Mối nguy hại tiềm ẩn
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, mỗi ngày trên địa bàn thành phố có khoảng 80 tấn rác thải nhựa. Mặc dù việc phân loại rác thải nhựa tại nguồn được thực hiện khá tốt nhưng chưa triệt để, nhất là đồ nhựa sử dụng một lần có giá trị kinh tế thấp. Số rác thải này thường được vứt bỏ ra môi trường, rất khó phân hủy, gây nguy hại cho nguồn nước, đất, sức khỏe con người…
Tại Khoản 14 Điều 3 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 1/1/2022 của Chính phủ nêu rõ: Sản phẩm nhựa dùng một lần là các sản phẩm như khay, hộp chứa thực phẩm, bát, đũa, ly, cốc, dao, dĩa, thìa, ống hút, dụng cụ ăn uống khác có thành phần nhựa được thiết kế và đưa ra thị trường với mục đích sử dụng một lần trước khi thải bỏ ra môi trường.
Đối với các cơ sở kinh doanh lưu trú như khách sạn, nhà nghỉ… sẽ không được sử dụng các sản phẩm dùng một lần được làm từ nhựa như bàn chải đánh răng, mũ tắm, lược... Nhà hàng, quán ăn, uống, siêu thị… không sử dụng túi nilon, hộp xốp để chứa, đựng hàng hóa cũng như các sản phẩm nhựa dùng một lần để đựng đồ ăn cho khách hàng (trừ các sản phẩm bao bì chứa nhựa đóng gói từ trước).
Hội đồng nhân dân thành phố ấn định thời gian thực hiện từ ngày 1/1/2026 đối với khách sạn, khu du lịch, nhà nghỉ…; 1/1/2027 đối với siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi…; 1/1/2028 đối với các cơ quan công quyền, tiến tới đầu năm 2031 sẽ loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm nhựa dùng một lần, các vật liệu, hàng hóa chứa chất vi nhựa khó phân hủy trên địa bàn.
Những động thái quyết liệt nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần cho thấy quyết tâm giảm thiểu ô nhiễm nhựa từ gốc của thành phố Hà Nội, hướng tới môi trường Thủ đô “sáng, xanh, sạch, đẹp”.
Quyết tâm của lãnh đạo Hà Nội nhận được phản ứng tích cực của đại đa số người dân Thủ đô. Chị Bằng, chủ một nhà hàng nhỏ ở phố Hàng Đường chia sẻ: “Tôi sẵn sàng thực hiện việc loại bỏ đồ nhựa ngay. Dù tiện lợi nhưng tôi thấy đồ nhựa dùng một lần không tốt cho người dùng lẫn môi trường. Chỉ có điều, người bán hàng như chúng tôi cần thứ gì đó để thay thế chứ không sẽ khó bán cho khách mang về”.
Đó cũng là suy nghĩ của anh Trung, chủ khách sạn trên phố Cửa Nam: “Sau khi biết thành phố có chủ trương cấm lưu hành đồ nhựa dùng một lần, tôi tìm hiểu trên mạng nhưng chưa tìm được đơn vị nào cung cấp các sản phẩm thay thế cho sản phẩm trong danh mục cấm. Đồ dùng một lần của khách sạn có ưu điểm giá rẻ, trang bị nhanh gọn. Nếu chuyển đổi sang sản phẩm khác, có thể mức phí sẽ tác động đến giá thuê phòng tính cho khách…”.
Tìm kiếm giải pháp vật liêu thay thế
Thực tế những sản phẩm nhựa dùng một lần thường không được phân loại tại nguồn mà bỏ chung vào rác thải sinh hoạt, trong khi những người làm nghề nhặt rác cũng không mặn mà do giá trị vật phẩm thấp và ít có cơ sở thu mua để tái chế.
Anh Sang, nhân viên điểm thu gom phế liệu ở làng Triều Khúc khẳng định: “Cơ sở chúng tôi không thu mua các loại nhựa dùng một lần, nó không làm được việc gì, mấy lần trước tôi mang đi bán cho cơ sở tái chế người ta còn loại ra. Có nhiều người đi nhặt rác mang đồ nhựa này đến bán nhưng không bán được họ đều mang đi vứt ở ngoài cánh đồng hoặc bãi trống quanh làng. Lâu lâu lại có xe của bên môi trường đến gom đi”.
Theo ông Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường là rất nghiêm trọng nếu không được xử lý đúng cách. Giảm thiểu việc sử dụng đồ nhựa là một giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa gây hại tới môi trường cần được phát huy và nhân rộng. Dần dần tạo cho người dân ý thức tự giác nói không với đồ nhựa, nhất là nhựa dùng một lần.
Theo báo cáo của Hiệp hội nhựa Việt Nam, với mức tăng trưởng 10% mỗi năm cho thấy Việt Nam là thị trường rất sôi động của các sản phẩm làm từ nhựa. Trong khi đó năng lực tái chế nhựa của doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, nguồn nguyên liệu chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài. Vì vậy, cơ quan chức năng cần kiểm soát nguồn cung nguyên liệu bên cạnh việc hình thành các cơ sở tái chế đủ năng lực như biện pháp hạn chế đồ dùng bằng nhựa và rác thải nhựa ra môi trường.
Kinh nghiệm tại nhiều quốc gia phát triển trong vấn đề hạn chế và cấm sử dụng sản phẩm nhựa cho thấy các nước đã có sự chuẩn bị đầy đủ về các loại sản phẩm thay thế.
Bên cạnh hỗ trợ về chính sách, tài chính của Nhà nước cho doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh…việc cung cấp đủ sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa khiến quá trình thay thế trở nên đơn giản và nhanh chóng.
Trong khi đó, hiện chúng ta chưa có nhiều doanh nghiệp sản xuất và cung ứng vật liệu thay thế đáp ứng được các tiêu chí mà đồ nhựa sử dụng một lần có thể đáp ứng, trừ yếu tố ảnh hưởng tới môi trường.
Vì vậy, để chủ trương loại bỏ sản phẩm nhựa trong đời sống có hiệu quả, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần triển khai đồng bộ các biện pháp, từ nghiên cứu sản phẩm thay thế cũng như hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và các đối tượng thường xuyên sử dụng sản phẩm nhựa một lần trong quá trình chuyển đổi.