Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng, hệ thống giao thông kết nối chính là “chìa khóa” mở ra không gian phát triển mới cho Lâm Đồng và cả khu vực.
Những cung đường hiện hữu
Chúng tôi đã có hành trình thú vị từ rừng xuống biển, từ đồng bằng lên cao nguyên đất đỏ bazan trên những cung đường kết nối nội tỉnh Lâm Đồng mới. Dù hệ thống giao thông đường bộ hiện hữu nhiều tuyến đang xuống cấp, đi lại còn khá vất vả, nhưng chuyến đi đã giúp chúng tôi bước đầu hình dung một không gian phát triển mới, rộng lớn của tỉnh Lâm Đồng trong tương lai.
Từ cao nguyên Lang Biang, xứ ngàn hoa Đà Lạt, trung tâm chính trị-hành chính tỉnh Lâm Đồng, theo tuyến Quốc lộ 28, 28B, chúng ta có thể đặt chân đến những bãi biển đầy nắng gió ở miền duyên hải Bình Thuận (cũ), hay ngược lên vùng đất hùng vĩ phía tây nam vùng Tây Nguyên (Đắk Nông cũ) theo Quốc lộ 28, tỉnh lộ 4B.
Trên hành trình này, chúng ta được xuyên qua những rừng thông bạt ngàn, những vườn cây ăn trái trĩu quả, những đồi chè ô-long mềm mại như mái tóc sơn nữ, hay những cung đường ven biển lộng gió…
Trước khi thực hiện chuyến trải nghiệm, chúng tôi nhận được sự hướng dẫn tận tình từ các chuyên gia giao thông và đã hình dung bức tranh toàn cảnh giao thông kết nối của tỉnh Lâm Đồng mới. Sau sáp nhập, tỉnh Lâm Đồng có đầy đủ các loại hình giao thông, gồm: đường hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển và đường thủy nội địa.
Đường hàng không có cảng hàng không quốc tế Liên Khương (Lâm Đồng cũ), được định vị là đầu mối giao thông quan trọng, góp phần phát triển ngành du lịch vùng Tây Nguyên; Cảng hàng không Phan Thiết (Bình Thuận cũ), sân bay quân sự kết hợp dân dụng đang trong quá trình xây dựng, hứa hẹn sẽ sớm đi vào khai thác.
Tỉnh Lâm Đồng mới có đường sắt bắc-nam qua địa bàn tỉnh Bình Thuận cũ, đường bờ biển dài hơn 190 km, cùng các khu bến cảng Phan Thiết, Phú Quý, Vĩnh Tân… Đường bộ kết nối nội tỉnh và liên vùng có Quốc lộ 28, được ví như tuyến đường huyết mạch, nối Phan Thiết-Di Linh- Gia Nghĩa; có Quốc lộ 1, 20, 27, 27C, 27B, 28B, 55,… tuyến cao tốc Liên Khương-Prenn, Vĩnh Hảo-Phan Thiết.
Chị Phạm Lê Hoa, người dân phường Xuân Hương-Đà Lạt và những người bạn vừa có chuyến trải nghiệm từ Đà Lạt qua Quốc lộ 28B đến Phan Thiết, rồi từ Phan Thiết theo Quốc lộ 28 qua Di Linh đến Gia Nghĩa.
Chị Hoa chia sẻ: “Cảm giác đi từ rừng xuống biển thật tuyệt, cảm nhận rõ nhất là sự thay đổi khí hậu, văn hóa rừng, văn hóa biển... Hy vọng, giao thông nội vùng, liên vùng sau sáp nhập tỉnh sẽ ngày càng thuận tiện, đa dạng hơn, qua đó sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống người dân”.
Hiện, giao thông kết nối nội tỉnh Lâm Đồng mới chủ yếu qua hai tuyến quốc lộ chính, là Quốc lộ 28, có điểm đầu tại Phan Thiết qua Di Linh và điểm cuối tại Cư Jút (Đắk Nông cũ), với chiều dài hơn 310 km quy mô chủ yếu đường cấp IV miền núi. Thứ hai là Quốc lộ 55, kết nối Hàm Tân đến Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận cũ), qua Bảo Lâm, Bảo Lộc (Lâm Đồng cũ) kết nối Quốc lộ 28 thuộc Đắk Glong (Đắk Nông cũ).
Giữa hai tỉnh Bình Thuận (cũ) và Lâm Đồng (cũ) có nhiều tuyến đường kết nối, trong đó tuyến quan trọng nhất là Quốc lộ 28B nối Phan Thiết-Đà Lạt đang được nâng cấp, cải tạo. Giao thông kết nối Lâm Đồng (cũ)-Đắk Nông (cũ) có bốn tuyến đường bộ, nhưng phần lớn đường nhỏ hẹp, xuống cấp, đường dốc quanh co.
Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng: “Một trong những rào cản lớn trong việc gắn kết không gian phát triển kinh tế tỉnh Lâm Đồng hiện nay là hệ thống hạ tầng giao thông và logistics còn kém. Hiện tại, kết nối đông-tây, nhất là từ cao nguyên xuống biển vẫn còn hạn chế, thiếu kết nối ngang. Bên cạnh đó, các tuyến vận tải hàng hóa, hạ tầng cảng cạn, kho vận cũng chưa phát triển”.
Cần sớm đầu tư và nâng cấp
Tỉnh Lâm Đồng mới có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước và hội tụ đủ các yếu tố mà ít địa phương khác có được, đó là giàu tài nguyên biển, tài nguyên rừng, có biên giới, cao nguyên và hải đảo. Để thuận lợi trong kết nối những tiềm năng, thế mạnh đó, nhằm thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển thì giao thông cần đi trước.
Tháng 6/2025, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo, kết cấu hạ tầng là nền tảng phát triển tích hợp. Phải đẩy nhanh triển khai các trục động lực như Đà Lạt-Đức Trọng-Bắc Bình- Phan Thiết-Vĩnh Tân; ưu tiên đầu tư cao tốc, đường sắt, cảng biển, hạ tầng logistics… Hình thành mạng lưới liên kết chặt chẽ giữa các trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, du lịch sinh thái và dịch vụ hiện đại.
Đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh, như đề xuất của ba tỉnh, cần hình thành trục phát triển chiến lược đông-tây kết nối Tây Nguyên, duyên hải; sửa chữa, nâng cấp Quốc lộ 28 (kết nối nam Tây Nguyên với Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ); đầu tư các tuyến đường động lực kết nối liên vùng Gia Nghĩa (Đắk Nông cũ)-Bảo Lâm (Lâm Đồng cũ); tuyến cao tốc bắc-nam phía tây, trục ven biển quốc gia và hệ thống đường sắt.
Trục này không chỉ mở không gian phát triển nối Tây Nguyên ra hướng Biển Đông, với các trung tâm kinh tế-tài chính-khoa học công nghệ trọng điểm phía nam, mà còn là hành lang chiến lược nối liền các khu vực trọng yếu, có ý nghĩa quan trọng về an ninh-quốc phòng, bảo vệ biên giới phía tây của Tổ quốc.
Sau sáp nhập, tỉnh Lâm Đồng mới mặc dù có hệ thống giao thông đa dạng, thế mạnh lớn, nhưng còn nhiều hạn chế, khó khăn; nhất là các tuyến đường liên kết đến các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, như Gia Nghĩa, Đà Lạt, Phan Thiết… phần lớn đã xuống cấp, đường đồi, núi quanh co, hiểm trở. Do đó, tỉnh xác định việc đầu tư, nâng cấp mạnh mẽ hạ tầng giao thông là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để kết nối nội tỉnh đa dạng với đường tỉnh, quốc lộ, cao tốc.
Đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Một trong những nội dung quan trọng của Lâm Đồng trong giai đoạn mới là giao thông kết nối-hạ tầng liên vùng. Tỉnh sẽ đầu tư đồng bộ các tuyến giao thông huyết mạch, kết nối hiệu quả giữa cao nguyên, miền núi và duyên hải, tạo ra mạng lưới phát triển hài hòa, bền vững”.
Cuối tháng 6/2025, dự án đường bộ cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương đã được khởi công, để cùng với dự án hợp phần Dầu Giây-Tân Phú, Tân Phú- Bảo Lộc hình thành tuyến cao tốc trọng điểm Dầu Giây-Liên Khương, tạo ra trục liên kết mới, kết nối Lâm Đồng, vùng Tây Nguyên và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, hứa hẹn thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển mạnh mẽ.
Vào cuối tháng 4/2025, dự án thành phần 2 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc bắc-nam phía tây, đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông)- Chơn Thành (Bình Phước) cũng đã được khởi công; tuyến đường được kỳ vọng kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị của khu vực, tạo không gian, động lực phát triển mới.
Cùng với đầu tư, đề xuất đầu tư xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc, giao thông nội vùng; tại Lâm Đồng, Cảng hàng không quốc tế Liên Khương dự kiến tiến hành nâng cấp đường cất, hạ cánh và đường lăn, giúp tăng cường năng lực khai thác du lịch, mở rộng thêm nhiều đường bay trong nước và quốc tế.
Bức tranh giao thông kết nối tại Lâm Đồng sẽ hoàn thiện hơn khi các tuyến đường được đầu tư, nâng cấp, các dự án cao tốc hoàn thành. Giao thông thuận tiện, thông suốt là nền tảng để Lâm Đồng triển khai chiến lược phát triển kinh tế-xã hội địa phương.