Những dấu ấn điện ảnh
Nói về Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ 3, nhà thơ, nhà phê bình Nguyễn Phong Việt dùng một từ ngắn gọn: “Thánh Gióng”. Ở tuổi thứ 3, nhưng Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ 3 đã chứng tỏ vị thế và uy tín của mình thông qua quy mô, chất lượng và phương pháp tổ chức mỗi năm lại phát triển hơn và có nhiều điều hấp dẫn hơn.
Liên hoan phim năm nay ghi dấu ấn bởi những tác phẩm điện ảnh hàng đầu châu lục hiện diện ở nhiều hạng mục dự thi và công chiếu. Hơn 100 bộ phim được trình chiếu tại các chương trình Phim châu Á dự thi, Phim Việt Nam dự thi, Toàn cảnh điện ảnh châu Á và Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc, trong đó nhiều phim do các đạo diễn kỳ cựu, hàng đầu châu Á thực hiện, tiêu biểu là loạt phim Hàn Quốc theo dòng chảy lịch sử từ những năm đầu tiên điện ảnh Hàn Quốc mới phát triển. Đây là số lượng phim cao kỷ lục trong ba kỳ liên hoan phim trở lại đây.

Nghệ sĩ nhân dân Như Quỳnh, người từng dự nhiều kỳ của Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng nhận xét: “Tôi thấy rõ sự lớn mạnh của Liên hoan phim, khi năm nay có nhiều phim ở các mảng đề tài, các hạng mục chiếu phim và dự thi rất phong phú. Chương trình năm nay hoành tráng, tạo sự háo hức và niềm vui cho cả người dân và các nghệ sĩ, nhà làm phim, nhà chuyên môn tham gia Liên hoan phim. Cá nhân tôi rất xúc động khi xem lại những bộ phim chiến tranh chọn lọc, và thấy khán giả đón nhận nhiệt tình. Những ký ức về những bộ phim ở thế kỷ trước được Ban Tổ chức và khán giả nhớ đến và hết sức trân trọng”.
Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng năm nay còn ghi dấu ấn bởi sự xuất hiện của nhiều vị khách quốc tế đình đám của điện ảnh châu Á. Chưa một Liên hoan phim quốc tế nào tại Việt Nam cùng một lúc có sự hiện diện của ba vị Giám đốc nhiều thời kỳ của hai Liên hoan phim lớn nhất nhì châu Á là Tokyo và Busan. Đó là ông Shozo Ichiyama, Giám đốc Liên hoan phim quốc tế Tokyo, ông Kim Dongho, nhà sáng lập Liên hoan phim quốc tế Busan và ông Park Park Kwang-su, Giám đốc đương nhiệm và cũng là thành viên sáng lập Liên hoan phim quốc tế Busan.

Cùng với những bộ phim đình đám của điện ảnh Hàn Quốc trong chương trình Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc, khán giả Đà Nẵng còn chào đón sự hiện diện của ba ngôi sao đình đám là Moon So Ri, Park Sungwoong, và Ji Seung Hyun cùng thần tượng Hàn Quốc Idol Nation. Ngoài ra, Liên hoan phim còn có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ châu Á khác như ngôi sao truyền hình Philippines Richar.R Faulkerso Jr., nam tài tử Ấn Độ Shantanu Maheshwari …
Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng năm nay còn có thêm một điểm mới, mà theo nhà thơ, nhà phê bình Nguyễn Phong Việt, là lần đầu tiên có giải thưởng dành cho lĩnh vực Lý luận phê bình, tạo thêm một góc nhìn từ phía những người viết phê bình làm báo chứ không chỉ làm chuyên môn thuần túy như những hạng mục khác. DANAFF 3 cũng là liên hoan phim quốc tế duy nhất có hạng mục này trong các chương trình.
Giải thưởng này rất có ý nghĩa khi tạo cơ hội tìm kiếm những tài năng mới, những nhà làm phim, nhà sản xuất mới, những người có thể mang đến những luồng gió mới, những câu chuyện đặc sắc cho điện ảnh châu Á và điện ảnh thế giới nói chung.
Ngoài ra, theo nhà thơ, nhà phê bình Nguyễn Phong Việt, giải thưởng Lý luận phê bình cũng rất có ý nghĩa khi mở thêm một góc nhìn từ phía khán giả, yếu tố quan trọng trong việc quyết định thành bại cũng như doanh thu của một bộ phim trên thị trường.
Điều đó cho thấy Ban Tổ chức Liên hoan phim rất sáng tạo, cởi mở so với những liên hoan phim khác từ trước đến nay ở Việt Nam.

