Miền đất hứa trong Kinh Thánh.
Miền đất hứa trong Kinh Thánh.

Bản sắc

Cây olive giữa bão táp

Majed đón chúng tôi ở Amman, với câu chuyện mở đầu về những cây olive. “Có 21 triệu cây olive ở Jordan”, Majed bảo. Nhành olive - biểu tượng của hòa bình, là thứ cây phổ biến nhất ở một quốc gia Arab không dầu mỏ, ở nơi có biên giới với các cuộc xung đột nóng nhất Trung Đông.

Miền đất hứa

Đỉnh núi Nebo nằm cách thủ đô Amman không xa. Đó là vị trí mà nhà tiên tri Moses nhìn thấy miền đất hứa. Đất nước 97% người theo Đạo Hồi nhưng lại có một đỉnh núi với hành trình lịch sử của người Thiên Chúa giáo. Kinh Thánh ghi lại rằng, nhà tiên tri Moses được Chúa trao cho sứ mệnh đưa đoàn người Do Thái thoát khỏi sự cai trị của các Pharaoh Ai Cập. Và đỉnh Nebo là nơi kết thúc hành trình ấy.

Núi Nebo, cao hơn 800 mét, là vị trí có thể nhìn thấy toàn bộ Amman và vùng lân cận. Mùa hè, Jordan bắt đầu bước vào những ngày không mưa kéo dài. Trời không một gợn mây. Theo sách Phục truyền luật lệ ký, Chúa phán với Moses rằng: “Ngươi sẽ nhìn thấy nó (miền đất hứa - PV) tận mắt, nhưng ngươi sẽ không qua đó được”. Moses không bao giờ bước vào miền đất hứa. Đó là định mệnh của ông. Từ đỉnh núi Nebo, người ta có thể nhìn về phía tây để thấy sông Jordan uốn lượn và vùng Biển Chết lấp loáng. Truyền thống Do Thái, Kitô giáo và Hồi giáo đều coi nơi này là linh thiêng. Phía xa là dãy núi Judea biên giới, chẳng ai có thể nghĩ bình nguyên bao la và im ắng trước mặt kia là một Jerusalem đầy bất ổn, một Bờ Tây sông Jordan vang tiếng súng suốt nhiều thập kỷ, và những xung đột từ âm ỉ tới công khai của các quốc gia Syria, Palestine, Israel, Lebanon.

Moses chỉ dừng lại trên đỉnh Nebo, nhìn qua đồng bằng Moab để ngắm miền đất phía xa, trước khi trút hơi thở cuối cùng. Miền đất hứa đó, ngày nay vẫn đang phập phồng bởi các cuộc xung đột liên miên. Bởi thế, Nebo giống như biểu tượng của niềm tin bị ngăn cách. Chúng ta có thể đứng đó, nhìn thấy nó, nhưng không thể đến gần.

Nơi đây, năm 2000, Giáo hoàng John Paul II đã tới hành hương. Trong chuyến đi ấy, ông trồng một cây olive như một hành động tượng trưng cho hòa bình giữa các dân tộc.

Majed nói anh đã từng đến gần hết các quốc gia Arab, kể cả Syria, Palestine. “Nhưng chưa tới dải Gaza. Đó là mong ước, hy vọng một ngày nào đó tôi sẽ tới đó”. Majed là một cựu sinh viên ngành du lịch của ĐH Quốc gia Jordan. Với một người đam mê xê dịch, lại là một người Arab, anh luôn khao khát được đặt chân tới hết các vùng đất của người Arab.

z6701811262404-7944d7363a5a56b9141874c23d2e04f2.jpg
Một góc thủ đô Amman.

Jordan giống như một cây olive nhỏ, nằm giữa gió xoáy của Palestine, Syria, Iraq và Saudi Arabia. Jordan nằm bên rìa vùng Canaan cổ đại, là một phần không thể thiếu trong những bản đồ tôn giáo lẫn khảo cổ. Cách núi Nebo chưa đầy 40km là thủ đô Amman, một thành phố hiện đại nhưng nằm trên những tầng lớp lịch sử chồng chất. Tại di chỉ Ain Ghazal (phát hiện năm 1981), các nhà khảo cổ tìm thấy hơn 30 tượng người bằng thạch cao có niên đại 8.000–6.000 TCN, trong trạng thái gần như nguyên vẹn. Những bức tượng này hiện lưu giữ tại Bảo tàng Jordan và Bảo tàng Louvre, cho thấy vùng Amman từng là một trung tâm văn hóa lớn từ thời đồ đá mới. Trong các di chỉ cùng thời kỳ ở Thổ Nhĩ Kỳ, Palestine, người ta đều không tìm thấy những bức tượng có kích thước lớn như vậy.

