Nhu cầu cần phải chuyển đổi
Hiện nay, cả nước có hơn 5 triệu hộ kinh doanh, đóng góp xấp xỉ 30% GDP, tạo ra hơn 10 triệu việc làm. Tuy nhiên, phần lớn khu vực này chưa được ghi nhận đầy đủ trong hệ thống thống kê chính thức và chỉ đóng góp khoảng 1,6% tổng thu ngân sách nhà nước.
Việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp đã được Nhà nước khuyến khích trong nhiều năm qua, tuy nhiên tiến độ thực hiện còn rất hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do các rào cản về thủ tục pháp lý, chi phí vận hành, năng lực quản trị, cùng với sự thiếu hụt các công cụ hỗ trợ số hóa phù hợp với trình độ của hộ kinh doanh nhỏ.
Trong khi đó, một bộ phận lớn hộ kinh doanh cá thể ở Việt Nam hiện nay thực chất đã đạt quy mô tương đương doanh nghiệp vừa và nhỏ. Từ thực tế có hàng triệu xe tải đang hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách với hình thức hộ cá thể; hàng chục nghìn chuỗi nhà hàng có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi tháng, sử dụng hàng trăm lao động; nhiều hộ sản xuất, thương mại điện tử, trang trại nông nghiệp có mô hình kinh doanh phức tạp, doanh số cao, nhưng vẫn duy trì tư cách hộ kinh doanh cá thể do thiếu cơ chế chuyển đổi mềm, đơn giản và an toàn.
Hộ kinh doanh chiếm gần 60% GDP của khu vực tư nhân, nhưng chỉ đóng góp khoảng 5,3% phần thu ngân sách mà khu vực tư nhân đóng góp. Thực tế, hộ kinh doanh chiếm phần lớn GDP tư nhân nhưng nghĩa vụ thuế, chỉ nộp ở mức rất thấp dẫn đến tình trạng thất thu ngân sách kéo dài, giảm nguồn lực cho đầu tư công, an sinh xã hội.
Hiện tại, hộ kinh doanh đóng góp xấp xỉ 30% GDP, tuy nhiên phần lớn hoạt động không được phản ánh đầy đủ trong thống kê chính thức do thiếu hóa đơn, sổ sách, kiểm soát tài chính. Khi chuyển sang mô hình doanh nghiệp, toàn bộ hoạt động kinh tế sẽ được ghi nhận minh bạch, giúp nâng cao chỉ tiêu GDP thực chất và chính xác hơn, đồng thời cải thiện năng lực hoạch định chính sách vĩ mô.
Hộ kinh doanh hiện chỉ đóng góp khoảng 1,6% tổng thu ngân sách, chủ yếu qua thuế khoán. Nếu trở thành doanh nghiệp, họ sẽ thực hiện nghĩa vụ về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm xã hội… từ đó mở rộng cơ sở thuế bền vững, giảm gánh nặng lên khu vực doanh nghiệp hiện hữu, góp phần tăng thu ngân sách theo hướng công bằng, minh bạch.
Khi hoạt động dưới mô hình doanh nghiệp, các hộ kinh doanh có điều kiện tiếp cận tín dụng dễ hơn, ứng dụng công nghệ số, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh và vận hành minh bạch và chuyên nghiệp hơn.
Việc chuyển đổi sang doanh nghiệp sẽ thúc đẩy ký kết hợp đồng lao động, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giúp người lao động được bảo vệ quyền lợi đầy đủ. Giảm tỷ lệ lao động không chính thức, góp phần nâng cao chất lượng thị trường lao động quốc gia.
Sự mở rộng khu vực kinh tế chính thức sẽ giúp Việt Nam nâng cao chỉ số minh bạch tài chính, chỉ số môi trường kinh doanh, tăng cường uy tín quốc gia, đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) có chất lượng cao hơn.
Trong khi khu vực doanh nghiệp tư nhân đóng góp khoảng 8% GDP, thì khu vực hộ kinh doanh cá thể đóng góp đến 30% GDP, nhưng lại chịu ít chính sách phát triển tương ứng. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có giải pháp tiếp cận mới, linh hoạt và hiệu quả hơn trong việc nâng cấp khu vực hộ cá thể thành lực lượng doanh nghiệp chính thức của nền kinh tế.
Nếu quá trình chuyển đổi hơn 5 triệu hộ kinh doanh hiện nay sang mô hình doanh nghiệp được thực hiện một cách bài bản, có kiểm soát và hỗ trợ thích đáng, nền kinh tế Việt Nam sẽ tạo nhiều chuyển biến tích cực, mang tính chiến lược lâu dài.
