Khu vực ven biển Tiền Hải có nguồn nguyên liệu dồi dào, mật độ dân số cao, phần lớn người dân làm nông nghiệp. Ngoài thời vụ, số lao động dư thừa không có việc làm nên đời sống khó khăn. Từ xa xưa, các thế hệ cha ông có nghề truyền thống đan ró nhưng do sự cạnh tranh của thị trường nên có nguy cơ chậm phát triển.
Nhận thấy tiềm năng của nghề truyền thống nếu biết khai phá, phục hồi thì dư địa phát triển rất lớn, bà Ngắn đã mày mò tìm hiểu, kết nối bạn hàng và được chính quyền địa phương hỗ trợ để khôi phục lại làng nghề.
Ban đầu, do thiếu vốn sản xuất và chưa tiếp cận được thị trường lớn, bà Ngắn chỉ làm thủ công các sản phẩm đơn lẻ như ró, bị, cặp học sinh và mũ cói, sau đó mang bán tại các chợ làng quê. Đến năm 2004, bà quyết định thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Xuất nhập khẩu Hàng thủ công mỹ nghệ Tây An.
Để bảo đảm sản phẩm được làm thủ công hoàn toàn và có đủ nhân lực, mỗi năm bà chi hàng trăm triệu đồng để tổ chức các lớp dạy nghề miễn phí. Những lớp học này đặc biệt ưu tiên người có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật và trẻ em mồ côi, với mong muốn giúp họ có công việc ổn định và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Theo Sở Công thương tỉnh Hưng Yên, một trong những yếu tố tạo nên thành công của công ty là mẫu mã sản phẩm luôn được chú trọng. Hiện mỗi năm, đội ngũ thiết kế của công ty đưa ra thị trường khoảng 20 mẫu mới, tính đến nay Tây An đang sở hữu khoảng 300 mẫu sản phẩm. Các sản phẩm này luôn có sự kết hợp hài hòa và bắt kịp xu hướng màu sắc thịnh hành trong năm.
Cùng đó, các sản phẩm thường ưu tiên sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc thiên nhiên, thân thiện với môi trường do đó được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Đơn cử, sản phẩm làn cói nguyên mẫu được đan bằng sợi cói tự nhiên, màu sắc không đẹp, bà Ngắn cùng cộng sự đã cải biên thêm sợi giấy nhập khẩu từ Hồng Kông (Trung Quốc) giúp sản phẩm có độ mềm, độc đáo được khách hàng châu Âu rất thích thú, ưa chuộng.
Năm 2016, bà Phạm Thị Ngắn được Chủ tịch nước trao danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Bằng bàn tay, khối óc tài hoa hiếm có, bà tiếp tục “cầm tay chỉ việc” cho người dân. Mỗi năm có từ 30-40 lớp học miễn phí được duy trì ngay tại xưởng sản xuất, sau đó công ty cấp phát nguyên liệu về tận các gia đình để triển khai thực hiện các mẫu mã sản phẩm theo từng yêu cầu của khách hàng.
Khi đã hoàn thành, công ty bố trí các chuyến xe đi thu gom sản phẩm về để xuất bán trên thị trường trong và ngoài nước. Hiện nay, Tây An đã có khoảng 5.000 lao động “vệ tinh” thường xuyên làm việc từ xa đến từ các địa phương trong tỉnh như: Ninh Bình, Thanh Hóa, Hải Phòng.
Tham quan hệ thống nhà xưởng khang trang nằm tại thôn Trung Tiến, xã Tiền Hải, bà Ngắn giới thiệu từng sản phẩm rất đỗi thân thuộc, bình dị như: Hộp bút, túi xách, giỏ đựng rác… hoàn toàn làm bằng nguyên liệu tự nhiên có trong đời sống như bèo, cói và dây giấy.
Các sản phẩm này thân thiện với môi trường, có nhiều kiểu dáng khác nhau, được thiết kế bắt mắt nên khách hàng nước ngoài đánh giá cao. Mỗi khi có đoàn khách đến tìm hiểu, giao dịch, bà Ngắn chủ động bố trí dẫn đi xem người dân trực tiếp thực hiện các công đoạn bằng tay, không sử dụng máy móc, thiết bị hỗ trợ. Đây là điểm khác biệt làm nên sự tò mò, thích thú cho các đối tác đến thu mua sản phẩm.
Với cách làm bài bản, khoa học, 5 năm gần đây, sản phẩm của Tây An đều được Bộ Công thương vinh danh là sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia. Năm 2023, các sản phẩm chủ lực của công ty gồm: Bộ sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói gồm giỏ cói họa tiết hoa chéo, giỏ cói thêu mắt trâu, giỏ cói họa tiết cầu vồng được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
Ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Công thương địa phương (Bộ Công thương) cho biết: Những năm gần đây, doanh nghiệp của bà Phạm Thị Ngắn là một trong những điểm đến của các nhà nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ từ Hồng Kông (Trung Quốc), EU, Nhật Bản, Thái Lan. Bình quân mỗi năm, Công ty Tây An xuất khẩu khoảng 30 tỷ đồng giá trị hàng hóa, riêng năm 2017 và 2024 do có đột biến về số lượng đơn đặt hàng, nên doanh thu của công ty lên tới gần 50 tỷ đồng.
Theo bà Ngắn, cùng với việc liên tục thay đổi mẫu mã sản phẩm thủ công, dùng toàn bộ nguyên liệu thân thiện với môi trường thì từ khi được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao đã giúp nâng cao giá trị sản phẩm và thương hiệu của doanh nghiệp lên gấp nhiều lần, giúp doanh nghiệp phát triển và nâng cao thu nhập cho người lao động.