Lưu vực sông Hồng-sông Thái Bình là lưu vực sông liên quốc gia chảy qua ba nước Việt Nam, Trung Quốc, Lào với diện tích tự nhiên 169.000km2, phần nằm ở nước ta là 88.680km2. Trong đó, sông Hồng được hình thành từ ba sông nhánh lớn là Đà, Lô và Thao; sông Thái Bình hình thành từ ba nhánh sông lớn là Cầu, Thương và Lục Nam.
Trưởng Phòng Quy hoạch thủy lợi Bắc Bộ (Viện Quy hoạch thủy lợi) Nguyễn Văn Tuấn cho biết: Trên toàn lưu vực có 22.620 công trình thủy lợi, gồm 2.461 hồ chứa, 16.826 đập dâng, 2.652 trạm bơm, 681 cống, 66.000km kênh mương, 2.500 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung. Các công trình thủy lợi phục vụ tưới chủ động cho khoảng 857.300ha đất sản xuất nông nghiệp, 151.000ha nuôi trồng thủy sản và cung cấp khoảng 0,87 tỷ m3 nước cho sinh hoạt, công nghiệp; tiêu, thoát nước cho khoảng 1,37 triệu ha đất nông nghiệp.
Ngoài ra, hệ thống hồ chứa còn bảo đảm phòng, chống lũ với dung tích cắt, giảm lũ cho hạ du khoảng 8,45 tỷ m3. Cùng với đó là hệ thống đê dài 2.108km, 744,8km kè và các công trình phòng, chống lũ nội vùng bảo vệ hơn 18 triệu dân, một triệu ha đất sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, những năm gần đây do suy thoái lòng dẫn, mực nước các hệ thống sông trên lưu vực sông Hồng-sông Thái Bình ngày càng bị hạ thấp trầm trọng. Thống kê cho thấy, mực nước từ năm 1990 đến nay có xu thế giảm mạnh, trong đó giai đoạn 2010-2022 ở hạ lưu sông Đà giảm từ 22 đến 26cm/năm, vùng hạ lưu sông Thao từ 7 đến 10cm/năm, hạ lưu sông Lô từ 30 đến 60cm/năm; trên sông Hồng tại Hà Nội giảm khoảng 1 đến 5cm/năm. Đối với sông Thái Bình, mực nước giảm tại Phả Lại, Phú Lương khoảng 1 đến 2cm/năm, ở vùng cửa sông từ 2 đến 3cm/năm.
Mặt khác, khu vực cửa sông, ven biển do mực nước hạ thấp ở phía thượng lưu và phân lưu dòng chảy dẫn đến xâm nhập mặn lấn sâu vào vùng đồng bằng từ 30 đến 45km, ảnh hưởng đến việc lấy nước gieo cấy của nhân dân. Qua quan trắc của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, các tháng 1 đến 3 từ năm 2020 đến 2024 cho thấy nồng độ mặn tăng dần, nhất là vụ đông xuân 2023-2024 có thời điểm nồng độ mặn lớn nhất đạt 9,3‰ tại Cầu Xe và 9‰ tại An Thổ.
Ngoài ra, sự phát triển kinh tế-xã hội, sức ép tăng dân số, đô thị hóa, công nghiệp hóa thời gian qua cũng làm gia tăng yêu cầu cấp nước cả về số lượng và chất lượng. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kéo theo nhu cầu sử dụng và tiêu thoát nước, dẫn đến các công trình thủy lợi phải thay đổi nhiệm vụ, chuyển đổi mục tiêu phục vụ nhằm bảo đảm hài hòa các lợi ích, tránh mâu thuẫn trong sử dụng nước.
Hiện nay, các công trình thủy lợi trên toàn lưu vực mới chỉ đáp ứng tưới cho 94% diện tích do phần lớn công trình có thời gian phục vụ hơn 30 năm cho nên bị hỏng, xuống cấp, không bảo đảm năng lực thiết kế; nhiều hệ thống công trình chưa được khép kín, hoàn thiện, hiệu quả quản lý, vận hành chưa cao..
Nhằm sử dụng hiệu quả và bảo đảm an ninh nguồn nước lưu vực sông Hồng-sông Thái Bình, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi Đào Ngọc Tuấn cho rằng, thời gian tới cần quản lý chặt chẽ việc khai thác cát sỏi trên lưu vực bảo đảm an toàn cho hệ thống đê, ổn định lòng dẫn phục vụ cấp và tiêu, thoát nước; có giải pháp phi công trình ứng phó tình trạng hạ thấp mực nước trên sông; xây dựng, rà soát, sửa đổi, điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ, các công trình, hệ thống thủy lợi đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.
Xây dựng trạm bơm, đập dâng, hồ chứa ở những nơi địa hình, nguồn nước thuận lợi tạo nguồn cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp ở các địa phương miền núi; trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn để tăng độ che phủ, chống xói mòn, cạn kiệt dòng chảy, phòng chống lũ, sạt lở đất; cải tạo, nâng cấp các hệ thống thủy lợi xuống cấp, hoạt động không hiệu quả, hướng tới phục vụ đa mục tiêu; chủ động chuyển đổi sản xuất lúa ở những nơi thường xuyên thiếu nước sang cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao.
Cùng với đó, khuyến khích bà con nông dân áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm cho các vùng sản xuất cây hàng hóa tập trung nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nước; xây dựng các công trình tiêu nước cho khu vực ven biển, nơi có địa hình thấp chịu tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng hiện đang gặp khó khăn trong tiêu, thoát nước...