Hiệu quả hợp tác nông dân-hợp tác xã-doanh nghiệp
Ông Nguyễn Phước Hết, 65 tuổi, ngụ ấp An Lạc Trung, xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang trồng 1 ha dừa lấy dầu cho biết, cây dừa xuất hiện ở vùng đất này từ trước giải phóng. Từ đời cha ông trồng rồi đến ông và truyền lại cho các con. Ông Hết chia sẻ có thời gian ông từng chặt bỏ cây dừa do giá quá thấp, không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình 6 miệng ăn. Lúc ấy, ông chuyển sang trồng nhãn tiêu. Tuy nhiên, bệnh chổi rồng gây hại nặng nề trên vườn nhãn, ông lại chặt bỏ nhãn để trồng lại dừa lấy dầu và duy trì hơn 10 năm nay. Với giá dừa trung bình 50 nghìn đồng/chục (12 trái/chục), mỗi tháng gia đình trừ chi phí thì còn lợi nhuận hơn 8 triệu đồng/ha.
Huyện Chợ Gạo là địa phương trồng dừa nhiều nhất tỉnh Tiền Giang, với gần 8.000 ha, trong đó diện tích dừa đang cho trái hơn 7.300 ha. Phát huy tiềm năng cùng thế mạnh cây dừa trong nền nông nghiệp hàng hóa, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 11/01/2022 về phát triển vùng sản xuất chuyên canh cây dừa đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo Cao Tấn Hưởng cho biết: Địa phương khuyến khích nông dân thay đổi tập quán, ứng dụng rộng rãi khoa học - kỹ thuật nông nghiệp thâm canh, đồng thời chuyển đổi sang trồng dừa hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm dừa trên thị trường. Trên địa bàn huyện Chợ Gạo hiện có 78 tổ hợp tác, 6 hợp tác xã, 4 doanh nghiệp và 30 cơ sở thu mua, sơ chế sản phẩm có liên quan từ trái dừa. Phấn đấu đến hết năm 2025, toàn huyện có 4.000 ha dừa sản xuất hữu cơ.
Một trong những lợi thế của người dân trồng dừa huyện Chợ Gạo, đó là Công ty cổ phần Công nghiệp thực phẩm Thabico Tiền Giang (Thabico) đã đầu tư nhà máy chế biến trái cây cùng các sản phẩm từ trái dừa tại xã Bình Ninh. Với công suất chế biến 300 nghìn trái dừa/ngày, công ty gần như bao tiêu toàn bộ sản phẩm dừa hữu cơ cho nông dân. Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị thông qua hợp đồng kinh tế giữa nông dân, hợp tác xã và công ty Thabico thay thế cho mô hình kinh tế nhỏ lẻ, hiệu quả thấp. Trong đó doanh nghiệp giữ vai trò đầu tàu, định hướng cho nông dân và hợp tác xã về quy mô, chất lượng, quy cách nông sản. Hợp tác xã là đầu mối đại diện cho nông dân đứng ra liên kết với doanh nghiệp. Tất cả nhằm nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng yêu cầu nội địa và xuất khẩu. Qua đó, thu nhập của các bên được tăng lên từ 20-30%.
Mục tiêu cây xuất khẩu tỷ đô
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Trần Thị Bé Bảy cho biết, thời gian qua, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh, đề ra các giải pháp phát triển bền vững ngành dừa, trong đó tập trung phát triển theo hướng hữu cơ. Hiện nay, địa phương cũng mới triển khai được khoảng
500 ha, thời gian tới dự kiến mở rộng lên khoảng 3.000 ha. Tỉnh cũng tập trung xây dựng các vùng trồng để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu dừa sang nước ngoài. Sở cũng tham mưu tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển cây dừa và hỗ trợ doanh nghiệp, người nông dân xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu.
Với tốc độ phát triển nhanh về diện tích cũng như sản lượng, những năm gần đây, ngành nông nghiệp Tiền Giang đã đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng dừa cho người dân theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ thông qua tập huấn, xây dựng mô hình, dự án khuyến nông. Các mô hình, dự án đã tập trung hướng dẫn người dân sản xuất dừa gắn với thị trường, tiêu thụ ổn định và bền vững.
Coi dừa là cây trồng chủ lực, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng khẳng định: Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục ban hành chính sách, nhân rộng các mô hình hay đóng góp vào mục tiêu chung đưa cây dừa Việt Nam thành cây xuất khẩu tỷ đô. Để bảo đảm chất lượng và uy tín nông sản, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân trên địa bàn tỉnh cần đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị, giải quyết đầu ra sản phẩm gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ, sản xuất theo hướng hữu cơ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, sức khỏe và môi trường...
“Mỗi tháng, gia đình thuê nhân công phun thuốc trừ sâu và rải phân bón một lần. Khi đến ngày thu hoạch, thương lái đến tận vườn để hái. Người nhà chỉ kiểm số lượng, tính tiền thôi”, ông Nguyễn Phước Hết chia sẻ.