Jordan từng là ngã ba của các luồng văn minh lớn: Ai Cập cổ đại, Lưỡng Hà, và văn minh Levant. Trong đó, Petra, thành phố đá đỏ phía nam, là minh chứng ấn tượng nhất. Từng là thủ đô của vương quốc Nabatean (Thế kỷ 3 TCN tới năm 106 CN), Petra nổi bật với những kiến trúc tinh xảo khắc trên vách núi, những dấu ấn thuỷ lợi tinh vi, độc đáo. Người Nabatean kiểm soát tuyến giao thương hương liệu từ Arab đến Địa Trung Hải. Petra vì vậy không chỉ là một kỳ quan, mà là một trung tâm công nghệ và kinh tế của thời cổ.

Với vị trí địa lý và văn hóa như thế, Jordan là đất nối của sa mạc và đồng bằng, là nơi trung chuyển các giấc mơ. Đó là giấc mơ về miền đất hứa, về hòa bình, về một Trung Đông không có súng đạn.

Sa mạc sau lưng

Bộ phim giành giải Oscar 2022 cho Hiệu ứng hình ảnh đẹp nhất: Dune, đã chọn Jordan làm bối cảnh cho các cảnh quay hoành tráng của mình. Bởi vậy, cuộc sống hành tinh cát, dường như có điều gì gợi nhớ về thời kỳ những chiến binh Arab, trong cuộc đấu tranh với người Ottoman hàng trăm năm.

z6701817076077-d61c2b0572865394167649d5afc29939.jpg
Dấu tích đường xe lửa Hejaz ở sa mạc Wadi Rum.

75% diện tích của Jordan là sa mạc. Đế quốc Ottoman khi xây dựng hệ thống phòng thủ đã cho rằng không ai có thể vượt qua cả ngàn cây số sa mạc để tấn công vào trung tâm, nên họ chỉ đề phòng phía Vùng Vịnh. Tất cả các nòng pháo được thiết kế để hướng ra biển. Và họ phải trả giá. Năm 1917, các lực lượng Arab nổi dậy đã tiến đánh Ottoman từ phía sa mạc Wadi Rum, kết thúc bởi trận Aqaba, phá vỡ đế chế hùng mạnh suốt nhiều thế kỷ tại lãnh thổ Jordan và tạo ra hiệu ứng Domino cho một loạt nhà nước Arab độc lập khác sau này.

Dấu ấn Ottoman vẫn còn lưu lại trên sa mạc Wadi Rum là tuyến đường sắt xuyên sa mạc, từng nối Damascus (Syria) với Medina (Saudi Arabia). Hơn một thế kỷ trước, vào năm 1900, Sultan Abdul Hamid II khởi công xây dựng đường sắt Hejaz, với mục tiêu hành hương Mecca dễ dàng hơn, và có thể thắt chặt quyền kiểm soát đế chế Ottoman tại bán đảo Arab. Tuyến đường dài gần 1.300km, chạy xuyên qua lãnh thổ ngày nay là Syria, Jordan, Saudi Arabia, là kỳ tích hạ tầng trong thế giới Hồi giáo thời ấy. Tại Jordan, tuyến đường đi qua Ma’an, Wadi Rum, và Aqaba, để rồi tiếp tục xuống Hijaz.

Ngày nay, giữa những tảng đá dựng đứng của Wadi Rum, du khách vẫn có thể thấy trạm xe lửa Ottoman cũ, đầu máy hơi nước phủ bụi, những đoạn ray hoen gỉ – như một ký ức ngủ quên giữa cát. Đang có một dự án tái khởi động lại tuyến đường này. Tuyến đường sắt Arab (Arab Railway Network), nối từ Aqaba (Jordan) tới Damascus (Syria), tiếp tục sang Iraq và Saudi Arabia. Mục tiêu là hồi sinh tuyến vận tải khu vực, kết nối các quốc gia không giáp biển với các cảng lớn, mở rộng thương mại nội khối Arab.

z6701805163438-2bdf7fa3ccfaf5f75cb253ccf7049388.jpg
Một món bánh truyền thống của người Jordan.

Dự án này đã được các nước khu vực thảo luận từ sau 2003, và đến năm 2021, Jordan đã ký biên bản hợp tác với Iraq để triển khai tuyến Baghdad – Aqaba. Trong khi đó, tuyến cũ từ Amman về Syria (từng thuộc Ottoman) cũng được khảo sát phục hồi, dù vướng nhiều yếu tố an ninh. Majed bảo đó có thể là một dấu hiệu hoà bình, rằng một ngày nào đó, anh có thể đi tàu hoả từ Jordan tới Syria.

Với Jordan – quốc gia không có mỏ dầu, không có trữ lượng khí đốt lớn – thì những con đường sắt là cửa ngõ hiếm hoi để bước ra thế giới. Từ sa mạc hoang vắng của Wadi Rum, người ta vừa nhìn được quá khứ đổ vỡ, và nhìn thấy sự đặt cược vào những toa tàu tương lai.

