Quảng cáo trá hình đang tạo hệ lụy lớn
Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội đã làm thay đổi cách người tiêu dùng tiếp cận thông tin và ra quyết định mua sắm. Người tiêu dùng ngày càng tin tưởng vào ý kiến của người thân, bạn bè hoặc những người có ảnh hưởng - những cá nhân thường chia sẻ trải nghiệm cá nhân, tạo cảm giác gần gũi và chân thực.
Tuy nhiên, chính niềm tin này dễ bị lợi dụng. Theo Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, nhiều người có ảnh hưởng và nhãn hàng đã lồng ghép nội dung quảng cáo mà không công khai là quảng cáo, khiến người xem tưởng rằng họ thật lòng giới thiệu sản phẩm, dẫn đến việc người tiêu dùng không thể đưa ra quyết định mua sắm một cách tỉnh táo, nhất là khi họ tin tưởng tuyệt đối vào lời khuyên từ người nổi tiếng mà không nghi ngờ gì về mục đích thật sự phía sau.
Thực tế cho thấy, nhiều người tiêu dùng bị cuốn theo cảm xúc cá nhân, tin tưởng vào lời giới thiệu mà không biết đó là quảng cáo. Điều này dẫn đến tình trạng mua phải sản phẩm không đúng chất lượng, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn người dùng.
Chia sẻ với phóng viên bên hành lang Quốc hội, đại biểu Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội bày tỏ lo ngại trước tình trạng quảng cáo trá hình đang len lỏi trên các nền tảng số.
Hiện nay, ai cũng có thể trở thành người tạo nội dung, quảng cáo trên các nền tảng số như TikTok, YouTube… Tuy nhiên, điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý giới trẻ, đặc biệt là trẻ em. Nhiều nội dung quảng cáo mang tính dung tục, lệch chuẩn văn hóa, hướng tới việc câu view, gây hiệu ứng đám đông, làm xói mòn giá trị đạo đức, ông Hạ nêu vấn đề.

Theo ông Hạ, một trong những giải pháp quan trọng là yêu cầu người truyền tải quảng cáo phải được kiểm soát và chứng nhận năng lực, tương tự như hướng dẫn viên du lịch.
Bên cạnh đó, các nền tảng mạng xã hội phải chịu trách nhiệm trong việc kiểm duyệt và xác thực danh tính, mục đích của người truyền tải nội dung thương mại, thay vì để mặc người tạo nội dung và nhà sản xuất tự “bắt tay” ngoài tầm kiểm soát.
“Nhiều người làm nội dung mạng xã hội đưa quảng cáo lồng ghép, đánh vào tâm lý nhẹ dạ, đặc biệt là giới trẻ. Họ có ảnh hưởng xã hội nhưng lại không chịu bất kỳ kiểm soát nào về mặt pháp lý. Đã đến lúc phải siết lại, yêu cầu những người này phải được đào tạo, chứng nhận nếu muốn truyền tải nội dung quảng cáo trên nền tảng số”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội kiến nghị.
Minh bạch để thị trường phát triển bền vững
Theo Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Nghị định 55/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 của Chính phủ đã quy định rõ khái niệm người có ảnh hưởng là chuyên gia, người có uy tín, người được xã hội chú ý trong lĩnh vực, ngành, nghề cụ thể được tổ chức, cá nhân kinh doanh tài trợ dưới mọi hình thức để sử dụng hình ảnh, lời khuyên, khuyến nghị của người này nhằm xúc tiến thương mại hoặc khuyến khích người tiêu dùng mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Một trong những trách nhiệm của người có ảnh hưởng được quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 là “thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình được tài trợ để cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ”.
Nếu không công khai điều này với người tiêu dùng, hoặc cung cấp thông tin không chính xác, không đầy đủ, họ sẽ bị xem xét xử phạt hành chính, với mức phạt từ 20 đến 30 triệu đồng theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 24/2025/NĐ-CP ngày 21/2/2025.
Để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, đồng thời xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, yêu cầu đặt ra là các chủ thể tham gia - tổ chức, cá nhân kinh doanh và người có ảnh hưởng - tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về cung cấp thông tin và trách nhiệm minh bạch trong hoạt động quảng cáo.
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến cáo, tùy vai trò mà người có ảnh hưởng đảm nhiệm (cá nhân kinh doanh, hay bên thứ 3 cung cấp thông tin), họ đều có nghĩa vụ cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực về sản phẩm, từ xuất xứ, công dụng đến chi phí, phương thức giao hàng… Nếu tự ý đánh giá sản phẩm mà thiếu cơ sở, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng, họ vẫn có thể bị xử lý theo pháp luật.
Để quản lý hiệu quả hơn, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ cho rằng cần phải có quy định chặt chẽ về người truyền tải thông tin quảng cáo. Theo ông, những người này phải được đào tạo, cấp chứng chỉ và cập nhật kiến thức định kỳ, giống như quy định đối với hướng dẫn viên du lịch.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng nêu kiến nghị cần quy định rõ trách nhiệm của các nền tảng mạng xã hội, chỉ cho phép phát tán nội dung quảng cáo khi người truyền tải đã được đào tạo và có chứng nhận phù hợp.
Ông Hạ cho rằng, các nền tảng cũng phải chịu trách nhiệm kiểm soát, thay vì chỉ làm trung gian giữa người bán và người quảng bá sản phẩm. Nếu kiểm soát được điều này, sẽ góp phần giảm được tình trạng quảng cáo sai sự thật, quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, độc hại, đi ngược thuần phong mỹ tục Việt Nam.