Đến thăm Vườn quốc gia Xuân Thủy, đứng trên chòi quan sát, trước mắt chúng tôi là mầu xanh của trời, nước và cây, làm cái nắng nóng mùa hè trở nên “vô duyên”. Khoát vòng tay rộng, ông Doãn Cao Cường, Giám đốc Vườn quốc gia Xuân Thủy giới thiệu về vùng đất ngập nước tại dòng sông Hồng đổ ra Vịnh Bắc Bộ, tiêu biểu cho hệ sinh thái đất ngập nước khu vực cửa sông ven biển miền bắc Việt Nam. Đây là hệ sinh thái mở, đa dạng sinh học cao với nhiều loài động thực vật quý hiếm.
Vườn có tổng diện tích 15.100 ha, gồm hai vùng: Vùng lõi với 7.100 ha, vùng đệm khoảng 8.000 ha; được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Vườn quốc gia vào năm 2003. Trước đó, năm 1989, vùng đất ngập nước thuộc Vườn quốc gia Xuân Thủy được công nhận là khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á; đánh dấu Việt Nam trở thành thành viên thứ 50 của Công ước Ramsar (Công ước bảo vệ những vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, nhất là nơi cư trú của các loài chim nước). Các kiểu đất ngập nước chính ở Vườn quốc gia Xuân Thủy bao gồm bãi triều có rừng ngập mặn; bãi triều lầy không có rừng ngập mặn; đầm tôm, dải cát ở mép ngoài Cồn Lu và các dải cát chắn ngoài cửa sông-Cồn Xanh, Cồn Mờ, sông nhánh và lạch triều; vùng nước cửa sông.
Vườn là nơi sinh sống của hơn 200 loài thực vật có mạch thuộc 145 chi, 65 họ, trong đó có 14 loài thực vật ngập mặn chính, các loài sú, bần chua, trang, đước, ô rô, dây có số lượng và diện tích chiếm phần lớn; động vật nổi ghi nhận được 110 loài; có 385 loài động vật không xương sống, 155 loài cá, 427 loài côn trùng... Vườn có nhiều loài thủy sản giá trị kinh tế cao như: Móng tay, cáy mật, cua bùn, cá Song, cá Hói... Làm nên điều đặc biệt là điểm dừng chân và trú đông quan trọng của các loài chim nước di cư, do đó Vườn quốc gia Xuân Thủy còn có tên gọi là “Ga chim quốc tế” hay “Thiên đường” của các loài chim. Kết quả điều tra khảo sát và kế thừa kết quả các công trình nghiên cứu về chim ở Vườn quốc gia Xuân Thủy thống kê được 222 loài chim thuộc 42 họ trong 12 bộ, gồm 166 loài chim di cư... Khu hệ chim ở đây tiêu biểu cho các loài thuộc bộ Hạc, bộ Ngỗng, bộ Rẽ và bộ Sẻ; nhiều loài chim nước quý hiếm nằm trong Sách đỏ quốc tế như: Rẽ mỏ thìa, Choắt lớn mỏ vàng, Cò thìa mặt đen, Bồ nông chân xám, Choắt chân màng lớn, Cò lạo Ấn Độ, Cò trắng Trung Quốc, Choắt mỏ cong lớn… đã chọn nơi đây làm điểm dừng chân trên con đường di trú vạn dặm để trú đông, tránh nóng hằng năm. Đáng chú ý, Vườn quốc gia Xuân Thủy ghi nhận tồn tại một quần thể Cò thìa lớn nhất Việt Nam.
Theo ông Doãn Cao Cường, Vườn còn là nơi con người và thiên nhiên khăng khít, trong mênh mông rừng cây sú vẹt, các đầm bãi và nguồn thủy hải sản phong phú như tôm, cua, cá, sò… nuôi sống nhiều gia đình. Nhằm giảm đến mức thấp nhất tác động tiêu cực từ cộng đồng sống dựa vào nguồn lợi của Vườn, nhiều năm qua, nhiều dự án do các tổ chức trong nước, quốc tế đã triển khai, giúp người dân địa phương tăng thu nhập từ sinh kế mới, như nuôi ong, trồng nấm, làm du lịch sinh thái cộng đồng. Khi hưởng lợi từ Vườn, người dân, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng đã phối hợp thực hiện nhiều hoạt động bảo tồn và phát triển hệ sinh thái Vườn. Lực lượng kiểm lâm thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng và ngăn chặn các hoạt động trái phép như săn bẫy chim hoang dã, khai thác củi, khai thác thủy sản không đúng quy định; nhân viên Ban Quản lý Vườn tổ chức tuyên truyền tại các xã vùng đệm nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và các loài chim di trú hoang dã; hằng năm, tổ chức trồng rừng tại đây…
Nỗ lực của ngành chức năng và cộng đồng đều hướng tới mục tiêu “nâng tầm” Vườn quốc gia Xuân Thủy với hoạt động tích cực xây dựng, hoàn thiện dự thảo hồ sơ đề cử Vườn là Vườn Di sản ASEAN. Mới đây, đoàn công tác của Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB) gồm các chuyên gia từ ACB, Ban Thư ký ASEAN, Ban Quản lý các vườn quốc gia trong khu vực, Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), đại diện Viện Sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã khảo sát, thẩm định, đánh giá: Vườn quốc gia Xuân Thủy hoàn toàn đáp ứng đủ 12 tiêu chí để được công nhận là Vườn Di sản ASEAN; hồ sơ đề cử được đánh giá công phu, khoa học, phản ánh đúng thực trạng và tiềm năng sinh thái; việc gắn kết bảo tồn với sinh kế cộng đồng và yếu tố văn hóa-lịch sử tạo nên giá trị đặc thù của Vườn quốc gia Xuân Thủy so với các khu bảo tồn khác trong khu vực.
Ông Doãn Cao Cường khẳng định, đề xuất công nhận Vườn là Vườn Di sản ASEAN có ý nghĩa quan trọng, hướng tới nhiều lợi ích thiết thực như: Bảo tồn nguyên vẹn mẫu chuẩn điển hình hệ sinh thái đất ngập nước khu vực cửa sông ven biển miền bắc Việt Nam, nhất là bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; tạo cơ hội lớn để Vườn quốc gia Xuân Thủy trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị giữa các Vườn Di sản ASEAN trong khối ASEAN và thế giới; đồng thời tạo nên “thương hiệu” thu hút các nhà đầu tư dịch vụ du lịch, du khách đến với Vườn quốc gia
Xuân Thủy ■