Bắc Ninh phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030. Trong ảnh: Vòng xoay trung tâm tỉnh Bắc Ninh.
Bắc Ninh phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030. Trong ảnh: Vòng xoay trung tâm tỉnh Bắc Ninh.

Kiến tạo không gian mới, lập “kỳ tích đô thị Sông Cầu”

Tỉnh Bắc Ninh (mới) kỳ vọng tạo dư địa phát triển bứt phá, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030, lập nên “kỳ tích đô thị Sông Cầu” trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Mở rộng, tạo không gian phát triển mới

Trong buổi làm việc tại tỉnh Bắc Ninh mới đây, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Việc sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính giúp Bắc Ninh mở rộng quy mô kinh tế, tăng khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư và tận dụng tối đa tiềm năng phát triển, tạo thêm động lực cho phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Sau 28 năm chia tách từ tỉnh Hà Bắc, tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang đều có bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế-xã hội, công nghiệp, dịch vụ thương mại, chất lượng đời sống nhân dân nâng cao. Với nhiều nét tương đồng về phong tục, tập quán, văn hóa, nhất là tiềm năng, lợi thế và vị trí chiến lược, nằm ở vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tam giác kinh tế Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh và là cửa ngõ phía Đông Bắc của Thủ đô Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh mới có nhiều điều kiện thuận lợi để vươn mình, đột phá.

Đề án sắp xếp, hợp nhất tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang nhấn mạnh mục tiêu xây dựng toàn tỉnh Bắc Ninh mới đạt tiêu chí đô thị loại 1, hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030 với chức năng, vai trò, vị thế là trung tâm tổng hợp cấp quốc gia, cấp vùng về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế. Tỉnh mới sẽ là trung tâm logistics, công nghiệp chất lượng cao, thuộc nhóm đi đầu trong đột phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây cũng là đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng liên tỉnh và cả nước. Bắc Ninh mới sẽ là thành phố xanh, thông minh, hiện đại, đáng sống với trình độ phát triển cao, mang đậm bản sắc văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc. Người dân được thụ hưởng các dịch vụ xã hội và chất lượng cuộc sống ngang với các nước phát triển trong khu vực châu Á.

Để đạt mục tiêu nêu trên, ngay trong quá trình triển khai chuẩn bị hợp nhất, hai tỉnh đặc biệt chú trọng công tác quy hoạch và sẽ triển khai sớm. Căn cứ Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; theo Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại bộ máy hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, nêu rõ: “Sau khi đơn vị hành chính mới đi vào hoạt động ổn định, có thể nghiên cứu quy hoạch, xây dựng các trung tâm hành chính-chính trị mới hợp lý, phù hợp với xu thế phát triển chung của địa phương và tạo ra không gian phát triển mới”, các cơ quan chức năng đã tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể, toàn diện, khoa học về các quy hoạch tỉnh của hai tỉnh. Song song với đó tổ chức lập mới, điều chỉnh hệ thống quy hoạch, nghiên cứu hình thành Trung tâm hành chính của tỉnh Bắc Ninh mới trên địa bàn thuộc tỉnh Bắc Giang hiện nay.

Kết nối các cực tăng trưởng và các vùng động lực

Nhất quán mục tiêu hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030, tỉnh Bắc Ninh mới tập trung theo hướng cấu trúc chùm, chuỗi đô thị, đa trung tâm, mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng). Lấy trọng tâm cấp vùng, cấp khu vực là Cảng hàng không quốc tế Gia Bình, hệ thống hạ tầng kết nối các cực tăng trưởng và các vùng động lực phát triển thúc đẩy hình thành chín hành lang kinh tế. Sân bay Gia Bình sẽ là trọng tâm, hình thành liên kết chuỗi đô thị gồm Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn,... theo mô hình hướng tâm; mô hình không gian đô thị cao tầng, hiện đại, cung cấp các tiện ích, dịch vụ cao cấp mang tầm khu vực…

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các đơn vị tập trung rà soát, hoàn thiện hệ thống quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và nông thôn; xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển đô thị bảo đảm tính liên tục, kế thừa các quyết định, thông báo, chỉ đạo của Trung ương. Hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và khu đô thị cấp vùng, cấp đô thị, bảo đảm các tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiêu chí đô thị loại 1, trực thuộc Trung ương. Tỉnh Bắc Ninh mới sẽ phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh trên cơ sở vị thế, vai trò, tiềm năng lợi thế cấp vùng, phát triển hài hòa bền vững giữa khu vực đô thị và nông thôn với các căn cứ, luận chứng, phân tích khoa học, pháp lý, khả năng kết nối tạo dư địa phát triển bứt phá, động lực mạnh mẽ, khát vọng vươn lên cùng dân tộc; tạo các dấu ấn đột phá về trung tâm phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thủ phủ công nghiệp công nghệ cao.

Bắc Ninh sẽ hình thành tuyến giao thông kết nối với cảng hàng không quốc tế Gia Bình theo tiêu chí ngắn nhất, đẹp nhất, văn minh, hiện đại, đậm đà bản sắc, gắn kết đôi bờ sông Cầu, kỳ vọng lập nên “kỳ tích đô thị Sông Cầu”, “đô thị sân bay”... trong tương lai không xa.

Nhận diện rõ khó khăn, thách thức, trên cơ sở tận dụng, phát huy tối đa lợi thế, tỉnh Bắc Ninh mới sẽ là cửa ngõ, trung tâm kinh tế, văn hóa lớn ở phía đông-bắc của vùng Thủ đô Hà Nội, có vị trí, vai trò chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng, hướng tới trở thành trung tâm tiếp vận, cung ứng, trung chuyển, sản xuất hàng hóa của Việt Nam và thế giới ■

Xem thêm