“So với thế giới, Liên hoan phim của chúng ta còn rất trẻ về tuổi đời, nhưng Ban tổ chức đang nỗ lực hết sức bằng những bước đi vững chắc, để khẳng định cho đến thời điểm này DANAFF đang là liên hoan phim được biết đến và nhắc đến nhiều nhất ở Việt Nam. Đây là một Liên hoan phim phát triển thần tốc, mạnh mẽ, nhưng vẫn rất vững chãi, không hề đốt cháy giai đoạn. Trong tương lai gần, DANAFF sẽ sớm nằm trong bản đồ của các Liên hoan phim quốc tế nổi tiếng trên thế giới. Lúc đó, chúng ta sẽ đón được nhiều nghệ sĩ, nhà làm phim nổi tiếng, ê-kíp tài năng, đến từ những nền điện ảnh rất phát triển. Tôi mong rằng điều này sẽ sớm thôi, không cần phải 3 hay 5 năm nữa” – nhà phê bình Nguyễn Phong Việt chia sẻ.
Ấn tượng đối với bạn bè quốc tế
Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần đầu tiên đón chào sự hiện diện của bà Audrey Azoulay - Tổng Giám đốc UNESCO và đã tạo ấn tượng mạnh mẽ đối với bà. “Kỳ liên hoan lần thứ ba này đã mở rộng cả về quy mô thời lượng lẫn chiều sâu nội dung. Không chỉ góp phần thúc đẩy sự công nhận quốc tế cho điện ảnh Việt, DANAFF III còn là không gian giới thiệu những tiếng nói mới của cả khu vực – từ Trung Quốc đến Kyrgyzstan, Nhật Bản, Ấn Độ và đặc biệt là Hàn Quốc”, Tổng Giám đốc UNESCO nhận xét.

Ngay sau khi sự kiện kết thúc, bà cũng đã gửi thư chúc mừng đến Tiến sĩ Ngô Phương Lan - Giám đốc Liên hoan phim, trong đó bày tỏ: “DANAFF III là minh chứng cho sức mạnh kết nối con người từ mọi nền tảng… UNESCO từ lâu đã luôn ủng hộ việc bảo vệ và thúc đẩy sự đa dạng văn hóa, và tôi xin trân trọng ghi nhận sự thể hiện tuyệt vời của ngành công nghiệp điện ảnh đa dạng của châu Á trong chương trình của Liên hoan phim. Bằng việc đó, Liên hoan phim không chỉ tạo tiếng nói cho nhiều cộng đồng khác nhau, mà còn trao quyền cho các tài năng mới, nuôi dưỡng sự sáng tạo và thúc đẩy liên văn hóa”.

Bà Martine Thérouanne – Giám đốc điều hành của Liên hoan phim Châu Á Vesoul (Vesoul Asian Film Festival), một trong những liên hoan uy tín hàng đầu tại châu Âu chuyên đánh giá và thúc đẩy điện ảnh độc lập từ châu Á, đồng thời là một trong năm thành viên của Ban giám khảo hạng mục Asian Competition tại DANAFF III – đã có những chia sẻ và nhận xét thẳng thắn trong một bài phỏng vấn của tờ Asian Movie Pulse – tháng 7/2025: “DANAFF mới chỉ ba tuổi, nên có thể nói đây là một liên hoan phim còn rất trẻ. Tuy vậy, điều tôi ấn tượng nhất chính là sự đón tiếp vô cùng nồng hậu – không chỉ đối với tôi mà với tất cả các khách mời. Bên cạnh đó là tinh thần rất rõ ràng trong việc đề cao điện ảnh Việt Nam. Tôi nhận thấy tốc độ phát triển của DANAFF là rất nhanh, cả về số lượng phim được giới thiệu lẫn cách tổ chức các hội thảo, workshop. Tôi nghĩ rằng DANAFF sẽ nhanh chóng định vị mình như một trong những liên hoan phim lớn của châu Á”.

Còn Giám đốc Viện Lưu trữ phim Hàn Quốc Kim Hong Joon nhận xét: “Là người từng góp phần phát triển các liên hoan phim ở Hàn Quốc, tôi nhận thấy DANAFF có tiềm năng to lớn và tôi sẵn sàng hỗ trợ trong khả năng của mình”.
Trưởng Ban Giám khảo hạng mục Phim châu Á dự thi của Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng, đạo diễn Jang Joon-hwan cho rằng, năm nay có rất nhiều phim công chiếu quốc tế lựa chọn DANAFF là nơi ra mắt phim. Điều này có nghĩa là DANAFF phát triển rất nhanh và đã thu hút được sự chú ý của các nhà làm phim châu Á.
Không chỉ đánh giá cao về sự phát triển nhanh chóng và vững chắc của Liên hoan phim, các diễn viên, nhà làm phim, khách mời quốc tế cũng dành những lời nhận xét tốt đẹp cho thành phố chủ nhà Đà Nẵng.

