Toàn cảnh“làng H’Mông”, nay là thôn 5, xã Đam Rông 2, tỉnh Lâm Đồng.
Toàn cảnh“làng H’Mông”, nay là thôn 5, xã Đam Rông 2, tỉnh Lâm Đồng.

Vùng quê xanh trên cao nguyên

Tại thôn 5, xã Đam Rông 2, tỉnh Lâm Đồng, người H’Mông sống quây quần trong ngôi làng độc đáo với lối sống “bốn không”: Không sử dụng rượu, bia; không hút thuốc; không tệ nạn xã hội và không hủ tục, mê tín dị đoan.

Hơn 20 năm qua, thôn 5 không chỉ là nơi an cư, mà còn là minh chứng cho sự đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh trên vùng đất nam Tây Nguyên.

Hơn 20 năm trước, hàng chục hộ dân tộc H’Mông từ các tỉnh vùng cao Tây Bắc di cư đến huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng cũ. Năm 2005, chính quyền địa phương xây dựng khu làng tại thôn 5, xã Rô Men, huyện Đam Rông để ổn định đời sống cho người dân. Thôn 5 vì thế được gọi với tên là “làng H’Mông”, nay là thôn 5, xã Đam Rông 2.

Già làng Giàng Seo Pao, một trong những người di cư vào vùng đất Đam Rông chia sẻ về hành trình hơn 20 năm trước: “Những ngày đầu làm kinh tế, người dân gặp nhiều khó khăn, vất vả, sống du canh du cư… Còn bây giờ, đời sống đã đổi thay nhiều lắm. Khi đã rời quê hương bản quán để đi tìm cuộc sống mới ấm no hơn thì mọi người phải biết vượt qua khó khăn, thử thách; phải biết vươn lên để ổn định cuộc sống. Nhất là phải bỏ tập tục lạc hậu, chăm chỉ làm ăn để phát triển kinh tế gia đình”.

Để xây dựng nếp sống mới, già làng Giàng Seo Pao cùng những bậc cao niên, người có uy tín trong cộng đồng người H’Mông đại diện cho 70 gia đình lập bản hương ước, đặt ra quy định “bốn không”, nhằm bài trừ các hủ tục, đoàn kết làm ăn, phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn minh. Trong bản hương ước này, dân làng phải thực hiện “bốn không”: Không sử dụng rượu, bia; không hút thuốc; không tệ nạn xã hội và không hủ tục, mê tín dị đoan.

Phụ nữ ở đây rất đồng tình, động viên chồng con không sử dụng chất kích thích, gây nghiện. Chị Ma Thị Mậu cho biết, không ai ép buộc mà cả làng tự nguyện thực hiện hương ước, vì đó là những điều tốt, tốt cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Người H’Mông giờ chăm chỉ làm ăn, không ai thiết tha với rượu, bia, thuốc lá. Chị Vằn Thị Chư cho hay: “Ở đây không còn chuyện say xỉn hay bạo hành gia đình. Các dịp lễ, Tết hay sự kiện cưới hỏi, ma chay, người dân trong làng thường dùng trà thay cho rượu, vì thế cuộc sống rất yên bình”.

Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn 5 Hoàng Xuân Tháy cho biết, thực hiện hương ước, người dân trong làng bỏ hoàn toàn các hủ tục. Người dân tổ chức đám tang trang nghiêm, không để người mất trong nhà quá 24 giờ và không mổ trâu, bò, lợn tốn kém. Các cặp đôi đăng ký kết hôn theo pháp luật, tổ chức đám cưới gọn nhẹ, không mở tiệc ăn uống dài ngày, không uống rượu, hút thuốc. Người bệnh được đưa đến trung tâm y tế chữa trị, thay vì mời thầy cúng, mê tín dị đoan. Vào dịp lễ, Tết, người dân trong làng giữ các hoạt động văn hóa truyền thống, như ném pao, đánh cù, nhảy sạp, đẩy gậy… tạo không khí vui tươi, đoàn kết.

Hiện thôn 5 có 184 hộ, dân số khoảng 1.000 người, tất cả là đồng bào dân tộc H’Mông. Với sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền các cấp và tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó trong sản xuất, đời sống của người dân từng bước ổn định và nâng cao. Theo ông Lê Công Trọng, cán bộ xã Đam Rông 2: Khi mới di cư vào sinh sống tại địa bàn, người dân thôn 5 hầu hết là hộ nghèo, canh tác lạc hậu, chủ yếu trồng cây sắn. Người dân chuyển đổi cây trồng sang cây cà-phê, cây ăn trái với sự hỗ trợ của địa phương.

Thị trường mặt hàng nông sản ổn định, thôn 5 xuất hiện nhiều hộ sản xuất giỏi, có thu nhập trong 1 năm từ vài trăm triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng. Trong đó, 30% số hộ có thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm, hàng chục hộ có thu nhập từ 500-800 triệu đồng. Năm 2024 đến nay, có 50 hộ người H’Mông đầu tư xây dựng nhà mới khang trang. “Người dân thôn 5 luôn đoàn kết, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và có cuộc sống kinh tế ổn định, ngày càng phát triển...”, ông Trọng cho biết thêm.

Phó trưởng Công an xã Đam Rông 2, Đại úy Nguyễn Xuân Huy cho hay, tình hình an ninh trật tự ở thôn 5 luôn ổn định, không có tranh chấp hay vụ việc nghiêm trọng. Người dân chấp hành tốt pháp luật và mô hình “bốn không” giúp giữ gìn văn hóa lành mạnh và củng cố sự đoàn kết trong cộng đồng.

Xem thêm