Vở diễn khẳng định phẩm chất, bản lĩnh của người chiến sĩ công an nhân dân.
Vở diễn khẳng định phẩm chất, bản lĩnh của người chiến sĩ công an nhân dân.

Vở kịch “Đoạn kết”: Cuộc rượt đuổi của ân tình, công lý và sự thức tỉnh

Tham dự Liên hoan Nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân 2025, vở “Đoạn kết” của Nhà hát Tuổi trẻ đã mang đến một góc nhìn mới mẻ, chân thực. Không chỉ khẳng định bản lĩnh của người chiến sĩ công an, vở diễn còn mang đến những chất vấn về lương tâm, trách nhiệm và sự thật.

“Đoạn kết” được đạo diễn Đào Duy Anh dàn dựng dựa trên kịch bản của tác giả Lê Quý Hiền. Câu chuyện kịch lấy bối cảnh từ một vụ tai nạn giao thông, khi Hùng - một cậu ấm được thừa kế công ty từ bố, vì say xỉn đã lái ô-tô đâm chết người.

Để “chạy án” cho con, ông Dũng (bố Hùng) đã yêu cầu người cháu họ nhận tội thay, đồng thời tìm cách đền bù cho gia đình nạn nhân.

Mọi bằng chứng được sắp xếp đâu vào đấy khiến sự thật tưởng chừng bị vùi lấp. Nhưng từ những dấu vết nhỏ nhất, Ngọc-một chiến sĩ công an trẻ giỏi nghiệp vụ vẫn quyết định lật lại vụ án để trả đúng vị trí cho công lý và sự thật.

Khác với nhiều vở diễn thường xoáy sâu vào đề tài chống tham nhũng, “Đoạn kết” gây ấn tượng vì lựa chọn cách tiếp cận riêng, đó là khai thác những bi kịch, lầm lỡ xuất phát từ nợ ơn nghĩa, ân tình. '

Ông bố vì thương con mà tìm cách che giấu tội lỗi. Cô người yêu vì tình cảm dành cho Hùng mà im lặng. Người cháu họ vì mang ơn gia đình ông Dũng mà sẵn sàng nhận tội thay. Trung tá Bình – một trưởng phòng công an, người từng phá nhiều vụ án hóc hiểm, cũng từng chấp nhận làm sai lệch hồ sơ vì món nợ ân tình với cha của Hùng.

doan-ket-2-116.jpg
Vở diễn khai thác về những bi kịch, lầm lỡ xuất phát từ món nợ ân tình.

Từ đây, vở diễn gióng lên lời cảnh tỉnh đanh thép, rằng tội ác nhiều khi không xuất phát từ lòng tham mà bắt nguồn từ việc đặt tình cảm sai chỗ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là việc con người cần biết thức tỉnh.

Khi cô người yêu của Hùng – nhân chứng duy nhất cùng ngồi trên chiếc ô-tô gây án - quyết định nói lên sự thật sau nhiều giằng xé, đớn đau vì cảm giác tội lỗi; khi trung tá Bình – người được coi là biểu tượng của công lý quyết định không thỏa hiệp, cũng là lúc thông điệp về sự thức tỉnh được tác giả Lê Quý Hiền chuyển tải trọn vẹn.

Theo dõi vở diễn, cùng với sự bất ngờ của tình tiết, người xem còn không khỏi trăn trở về câu chuyện xoay quanh tình thương, công lý, sai lầm và sự lựa chọn của mỗi người.

dan-ket-3-2825.jpg
"Đoạn kết" được kể một cách mạch lạc, có lớp lang, liên tục mở ra những lát cắt đầy kịch tính.

Để chuyển tải một câu chuyện với nhiều xung đột tâm lý, đạo diễn Đào Duy Anh đã có những xử lý sân khấu tinh tế khi thể hiện cuộc đối đầu giữa lý trí và những giằng xé tình cảm. Đặc biệt là ở cảnh đạo diễn sử dụng những cánh cửa đồng hiện trên sân khấu để thể hiện suy nghĩ của chiến sĩ công an tên Ngọc lúc lật lại các tình tiết xoay quanh vụ án, hay khi thủ phạm vì ám ảnh tội lỗi mà vén màn nhìn thấy nạn nhân…

Ở đoạn kết của vở diễn, cảnh những vali tiền được ném mạnh trên sàn diễn rồi được dựng lên ngay ngắn, sau đó lại bị chiếc bánh xe lao tới hất đổ đã mang đến những hình ảnh giàu sức gợi khẳng định chiến thắng của sự thật, lương tâm và sự thức tỉnh.

Cách kể chuyện mạch lạc, có lớp lang, liên tục mở ra những lát cắt đầy kịch tính, đã mang đến một vở diễn thu hút khán giả từ đầu đến cuối.

Đặc biệt, làm nên thành công của vở diễn, không thể không nói đến năng lực diễn xuất của đội ngũ diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ. Vở diễn không nhiều nhân vật, nhưng nhân vật nào cũng được dành “đất diễn” và thể hiện được diễn biến nội tâm, với những yếu tố rất con người, dù đó là kẻ thủ ác hay những người im lặng đồng lõa với tội ác.

doan-ket-4-3987-7278.jpg
Các diễn viên thể hiện thành công diễn biến nội tâm nhân vật.

Vào vai chiến sĩ công an tên Ngọc, diễn viên trẻ Quang Trọng đã thể hiện thành công hình tượng một chiến sĩ công an bản lĩnh, không dao động trước quyền lực, kiên định đến cùng vì công lý và sự thật. Hai diễn viên trẻ Đức Anh (vai Hùng) và Huyền Trang (người yêu Hùng) cũng đã lột tả ấn tượng những toan tính hay ám ảnh tội lỗi.

Bên cạnh đó, lối diễn sắc sảo của Nghệ sĩ Ưu tú Quang Ánh (vai ông Dũng) và nghệ sĩ Quỳnh Dương (vai trung tá Bình) cũng là yếu tố làm tăng thêm tính bất ngờ, thuyết phục cho vở diễn.

“Đoạn kết” có thể xem là một tác phẩm khá tròn trịa, chặt chẽ trong cả kịch bản và dàn dựng, với sự phụ họa đắc lực của âm nhạc, thiết kế sân khấu và ánh sáng. Vở diễn đã thành công khi khẳng định thông điệp: dù tìm cách che giấu hay trốn tránh, sự thật cuối cùng vẫn bộc lộ, và con người không thể không trả giá cho những lựa chọn của chính mình.

Xem thêm