“Cảnh đẹp, con người thân thiện, các món ăn đều rất ngon” là những lời nhận xét chung của nhiều nghệ sĩ quốc tế về Đà Nẵng. Diễn viên Moon So Ri cho biết, người dân và khán giả Đà Nẵng rất dễ thương, có niềm vui và tình yêu vô bờ bến dành cho điện ảnh, còn các món ăn thì rất hợp khẩu vị và rất ngon.
Còn hai nam tài tử Park Sungwoon và Ji Seung Hyun đều thích ăn bún chả ở Đà Nẵng, đồng thời bày tỏ ấn tượng đối với sự hâm mộ mà khán giả thành phố biển này dành cho các nghệ sĩ. ‘Họ nhớ cả những bộ phim từ rất lâu của tôi, gọi tên tôi và hò reo. Tôi rất xúc động” - Park Sungwoon nói.
Những đánh giá tích cực từ truyền thông quốc tế
Sự kiện DANAFF III đã nhận được sự quan tâm và đánh giá tích cực từ truyền thông quốc tế, đặc biệt là từ các hãng tin lớn như Xinhua (Trung Quốc), Korea Herald, Yonhap News, Hankook Ilbo và Nate News (Hàn Quốc).
Hãng thông tấn Xinhua ngày 29/6 ghi nhận, DANAFF III khai mạc tại thành phố Đà Nẵng với khẩu hiệu “Bridging Asia”, quy tụ 14 tác phẩm tranh giải đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Iran, Malaysia và nhiều quốc gia châu Á – Thái Bình Dương. Hai bộ phim Trung Quốc – “Black Dog” và “Like a Rolling Stone” – được chọn tranh giải và trình chiếu tại các rạp địa phương.
Báo Korea Herald (1/7) nhận định DANAFF III quy tụ những câu chuyện mạnh mẽ và sự đổi mới nghệ thuật từ các nhà làm phim Việt Nam và khu vực châu Á – Thái Bình Dương, “mang lại góc nhìn mới và tôn vinh sự đa dạng văn hóa”
Tờ báo cũng trích lời Giám đốc Viện Lưu trữ phim Hàn Quốc – ông Kim Hong Joon: “Tôi thật sự ấn tượng với tinh thần trẻ trung ở đây – nó gợi nhớ cho tôi về những ngày đầu của Liên hoan Phim Kinh dị Bucheon. Là người từng góp phần phát triển các liên hoan phim ở Hàn Quốc, tôi nhận thấy DANAFF có tiềm năng to lớn và tôi sẵn sàng hỗ trợ trong khả năng của mình”.

Trong khi đó, Yonhap News (1/7) đưa tin, DANAFF 2025 đánh dấu lần đầu tiên Hàn Quốc tham gia với vai trò quốc gia khách mời, thông qua chương trình trọng điểm “Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc” (Focus on Korean Cinema), trình chiếu 14 tác phẩm tiêu biểu từ những năm 1960 đến nay. Nhiều đạo diễn và nghệ sĩ hàng đầu Hàn Quốc như Moon So-ri, Park Sung-woong… đã trực tiếp đến giao lưu cùng khán giả Việt Nam.
Yonhap News cũng đã trích dẫn chia sẻ của Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam – ông Choi Young-sam: “Tôi hy vọng rằng thông qua Liên hoan phim lần này, người dân hai nước Việt – Hàn sẽ thêm thấu hiểu, đồng cảm với những câu chuyện và cảm xúc của nhau, từ đó xích lại gần nhau hơn.”
Báo Nate (1/7) đánh giá cao vai trò kết nối văn hóa của sự kiện: “DANAFF là một ví dụ tiêu biểu thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc tăng cường hợp tác văn hóa – nghệ thuật với Hàn Quốc và các quốc gia châu Á,” đồng thời ghi nhận việc các đạo diễn, diễn viên hàng đầu của Hàn Quốc như Jang Joon-hwan, Moon So-ri, Kim Dong-ho và Park Kwang-su cùng xuất hiện tại sự kiện là minh chứng cho sức hút và tiềm năng hợp tác sâu rộng.
Những lời nhận xét tích cực từ giới chuyên môn và báo chí quốc tế là sự khẳng định cho định hướng đúng đắn và nỗ lực tổ chức chuyên nghiệp của DANAFF – một Liên hoan phim đang ngày càng khẳng định vị thế trên bản đồ điện ảnh châu Á.