Tại Nghị quyết Số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025, của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã nêu rõ: “…Rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về kinh doanh cá thể; thu hẹp tối đa sự chênh lệch, tạo mọi điều kiện thuận lợi về tổ chức quản trị và chế độ tài chính, kế toán để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Đẩy mạnh số hóa, minh bạch hóa, đơn giản hóa, dễ tuân thủ, dễ thực hiện đối với chế độ kế toán, thuế, bảo hiểm... để khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp”.
Vì vậy, việc hình thành mô hình kinh tế phù hợp, giúp hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp là cần thiết, phù hợp chủ trương, đường lối của Đảng.
“Doanh nghiệp, hợp tác xã phải làm chủ những công nghệ hiện đại nhất, bảo vệ sự bền vững giúp quốc gia hưng thịnh. Doanh nghiệp, hợp tác xã bền vững cần phải phát triển kinh tế số bằng các ứng dụng số, ứng dụng chuyển đổi số cho các ngành. Doanh nhân, hợp nhân tri thức sẽ là người làm việc này”.
Trích cuốn sách “Con đường tương lai” của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Tuấn

Đề xuất mô hình hợp tác xã điện tử
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Tuấn, Viện Khoa học Giáo dục và Môi trường, để góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, cần thiết phải có mô hình trung gian, vừa tạo điều kiện cho hộ kinh doanh vận hành theo tiêu chuẩn doanh nghiệp, vừa giảm nhẹ rủi ro và chi phí chuyển đổi.
Chính vì vậy, chúng tôi đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ mô hình hợp tác xã điện tử –một hình thức tổ chức trung gian, ứng dụng công nghệ số với mục tiêu: Hỗ trợ hộ kinh doanh số hóa hoạt động; vận hành kế toán, thuế, hóa đơn chung; thiết lập tài khoản ví điện tử gắn với hợp tác xã để minh bạch dòng tiền, tiến tới thanh toán không dùng tiền mặt; tạo nền tảng kết nối thị trường, công nghệ, tài chính; và đặc biệt, từng bước chuyển đổi mềm hộ kinh doanh thành công ty trong lòng hợp tác xã, một cách tự nhiên, an toàn và bền vững
Mô hình phát triển công ty trong hợp tác xã điện tử không chỉ là mô hình tổ chức lại khu vực kinh tế cá thể, mà còn là một bước tiến trong chiến lược phát triển kinh tế tư nhân hiện đại, hội nhập, có tổ chức, phù hợp với định hướng Đảng, Nhà nước và Chính phủ.
Hợp tác xã điện tử giúp tổ chức lại khu vực hộ cá thể một cách có kiểm soát, có số hóa, có minh bạch và có lộ trình chuyển đổi mềm sang doanh nghiệp khi đủ điều kiện. Hợp tác xã điện tử có sự tham gia, liên kết của những thành phần sau:
Nhà Nghiên cứu: Gồm các viện, trung tâm nghiên cứu, nơi tập hợp các chuyên gia đầu ngành, xây dựng mô hình quản trị và kế hoạch phát triển kinh tế dựa trên tri thức, khoa học công nghệ và các kịch bản ứng phó rủi ro.
Nhà Dân: Là các hộ kinh doanh cá thể tham gia vào hợp tác xã điện tử – hình thức kinh tế tập thể hiện đại, linh hoạt, giúp minh bạch hóa và chuyên nghiệp hóa hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhà Đầu tư: Là các thành viên, công ty trong hợp tác xã, đồng thời góp vốn, góp sức xây dựng phát triển kinh tế chung.
Ba nhà này hình thành một hệ sinh thái liên kết, cùng sở hữu, cùng điều hành và cùng hưởng lợi phát triển bền vững dựa trên nền tảng kinh tế tri thức.
Hợp tác xã trở thành nền tảng công nghệ số để hộ kinh doanh gia nhập, từ đó từng bước chuyển đổi thành doanh nghiệp trong khuôn khổ hợp tác xã. Trong hợp tác xã có các viện nghiên cứu và trung tâm ứng dụng công nghệ, hỗ trợ về mô hình quản trị, kỹ thuật số, đổi mới sáng tạo và tiếp cận thị trường.
Việc nâng đỡ khu vực kinh tế hộ và kinh tế hợp tác sẽ tạo ra một thực tiễn mới là khi có chính sách khuyến khích phù hợp, các hộ kinh doanh sẽ có xu hướng liên kết lại để thành lập hợp tác xã là một hình thức tổ chức thuộc thành phần kinh tế tập thể.
