“Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới

“Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới

Những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giữ vững, ổn định; đời sống vật chất tinh thần của người dân được cải thiện.

Một trong những giải pháp quan trọng để Đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình đạt được kết quả trong xây dựng nông thôn mới là thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tạo sự đồng thuận cao trong người dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Quán triệt sâu sắc những quan điểm, chủ trương của Đảng và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận, bằng nhiều hình thức phù hợp, tỉnh Ninh Bình đã xây dựng, ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn bảo đảm cụ thể, phù hợp tình hình thực tiễn địa phương; thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn, phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” các cấp trong tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Đồng thời, tỉnh chỉ đạo gắn thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động do các cấp, ngành phát động và nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương, đơn vị; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”; xây dựng, nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” trong thực hiện tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh bảo đảm toàn diện trên các lĩnh vực cụ thể, thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết những việc mới, việc khó, việc cần làm ngay, nhất là các vấn đề được cấp ủy, chính quyền đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Tỉnh cũng quan tâm thực hiện tốt các cơ chế, hỗ trợ nguồn lực thực hiện các mô hình và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho mô hình thực hiện ổn định, hiệu quả, có khả năng nhân rộng.

Từ phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình điển hình tiêu biểu, có sức lan tỏa trong đời sống người dân, tiêu biểu như “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ”, “Ngày thứ Bảy với dân”; các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, tích tụ ruộng đất, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết bao tiêu sản phẩm, giải phóng mặt bằng cùng nhiều mô hình khác đã tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đáng chú ý, thực hiện các mô hình trong xây dựng nông thôn mới, người dân phấn khởi, tự nguyện hiến công, hiến kế và đóng góp tiền của làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, lắp đặt pa-nô, khẩu hiệu, đường điện chiếu sáng, trồng hoa cây xanh và hiến hàng chục nghìn mét vuông đất; tích cực tham gia công tác vệ sinh môi trường, phân loại, xử lý rác thải hữu cơ, tạo cảnh quan môi trường sáng-xanh-sạch-đẹp... qua đó, góp phần quan trọng để hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới.

Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã đạt nhiều kết quả tích cực; trở thành động lực quan trọng để phát huy, tập hợp sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân; hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nhất là đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Ninh Bình đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2024, quy mô kinh tế ước đạt 310.282 tỷ đồng, xếp thứ 11/34 tỉnh, thành phố sau sáp nhập; tổng thu ngân sách đạt 55.018 tỷ đồng, xếp thứ 6/34 tỉnh, thành phố sau sáp nhập; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 17,56 tỷ USD, chiếm 12,3% tổng kim ngạch xuất khẩu các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng, chiếm 4,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt 2 con số...

Từ thực tiễn, tỉnh Ninh Bình rút ra một số kinh nghiệm. Trong đó, việc xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” phải bám sát tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị; phải xuất phát từ lợi ích, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương

Xem thêm