Các nhà máy trong nước đã sản xuất được hầu hết các loại phân bón chủ lực.
Các nhà máy trong nước đã sản xuất được hầu hết các loại phân bón chủ lực.

Nắm bắt thời cơ từ chính sách thuế

Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2024 số 48/2024/QH15 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, trong đó, mặt hàng phân bón sẽ chuyển từ diện không chịu thuế sang chịu thuế giá trị gia tăng 5%.

Trước đó, theo Luật sửa đổi các Luật về thuế số 71/2014/QH13, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015, phân bón là mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng đầu ra; theo đó, thuế giá trị gia tăng đầu vào như nguyên liệu, máy móc, trang thiết bị, dịch vụ,… không được hoàn thuế. Hơn 10 năm qua, doanh nghiệp phải tính khoản thuế này vào chi phí giá bán sản phẩm khiến giá phân bón bị nâng lên, sản phẩm trong nước khó cạnh tranh về giá so với sản phẩm phân bón nhập khẩu cùng loại.

Việc áp dụng mức thuế giá trị gia tăng 5% đối với phân bón lần này được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều tác động tích cực cho ngành phân bón nói riêng và toàn ngành nông nghiệp nói chung. Theo các chuyên gia kinh tế, chi phí nguyên vật liệu đầu vào như máy móc, vật tư, trang thiết bị sản xuất, dịch vụ,… thường chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng chi phí sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp phân bón, dao động từ 50% đến 80%. Khi mặt hàng phân bón chịu thuế VAT đầu ra là 5%, các khoản thuế VAT đầu vào này sẽ được hoàn thuế, giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất cho doanh nghiệp, từ đó, làm tăng lợi thế cạnh tranh các sản phẩm phân bón sản xuất trong nước.

Mặt khác, với chính sách không áp thuế giá trị gia tăng trước đây, phân bón nhập khẩu có lợi thế lớn hơn so với phân bón cùng loại sản xuất trong nước. Tuy nhiên, khi Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2024 có hiệu lực thi hành, phân bón nhập khẩu sẽ phải chịu 5% thuế giá trị gia tăng. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh giá bán phân bón sản xuất trong nước có dư địa giảm sẽ tác động đến giá bán của phân bón nhập khẩu. Sự cạnh tranh này sẽ đem lại lợi ích tích cực cho nhà nông.

Ngành phân bón đang đứng trước bước ngoặt lớn. Tính đến hết tháng 6, cả nước có gần 800 cơ sở sản xuất phân bón nhưng phần lớn các nhà máy sản xuất đã cũ kỹ, công nghệ sản xuất ở mức trung bình. Khi được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với vốn, vật tư, máy móc thiết bị, các doanh nghiệp sản xuất phân bón cần nắm bắt thời cơ tăng cường đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới công nghệ sản xuất, phát triển các loại phân bón có hàm lượng công nghệ cao, góp phần làm tăng năng suất và chất lượng nông sản.

Hiện tại, phân bón sản xuất trong nước chiếm hơn 70%, phân bón nhập khẩu khoảng dưới 30% thị trường. Trước những lợi thế từ việc áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng 5%, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước cần nhanh chóng chiếm lĩnh, dẫn dắt thị trường phân bón. Trong trường hợp giá nguyên liệu đầu vào trên thị trường giữ ổn định, chi phí sản xuất được tiết giảm, doanh nghiệp cần sớm cân nhắc việc giảm giá sản phẩm phân bón, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người sử dụng (nông dân) từ chính sách thuế mới mang lại.

Xem thêm