Trạm thu, phát sóng viễn thông trên "Cổng trời", xã Trung Lý, tỉnh Thanh Hóa.
Trạm thu, phát sóng viễn thông trên "Cổng trời", xã Trung Lý, tỉnh Thanh Hóa.

Thanh Hóa ứng phó với hoàn lưu sau bão, vận động người dân di chuyển đến nơi an toàn

Sáng 23/7, theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Thanh Hóa cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão 3 nên khu vực Thanh Hóa từ đêm 22/7 đến ngày 24/7 tiếp tục có mưa vừa đến mưa to và dông.

Tổng lượng mưa ở khu vực vùng núi phía bắc, tây bắc: 30-60mm, có nơi trên 60mm; khu vực vùng núi phía tây, tây nam và đồng bằng ven biển từ 50-100mm, có nơi trên 100mm.

Cơ quan chuyên môn khuyến cáo nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất, đặc biệt là các khu vực có địa hình dốc. Mưa lớn có thể kèm theo các hiện tượng dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông và cơ sở hạ tầng.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lớn kéo dài, nước lũ dâng cao, Đồn Biên phòng Tam Thanh cử lực lượng tham gia thường trực tại các bản, phối hợp với địa phương hai xã Tam Thanh và Tam Lư đến từng tổ chốt kiểm tra, đôn đốc lực lượng thường trực; tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân có nguy cơ bị sạt lở di chuyển đến vị trí an toàn.

Lực lượng chức năng đã vận động, di chuyển 36 hộ, 257 khẩu có nguy cơ sạt lở đến nhà văn hóa các bản, trợ giúp một gia đình di chuyển tài sản; tiếp tục chốt chặn những đoạn đường bị ngập và có nguy cơ sạt lở cao, nghiêm cấm mọi người dân xuống sông vớt củi, bắt cá.

3.jpg
Lực lượng chức năng xã Quang Chiểu di chuyển người cao tuổi đến nơi tránh trú an toàn.

Đồn Biên phòng Quang Chiểu phối hợp chính quyền địa phương và các lực lượng 2 xã Quang Chiểu, Mường Chanh di dời 58 hộ cùng 243 nhân khẩu có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn; bố trí lực lượng trực ứng phó với mưa bão tại các bản.

Bộ đội Biên phòng Trung Lý và các lực lượng tại cơ sở tổ chức kiểm tra thực tế, nắm bắt các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3; cử các tổ công tác thường trực tại các bản trọng điểm, chủ động hỗ trợ nhân dân di dời người, tài sản đến nơi an toàn, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống khẩn cấp xảy ra.

Đêm 22/7 Lữ đoàn 368 điều động phương tiện cùng 65 cán bộ, chiến sĩ tiếp cận khu vực phát sinh sự cố đê sông Tam Điệp, thuộc xã Quang Trung, tỉnh Thanh Hóa, phối hợp cùng lực lượng tại địa phương gia cố gần 200m đê bị sụt, lún, sạt lở.

1-gia-co.jpg
Lực lượng vũ trang chắn đất sạt lở vào gầm nhà sàn của hộ dân.

Cũng trong mưa bão số 3 phát sinh sự cố sạt lở mái đê phía đông đê Tây sông Cùng (đê sông Con, cấp 4) đoạn từ K5+858 đến K5+905 xã Hoằng Châu với chiều dài khoảng 47m và đoạn từ K5+ 959-K5+976 phát sinh cung sạt dài 18m, sâu 2m và chiều cao đứng 2m. Mang cống Vực Bưu đê hữu sông Nhơm xuất hiện dòng chảy dọc mang cống, gây ra 2 hố tụt trên đỉnh cống và tụt sâu xuống mang cống.

Chính quyền các địa phương đã huy động nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” xử lý các sự cố nêu trên; đồng thời cắm mốc, đặt biển cảnh báo nguy hiểm trong phạm vi sạt lở, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, không cho người và phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm.

Xem thêm