Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia (Cục Khí tượng thủy văn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường) thông tin về bão số 3.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia (Cục Khí tượng thủy văn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường) thông tin về bão số 3.

Bão Wipha di chuyển nhanh, khả năng gây mưa lớn trên diện rộng

Sáng 19/7, trao đổi với báo chí, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia (Cục Khí tượng thủy văn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết: Bão Wipha đã vượt qua kinh tuyến 120, chính thức đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 3 trong năm 2025.

Tính đến 11 giờ ngày 19/7, bão đang hoạt động ở cấp 9, tăng một cấp so với 24 giờ trước đó, và đang cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 1.000km về phía đông. Với tốc độ di chuyển trung bình khoảng 20km/giờ, bão có xu hướng tiếp tục mạnh lên, đạt cấp 12–13, giật cấp 14–15 khi di chuyển đến khu vực phía đông bán đảo Lôi Châu. Dự báo, khi vào Vịnh Bắc Bộ, bão sẽ suy yếu dần, cường độ còn khoảng cấp 8–10.

Đáng chú ý, ông Lâm nhấn mạnh, đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, hoàn lưu mây mưa và gió mạnh lệch về phía tây và phía nam. Vì vậy, ngay từ ngày 20/7–21/7, khi bão còn đang ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ, các hiện tượng mưa dông trước bão đã có khả năng xảy ra ở vùng biển và ven bờ Bắc Bộ.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, trong 24 giờ tới, nguy cơ lớn nhất do bão gây ra là gió mạnh và sóng lớn tại khu vực phía bắc và giữa Biển Đông, đặc biệt là vùng biển phía bắc quần đảo Hoàng Sa, nơi có thể ghi nhận gió cấp 10–12, giật cấp 15, sóng biển cao 4m-6m.

Từ ngày 20/7-21/7, các khu vực như Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải… có khả năng chịu ảnh hưởng đáng kể của gió mạnh và mưa lớn. Đến gần sáng và trong ngày 22/7, vùng biển ven bờ các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa sẽ bắt đầu chịu tác động trực tiếp của bão với gió mạnh cấp 7–9, sóng cao từ 3m–5m. Sóng lớn kết hợp triều cường có thể gây ngập úng tại những khu vực trũng, thấp ở ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng từ trưa và chiều 21/7 đến 23/7.

Trên đất liền, phạm vi ảnh hưởng của bão rộng khắp khu vực Đông Bắc Bộ, một số nơi ở Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa được nhận định là khu vực chịu tác động trực tiếp và mạnh nhất. Dự báo mưa lớn diện rộng sẽ xảy ra tại Bắc Bộ và từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh trong các ngày 21/7–24/7. Một số nơi có thể xuất hiện mưa cục bộ với lượng mưa hơn 150mm trong vòng 3 giờ.

Đáng lưu ý, từ ngày 21/7 đến 24/7, trên các sông ở Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 3m–6m. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt vùng trũng thấp ven sông, đô thị, khu dân cư, cũng như lũ quét, sạt lở đất ở khu vực vùng núi Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia khuyến cáo các địa phương, đơn vị và người dân theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, bảo đảm an toàn cho người và tài sản.

Xem thêm