Nếu hợp tác xã được tổ chức tốt, có viện nghiên cứu, trung tâm ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, biết cách vận dụng kinh tế số để quản trị thành viên, thì chính hợp tác xã sẽ trở thành hệ sinh thái nâng đỡ các hộ kinh doanh cá thể vươn lên tầm cao mới.
Từ đây, hợp tác xã sẽ đóng vai trò trung gian, từng bước giúp các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp nhưng vẫn duy trì sự kết nối trong lòng hợp tác xã. Đây chính là con đường chuyển đổi mềm, vừa phát triển được lực lượng doanh nghiệp, vừa giữ được tính cộng đồng và bền vững của kinh tế hợp tác.
Hộ kinh doanh gia nhập vào các hợp tác xã điện tử chuyển đổi số là một giải pháp rất tiềm năng và phù hợp với thực tiễn Việt Nam, nhất là trong bối cảnh đa số hộ cá thể ngại chuyển đổi lên doanh nghiệp vì nhiều rào cản. Đây là giải pháp “trung gian thông minh” giữa hộ cá thể và doanh nghiệp, giúp hàng triệu hộ kinh doanh từng bước vào nền kinh tế số và khu vực chính thức mà không bị ép buộc hay chịu gánh nặng hành chính.
Hợp tác xã điện tử vận hành theo Luật Hợp tác xã, kết hợp công nghệ số để cung cấp cho thành viên (hộ cá thể) các dịch vụ: Kế toán số, xuất hóa đơn thay mặt, hợp đồng điện tử; ví con tài chính riêng trong tài khoản hợp tác xã, minh bạch giao dịch; tư vấn thuế, chuyển đổi mô hình, đào tạo kỹ năng quản trị; liên kết ngân hàng để tạo lịch sử tín dụng hộ kinh doanh; lợi ích của giải pháp này vẫn giữ được bản chất cá thể, tránh tâm lý "sợ thành công ty".
Hộ cá thể được hưởng lợi từ nền tảng số chung của hợp tác xã điện tử có thể cung cấp các nền tảng công nghệ, phần mềm quản lý bán hàng, kho, đơn hàng, hóa đơn; cổng thanh toán – ví điện tử (Hỗ trợ hộ cá thể vay vốn, mua trước trả sau, cho vay ngang hàng); nền tảng thương mại điện tử nội bộ; dịch vụ tư vấn pháp lý, thuế, marketing, logistics.
Hộ cá thể được chia sẻ hạ tầng công nghệ giảm chi phí, được dùng chung hệ thống của hợp tác xã điện tử (hạ tầng công nghệ, kế toán, pháp lý, logistic, quảng cáo…). Các thành viên trong hợp tác xã cùng đàm phán giá sỉ, cùng chia sẻ mặt bằng, cùng đăng ký thương hiệu chung và riêng…
Về cơ chế vận hành theo hình thức hợp tác xã điện tử có thể do tư nhân hoặc kết hợp giữa Nhà nước và tư nhân sáng lập. Hợp tác xã điện tử vận hành qua nền tảng số (app/web) giúp số hóa toàn bộ hoạt động hộ kinh doanh; có các tổ kế toán, pháp lý, kỹ thuật, marketing để hộ lựa chọn sử dụng; áp dụng công nghệ như chữ ký số, ví điện tử, hợp đồng điện tử, e-invoice… Hợp tác xã huy động nguồn vốn, huy động vốn xã hội hóa theo quy định của nhà nước tạo quỹ đầu tư khởi nghiệp cho hộ cá thể, chuyển đổi các hộ cá thể chuyển đổi thành các doanh nghiệp trong lòng hợp tác xã.
Trong thời gian tới, đề nghị các cơ quan chức năng cho phép nghiên cứu, thí điểm triển khai mô hình hợp tác xã điện tử nhằm hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi mềm sang mô hình doanh nghiệp, góp phần mở rộng khu vực kinh tế chính thức, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế tập thể hiện đại.
Nếu được áp dụng mô hình hợp tác xã điện tử thành công, đến năm 2030, mô hình này kỳ vọng sẽ giúp hơn 5 triệu hộ kinh doanh hiện nay chuyển đổi thành doanh nghiệp, góp phần tăng trưởng GDP, mở rộng nguồn thu ngân sách và tạo hàng triệu việc làm cho xã hội.
Ngày 18/7/2025, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 6708/VPCP-ĐMDN thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng về đề xuất của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Tuấn đang công tác tại Viện Khoa học Giáo dục và Môi trường về việc triển khai mô hình hợp tác xã điện tử, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ để chuyển đổi mềm hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp mở rộng năng lực khu vực kinh tế tư nhân. Phó Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính chủ trì với Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu ý kiến đề xuất nêu trên trong quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến kinh doanh cá thể, hộ kinh doanh…