Cây olive trên sa mạc

Trong hành trình dọc Jordan, chúng tôi đi qua Ghor al-Mazra’ah, cách Biển Chết chưa đầy nửa giờ lái xe, giữa những triền cát bạc màu và gió khô rát, có những vườn olive trải dài. Đó là vùng phát triển nông nghiệp nhất nhì Jordan, và kỳ lạ, nó nằm giữa con đường từ sa mạc tới Biển Chết, nơi vốn dĩ chẳng cây cỏ nào tồn tại được. Cây trồng ở Ghor al-Mazra’ah cũng vô cùng phong phú. Mỗi năm chỉ có một tháng mưa, nhưng cũng vì vậy mà cây olive lại sinh trưởng tốt ở đây. Trong những thân cây xoắn vặn ấy, là ký ức ngàn năm và sự nhẫn nại nơi ngã ba lịch sử.

Olive là loài cây sống dai. Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Jordan, nước này có khoảng 21 triệu cây olive, chiếm hơn 72% diện tích cây trồng lâu năm, và sản xuất khoảng 25.000 – 30.000 tấn dầu olive mỗi năm. Hơn một nửa số đó được xuất khẩu đi Châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản.

Trong bối cảnh tài nguyên nước cạn kiệt và đất đai sa mạc hóa, Jordan đã lựa chọn nông nghiệp sạch làm một trong những mũi nhọn chiến lược. Những vùng như Ghor al-Mazra’ah hay Irbid được đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, giống cây phù hợp khí hậu, và chương trình chứng nhận hữu cơ. Người nông dân được đào tạo từ các tổ chức như USAID hay FAO để nâng cao năng suất nhưng vẫn giữ chất lượng tự nhiên.

z6701821359264-ce0300667e5f188f8a38173e59e05cf0.jpg
Thành cổ Petra.

Điều đáng nói là trong một vùng đầy biến động, Jordan vẫn duy trì được thương hiệu ổn định điều kiện vàng để xuất khẩu nông sản. Dầu olive Jordan vì thế đảm bảo chất lượng lẫn độ “an toàn về địa chính trị”. Trong một chai dầu, có cả hương vị, khí hậu, và sự trung lập hiếm hoi của một quốc gia không có dầu mỏ, nhưng biết dùng olive để xây dựng hình ảnh.

Majed nói điều may mắn là từ sau năm 1968, Jordan tương đối hoà bình. Sau sự kiện chia cắt hai bờ sông Jordan, đất nước này giữ một vị trí trung lập tương đối hiệu quả. Dù thế, nhưng căng thẳng Trung Đông cũng ảnh hưởng lớn tới quốc gia mà du lịch chiếm tới hơn 15% GDP quốc gia này. Năm 2024, lượng khách du lịch tới Jordan giảm 3,9% so với năm 2023.

Từ Petra, một trong 7 kỳ quan thế giới mới, đến Wadi Rum, phim trường Hollywood, từ các nhà tắm bùn Biển Chết cho đến thánh địa Mt Nebo, Jordan khéo léo biến từng mảnh đất thành một phần kể chuyện. Khác với nhiều nước Arab, Jordan không đóng cửa, không đưa ra các điều luật ngặt nghèo với du khách. Họ Arab mở biên, mở lòng, mời thế giới đến để chiêm ngưỡng và để hiểu. Người Jordan kể chuyện bằng chất giọng nhẹ như thầm thì, bằng chén trà bạc hà, bằng lát bánh mì chấm dầu olive rưới za’atar, một vài hơi sisha. Nếu hụt hẫng bởi sự scam ở Ai Cập, hay bất an với những xung đột làm các chuyến bay delay hay huỷ bất thường ở Israel, Iran, thì Jordan là một lựa chọn an toàn và ổn định. Người Jordan làm du lịch rõ ràng và thân thiện. Họ không đòi tiền lẻ, họ kiếm tiền từ các dịch vụ thu hút.

Ở vùng Madaba, nơi trung tâm của đế quốc Ottomạn ngày xưa thịnh hành một bức tranh mosaic có tên Cây đời. Đó là một bức tranh một cây olive tán rộng. Cây olive rụng lá, những chú hươu nai ăn lá đó, rồi chúng bị sư tử ăn thịt, những con vật chết đi, lại thành nguồn dinh dưỡng nuôi cây. Đó là một vòng tròn, cũng là những thứ nhân quả cuộc sống.

z6701824507913-da7287eb80057f8fdb8a8b4cf0fdf690.jpg
Làm tranh mosaic ở Madaba.

Majed nói người Hồi giáo Jordan cởi mở hơn rất nhiều. “50% phụ nữ Jordan không thích trùm khăn kín đầu nữa”, anh chia sẻ khi dẫn chúng tôi tới khu Downtown của Amman, thưởng thức món ăn vặt đặc trưng của người Jordan. Đó là một chiếc bánh ngọt, rắc đầy mật ong và dừa nạo. Ngay cả khi tin tức về những cuộc tấn công ở Trung Đông vẫn tràn ngập trên các phương tiện truyền thông, thì giữa quốc gia này, chúng ta vẫn có thể tận hưởng một chút ngọt ngào, và tin vào những cành olive hoà bình lấp lánh như trên đỉnh núi Nebo.

Xem thêm