vốn là không gian sinh hoạt cộng đồng của người dân địa phương đã bị biến thành một “bãi rác không tên”, không biển báo, không kiểm soát.
Từ chân cầu Dinh hướng về phía khu công nghiệp Nhơn Bình, nhiều bao tải chứa rác thải xây dựng, gạch vụn, bê-tông vỡ, tấm cốt-pha hỏng... nằm ngổn ngang. Rác thải sinh hoạt như hộp xốp, túi nilon, thức ăn thừa cũng xuất hiện xen lẫn. Đáng lo ngại hơn là có dấu hiệu của vật liệu công nghiệp nhẹ như vỏ thùng sơn, ống nhựa, xà bần… cho thấy đây không chỉ là rác của hộ dân mà có thể từ các đơn vị thi công nhỏ lẻ.
Rác không đổ xuống lòng sông, nhưng được chất sát mép bờ, nơi người dân vẫn đi bộ, nghỉ ngơi và sinh hoạt hằng ngày. Cứ thế, không gian chung nay bị chia cắt bởi những đống rác phình to theo thời gian. Điều này không chỉ gây mùi hôi, mất vệ sinh, mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh đô thị, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh từ ruồi, muỗi, chuột… đặc biệt trong mùa mưa, khi nước thải dễ tràn ra kênh mương, ảnh hưởng đến nguồn nước mặt.

Nhiều người dân phản ánh, tình trạng đổ trộm thường diễn ra vào sáng sớm hoặc ban đêm, chủ yếu do một số hộ dân và đơn vị thi công nhỏ lén đổ thải ra bờ sông, nhân lúc không có lực lượng giám sát. Tại các cuộc họp tổ dân phố, họ đã lên tiếng, gửi phản ánh lên phường. Tuy nhiên, theo họ, chính quyền vẫn chưa có hành động cụ thể: Không dọn rác, không xác minh đơn vị đổ trộm, không gắn biển cảnh báo, không triển khai tuần tra.
Người dân sống gần bờ sông cho rằng, nếu không xử lý sớm, nơi đây sẽ trở thành điểm đổ thải mặc định lúc nào không hay. Bởi càng bị bỏ qua, rác thải càng được coi là “vô chủ”, và tình trạng này sẽ ngày càng khó kiểm soát nếu không có sự vào cuộc nhanh chóng của chính quyền.
Hiện nay, mặc dù rác chưa trôi xuống sông, nhưng những hệ quả tiềm tàng đã hiển hiện như gây ô nhiễm không khí cục bộ, đặc biệt vào sáng sớm. Ngoài ra, đây cũng là môi trường thuận lợi cho ruồi, muỗi, chuột sinh sôi, rác thải trôi xuống lòng sông sẽ gây ô nhiễm lan rộng.

Cần sự vào cuộc mạnh mẽ từ chính quyền
Tình trạng đổ trộm rác không phải mới, nhưng việc xử lý còn rời rạc, thiếu công cụ giám sát và chế tài đủ mạnh. Người vi phạm thường khó bị phát hiện, hoặc bị xử lý với mức phạt chưa đủ sức răn đe. Tuy nhiên, không thể vì thế mà rác thải cứ thế ngang nhiên tồn tại.
Vấn đề đặt ra là vì sao một điểm vi phạm rõ ràng, tồn tại nhiều ngày lại chưa được xử lý? Do vậy, chính quyền phường, các đơn vị liên quan cần sớm ra quân giải quyết tình trạng này. Bởi ngoài việc thu gom, làm sạch không gian công cộng còn để khẳng định môi trường sống là không gian không thể bị xâm phạm bởi những hành vi vô trách nhiệm.
Nhiều ý kiến từ chuyên gia môi trường cho rằng, phường cần xây dựng đội tuần tra liên ngành, phối hợp giữa phường-đô thị-môi trường để xử lý nhanh, theo dõi thường xuyên. Khẩn trương tổ chức vệ sinh và thu gom toàn bộ rác thải tại bờ sông Dinh, với thời hạn cụ thể và thông báo công khai để người dân giám sát quá trình thực hiện.

Sau quá trình sáp nhập, các cơ quan chức năng liên quan cũng cần rà soát và xử lý các đơn vị thi công, vận chuyển xà bần, cải tạo nhà ở... có dấu hiệu vi phạm, bao gồm việc truy xuất nguồn rác thải, áp dụng xử phạt theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP về bảo vệ môi trường. Cùng với đó, tăng mức xử phạt hành chính, truy xuất trách nhiệm từ đơn vị thi công hoặc chủ sở hữu rác thải.
Đặc biệt, cần bố trí khu tiếp nhận xà bần và rác thải xây dựng tại địa bàn với quy trình thuận tiện, minh bạch chi phí, giúp người dân và đơn vị thi công tuân thủ đúng quy định, hạn chế hành vi đổ trộm vì không có điểm tập kết hợp pháp. Đồng thời thiết lập đường dây nóng riêng hoặc mã QR để người dân phản ánh trực tiếp về hành vi xả thải trái phép, có cơ chế xử lý kịp thời và công khai kết quả phản hồi.
Bởi đây không chỉ là câu chuyện bảo vệ môi trường, mà còn là thước đo của năng lực quản lý đô thị, ý thức cộng đồng và cam kết bảo vệ môi trường từ chính quyền địa phương. Nếu muốn trở thành nơi đáng sống, muốn bầu không khí trong lành và dòng nước sạch thì bãi rác dưới chân cầu Dinh phải biến mất. Việc này cần làm ngay. Không trì hoãn. Không chờ phản ánh tiếp theo.
Sự phát triển đô thị không thể song hành với buông lỏng quản lý. Mỗi điểm đổ rác không phép sẽ là một vết gãy trong lòng tin của người dân, là biểu hiện của sự thờ ơ trước quyền được sống trong môi trường trong lành.
Không ai có quyền biến bờ sông thành bãi rác công cộng, thiếu kiểm soát. Và chính quyền không thể không quan tâm đến vấn đề này, nhất là khi môi trường sống của người dân đang bị xâm hại ngay trước mắt.