Ông Vũ Đình Hoàn ở bản Sẹc Lống Mìn, xã Quảng Tân cho biết, sau nhiều năm gắn bó với nghề nuôi thủy sản, đến cuối năm 2023, ông quyết định đầu tư nuôi cá tầm thương phẩm tại gia đình. Đến nay, sau gần 2 năm, ông Hoàn đã làm chủ kỹ thuật và nuôi thành công cá tầm thương phẩm, trong 86 bể nổi để nuôi cá tầm, hiện có 80 bể nuôi cá giống và 6 bể nuôi cá tầm thương phẩm.
Ông Hoàn chia sẻ: “Gia đình tôi đầu tư hơn 4,5 tỷ đồng xây dựng hệ thống bể nổi nuôi cá tầm. Ưu điểm của bể nổi là không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn tiện lợi trong quá trình lắp đặt thi công, vệ sinh bể. Khi muốn di chuyển bể nuôi ra vị trí khác, với bể chìm là gần như không thể thực hiện được vì được xây cố định, nhưng với bể nổi, việc di chuyển rất thuận lợi”.
Từ thành công ban đầu, gia đình ông Hoàn đã mạnh dạn thành lập Hợp tác xã Cá Tầm bản Sẹc Lống Mìn với 7 thành viên tham gia, mục đích nhân rộng nghề nuôi cá tầm trên địa bàn xã. Hiện nay, gia đình ông Hoàn đã chuyển giống ra 6 bể nổi, mỗi bể có thể tích 1.000 m3 để nuôi cá tầm thương phẩm và dự kiến đến năm 2026, Hợp tác xã sẽ cung ứng ra thị trường từ 25 đến 30 tấn cá tầm thương phẩm và 50 đến 70 nghìn con cá tầm giống ra thị trường trong nước. Từ đầu năm đến nay, Hợp tác xã đã cung cấp 10 nghìn con cá tầm giống cho thị trường Sa Pa, dự kiến đến cuối năm có gần 10 tấn cá tầm thương phẩm xuất bán.
Bí thư Đảng ủy xã Quảng Tân Đào Biên Thùy cho biết: “Xã rất chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xác định đây là hướng đi chủ lực cần tập trung thực hiện ngay sau khi mô hình chính quyền địa phương hai cấp đi vào vận hành. Đây là chủ trương đúng và trúng, không chỉ dựa trên tiềm năng, lợi thế của một xã sau sáp nhập, mà còn phát huy tính chủ động của người dân trong việc phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Xã phấn đấu đến cuối năm 2025 giá trị sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp đạt 765 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 92 triệu đồng/người/năm”.
Năm 2021, sau khi được công nhận là xã nông thôn mới kiểu mẫu, Quảng Tân xác định mục tiêu của xây dựng nông thôn mới chính là nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân. Đến nay, xã Quảng Tân đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, bảo đảm chất lượng, an toàn, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Xã đã chủ động thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Điển hình là Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng Đầm Hà đầu tư hàng chục tỷ đồng, xây dựng nhà màng, sản xuất rau an toàn theo hướng ứng dụng công nghệ cao, với các sản phẩm như: Dưa chuột baby, dưa lưới, dưa lê Hàn Quốc và rau xanh các loại. Sản phẩm được trồng theo quy trình VietGAP, doanh thu đạt từ 4 đến 6 tỷ đồng/năm, giải quyết được việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.
Quảng Tân cũng là xã đi đầu thực hiện mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Trong đó, mô hình liên kết trong sản xuất con giống và nuôi gà bản thương phẩm đã thu hút đông đảo các hộ nông dân trên địa bàn xã, huyện tham gia. Điển hình là hợp tác xã Tuyền Hiền ở thôn Tân Hòa đã sản xuất thành công giống gà bản bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, hằng năm cung cấp 200.000 con gà giống cho thị trường, đồng thời liên kết với các hộ dân trên địa bàn huyện nuôi gà bản thương phẩm với quy trình khép kín từ con giống, kiểm soát thức ăn đến đầu ra, mỗi năm cho thu nhập hàng chục tỷ đồng.
Hiện xã đang đẩy nhanh tiến độ thành lập khu nông nghiệp công nghệ cao chăn nuôi bò sữa để phát huy tiềm năng, tiếp tục hoàn thiện thủ tục để thực hiện dự án khu chăn nuôi lợn tập trung. Quảng Tân đang tập trung phát triển lâm nghiệp bền vững, thực hiện trồng rừng, chăm sóc và khai thác rừng theo phương pháp bền vững; vận động các tổ chức, cá nhân tập trung trồng rừng gỗ lớn, mở rộng diện tích trồng cây quế và các cây bản địa có giá trị cao nhằm nâng cao giá trị gỗ rừng trồng theo hướng bền vững.
Ông Tạ Ngọc Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã Thương mại, dịch vụ và sản xuất nông, lâm, thủy sản Tuấn Hùng cho biết: “Doanh nghiệp rất phấn khởi và đồng thuận với định hướng phát triển mà cấp ủy, chính quyền địa phương đã đề ra ngay khi xã Quảng Tân mới đi vào hoạt động. Hiện Hợp tác xã Tuấn Hùng đã triển khai mô hình trồng chanh leo hữu cơ, đầu tư hệ thống thiết bị tiên tiến phục vụ xay sát gạo Bao Thai đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân”.
Diện mạo nông thôn ở Quảng Tân đang chuyển biến tích cực, ngày càng văn minh, hiện đại hơn. Xã có hệ thống truyền thanh thông minh phục vụ công tác tuyên truyền, 100% các nhà văn hóa thôn được lắp đặt hệ thống wifi công cộng phục vụ nhân dân; camera được lắp đặt tại các ngã ba, ngã tư góp phần bảo đảm an ninh trật tự. Các thiết chế văn hóa được khai thác và phát huy hiệu quả. Nhiều câu lạc bộ văn hóa như: câu lạc bộ hát soóng cọ, văn nghệ dân gian, dân vũ, bóng chuyền… được thành lập, thu hút đông đảo người dân tham gia. Đây là những yếu tố góp phần xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, điển hình giàu bản sắc truyền thống.