Sáng 18/7, tại Hà Nội, Viện Tư vấn phát triển (CODE) và Tạp chí Điện tử Nhà quản trị - TheLEADER phối hợp tổ chức "Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025: Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới".
Sự kiện thu sự tham gia của hơn 200 đại biểu đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, chuyên gia quốc tế và trong nước, đại diện các tổ chức tư vấn, phát triển, các doanh nghiệp tiên phong cùng hơn 30 cơ quan thông tấn báo chí.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển nhấn mạnh, biến đối khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp trên phạm vi toàn cầu và đang được xem là thách thức lớn nhất mà toàn thế giới phải đối mặt, phải cùng nhau hợp tác chặt chẽ để giải quyết. Trung hòa carbon và sớm đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) trong những năm tới là trọng tâm, là mục tiêu chung của các quốc gia trong cuộc chiến với thách thức lớn nhất này.
Việt Nam là một trong số ít quốc gia bị tác động nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (Hội nghị COP26), Việt Nam đã đưa ra cam kết sẽ đạt Net Zero vào năm 2050 với nhiều giải pháp lớn để cắt giảm phát thải trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao thông và năng lượng; bên cạnh đó chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và các biện pháp để tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng.
Theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, cam kết Net Zero được xem là hết sức cần thiết để một mặt giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thúc đẩy chuyển đổi sang phát triển xanh; mặt khác giúp Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút các nguồn lực đầu tư cho các mục tiêu phát triển.
“Lộ trình đến Net Zero của Việt Nam không còn dài. 25 năm tới đây sẽ là một chặng đường đầy thách thức khi phải thực hiện nhiều mục tiêu kép, vừa nỗ lực giảm phát thải vừa nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng cao để vươn tới là quốc gia phát triển, có thu nhập cao. Hành trình này rất cần có sự chung tay mạnh mẽ của cả cộng đồng”, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho biết, với chủ đề “Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới", Diễn đàn lần này sẽ cập nhật xu hướng Net Zero trên thế giới cũng như Hành trình Net Zero của Việt Nam thông qua các chuyển động chính sách, thể chế, hành động và các sáng kiến, thực tiễn kinh tế-xã hội-môi trường-công nghệ…
Chia sẻ tại Diễn đàn, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Quang - Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) nêu rõ, carbon là khí nhà kính chính gây biến đổi khí hậu, chủ yếu phát sinh từ đốt nhiên liệu hóa thạch trong công nghiệp, năng lượng và giao thông. Cơ chế định giá carbon được thiết kế nhằm gắn chi phí phát thải vào hoạt động sản xuất và tiêu dùng, thúc đẩy lựa chọn công nghệ sạch và sử dụng năng lượng hiệu quả. Hai cơ chế phổ biến gồm: thuế carbon (ấn định giá) và thị trường carbon (ấn định lượng), trong đó thị trường cho phép mua bán hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon.
Ông Nguyễn Tuấn Quang cho biết, thị trường carbon gồm hai loại thị trường tuân thủ bắt buộc (gắn với quy định pháp lý) và thị trường tự nguyện (phục vụ mục tiêu trung hòa carbon). Hệ thống đo lường-báo cáo-thẩm định (MRV) đóng vai trò trung tâm, bảo đảm minh bạch và tin cậy cho thị trường. Tại Việt Nam, khung pháp lý đang hình thành với Quyết định 232/QĐ-TTg/2025 và Nghị định 119/2025/NĐ-CP quy định về phân bổ hạn ngạch, giao dịch và vận hành thị trường.
Giai đoạn thí điểm (2025-2028) sẽ xây dựng sàn giao dịch và cấp phát miễn phí hạn ngạch; từ năm 2029, áp dụng đấu giá và kết nối quốc tế. Tuy nhiên, thị trường vẫn đối mặt với nhiều thách thức như thiếu năng lực MRV, nền tảng kỹ thuật yếu, thiếu liên kết thể chế và nhận thức hạn chế của doanh nghiệp. Giải pháp bao gồm hoàn thiện thể chế, số hóa hệ thống, đào tạo nhân lực, hỗ trợ tài chính xanh, và tăng cường hợp tác quốc tế.
Tại Diễn đàn, phân tích khuôn khổ pháp lý để phát triển bền vững tại Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thọ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết: Thị trường carbon tại Việt Nam đang trong giai đoạn định hình nền móng, với hành lang pháp lý bước đầu khá rõ ràng, các chủ thể liên quan đã bắt đầu tiếp cận và tham gia.
Tuy vậy, nhiều khoảng trống pháp lý vẫn cần được lấp đầy thông qua hệ thống hướng dẫn kỹ thuật chi tiết. Năng lực quản lý, giám sát và triển khai ở cấp địa phương và doanh nghiệp cần được tăng cường thông qua các chương trình đào tạo bài bản và cơ chế hỗ trợ chuyên môn. Mô hình sàn giao dịch carbon cần được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm tính công khai, minh bạch và hiệu quả giao dịch.

Quá trình phát triển thị trường cần gắn với số hóa hệ thống giám sát, bảo đảm dữ liệu chính xác, kịp thời và có thể kiểm chứng. Khi thị trường đi vào vận hành đầy đủ, vai trò điều tiết của nhà nước, sự tham gia chủ động của khu vực tư nhân, và hợp tác quốc tế hiệu quả sẽ là những trụ cột để bảo đảm tính bền vững và phát triển lâu dài của thị trường carbon Việt Nam.
Tại Diễn đàn, các đại biểu trao đổi, thảo luận, đưa ra các sáng kiến, kiến nghị, giải pháp trên mọi phương diện nhằm thúc đẩy tiến trình cân bằng phát thải khí nhà kính tại Việt Nam nói chung và triển khai hiệu quả thị trường carbon Việt Nam nói riêng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới.
Nhân dịp này, Ban tổ chức Diễn đàn vinh danh, trao biểu trưng “Hành trình Net Zero tiêu biểu” cho các dự án, sáng kiến, cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức đã thực thi nhiều giải pháp có ý nghĩa lớn để giảm phát thải và trung hòa carbon.